Cái kết không có hậu sau ngày sang tên đất cho con dâu

(PLO) -Cha mẹ tuổi gần đất xa trời, thấy vợ chồng con trai hiếu thuận, sống hạnh phúc, nên ông bà quyết định đem toàn bộ tài sản nhà đất tặng cho con. Họ đâu ngờ, có ngày mình phải sống trong phấp phỏng lo âu, khi rơi vào hoàn cảnh bi đát.
 
Hình minh họa
Hình minh họa

Hạnh phúc không dài lâu

Mùa xuân, nhưng trời lạnh tê tái. Giêng hai mà mưa tầm tã suốt ngày đêm, như thể trời sắp làm một trận lụt lớn. Vợ chồng ông Trần Văn Long (81 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hạnh (78 tuổi, ngụ tỉnh Thừa Thiên - Huế) ngồi co ro trong căn nhà vắng lặng. Đôi mắt già nua nhìn mông lung ra màn mưa trắng xóa trước mặt. 

Trời lạnh lẽo. Lòng ông bà còn tê tái hơn. Giờ này, những nhà khác đang sum vầy bên mâm cơm chiều ấm áp, nhưng bếp nhà ông vẫn lạnh. Đôi vợ chồng già rầu rĩ nên chẳng muốn ăn uống gì. Bà lão chép miệng khi nhìn những bóng người lướt qua trên phố:

“Thời tiết này, người ta chỉ muốn quây quần bên người thân trong nhà”. Nhắc đến ngôi nhà, bỗng dưng đôi mắt cả hai đỏ hoe. Với họ, một gia đình quây quần bên nhau, hạnh phúc nói cười vui vẻ, giờ đã là điều quá xa vời.

Ông Long kể, vợ chồng ông cưới nhau rất lâu, nhưng mãi vẫn không có con. Cứ nghĩ số phận ông bà hẩm hiu về đường con cái, nên ông trời mới không “gửi” đến cho họ một đứa con. Dẫu có buồn phiền, nhưng ông bà cũng đành chấp nhận. Họ quyết định đi hết cuộc đời cùng nhau, mà không cần phải có con cái sum vầy. 

Vậy mà khi niềm mong mỏi của ông bà đã hoàn toàn chấm dứt, thì “thiên thần nhỏ” lại đến với họ. Anh Lân là đứa con trai duy nhất của hai vợ chồng ông, nên ông bà dồn hết tình yêu thương, chăm sóc cho con. Con trai ông bà là người hiếu thuận, ngoan lành. Ngày nhỏ thì siêng năng học hành, lớn lên lại chăm chỉ làm ăn. Đối với ông bà, cuộc sống như vậy đã thỏa mãn.

Rồi anh Lân lập gia đình. Nghĩ cha mẹ chỉ có mình là con trai, nên anh Lân quyết định ở chung với ông bà, chứ nhất định không ra ở riêng như bạn bè cùng trang lứa. Ngôi nhà nhỏ vì thế mà thêm đầm ấm hạnh phúc. Rồi vợ anh Lân sinh con, hạnh phúc càng nhân lên gấp bội. Vợ chồng ông Long ngày ngày quây quần bên con cháu, niềm vui ngời ngời trên khóe mắt, miệng cười không khép lại được.

Vậy mà khi đứa trẻ còn chưa kịp trưởng thành, vợ anh Lân chẳng may gặp tai nạn. Bác sĩ dù tận tình cứu chữa nhưng vết thương quá nặng nên không qua khỏi. Chị qua đời khi đứa con tên Hùng chỉ mới hơn 10 tuổi. 

Sau mấy năm sống cảnh “gà trống nuôi con”, anh Lân đi thêm bước nữa. Từ ngày người con dâu mới bước chân vào nhà, ngôi nhà như thể được truyền thêm một luồng sinh khí mới. Rồi vợ chồng ông Long có thêm một đứa cháu trai, một đứa cháu gái, ngôi nhà càng thêm rộn rã tiếng nói cười. 

Người vợ sau của anh Lân tính hiền lành, ăn nói dịu dàng, nết na, nên vợ chồng ông Long rất ưng bụng. Nhìn vợ chồng con trai sống hòa thuận, hạnh phúc, đôi vợ chồng già rất mãn nguyện. Nhất là nhìn cảnh người mẹ kế tận tình chăm sóc, yêu thương, dạy bảo đứa con riêng của chồng, ông Long, bà Hạnh vô cùng yên tâm. Họ thầm cảm ơn cuộc đời, đã run rủi để con trai gặp được người vợ tốt. Và hơn hết, họ thầm cảm ơn cô con dâu mới, đã mang lại hạnh phúc cho con trai và đứa cháu nội tội nghiệp sớm phải chịu cảnh mồ côi.

Để bày tỏ tình cảm của mình, đôi vợ chồng già thể hiện bằng hành động. Họ quyết định tặng khối tài sản nhà đất của mình cho con trai và con dâu, như là cách họ thể hiện sự tin tưởng và tình yêu thương dành cho con cháu. Căn nhà nhỏ chẳng có gì đáng giá, với hơn 1.000 m2 đất, nhưng đó là toàn bộ tài sản mà cả cuộc đời ông bà phải vất vả khó nhọc, dày công tạo dựng

. “Con trai tui là dân làm ăn, buôn bán. Đôi khi hắn cũng cần tiền, phải đi vay ngân hàng để làm ăn. Vay ngân hàng, phải thế chấp tài sản mới được. Những lúc như thế, hắn phải chở cả hai vợ chồng tui đi ra vô ngân hàng làm thủ tục, rất là phiền phức. Chi bằng sang tên nhà cửa sang cho chúng nó, giao cho chúng nó quản lý. Người một nhà hết cả, có chi mà lo”, ông Long giãi bày.

Ý ông bà đã quyết, nên cuối cùng thủ tục tặng cho con trai và con dâu khối tài sản nhà đất cũng nhanh chóng hoàn thành. Ông bà thở ra nhẹ nhõm sau khi sang tên nhà đất cho vợ chồng con trai. Họ đều cảm thấy vui và hạnh phúc trước việc mình làm.

“May mà pháp luật chặt chẽ”

Có lẽ, vợ chồng ông Long, bà Hạnh sẽ vui và hạnh phúc như vậy cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, nếu như gia đình ông không xảy ra bất hạnh lớn. Anh Lân bị bệnh hiểm nghèo. Diễn biến bệnh âm thầm và phát triển từ lâu nhưng anh không phát hiện. Lúc nhập viện, thì bệnh đã chuyển biến sang giai đoạn cuối. 

Từ ngày con trai qua đời, thái độ của người con dâu đối với vợ chồng ông Long khác hẳn. Cô đối xử với ông bà, như thể cả hai là những người ăn bám phiền nhiễu. Điều đó nhắc nhở ông bà một sự thật chua chát, bây giờ vợ chồng ông chỉ là những kẻ trắng tay.

Tìm đến văn phòng luật sư, mặt mày ông Long phờ phạc. Dáng ông lão ủ rũ như ngọn lá chuối xác xơ sau một trận mưa gió. Nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai thì nỗi buồn vì người con dâu trở mặt khiến ông như bị quật ngã. Đôi mắt ông sâu hoắm, gương mặt già nua, chi chít những vết nhăn, mái tóc phủ một màu bạc trắng. Ở tuổi gần đất xa trời, nhưng ông còn phải phiền não, chạy tới chạy lui tìm cách “giữ” tài sản cho đứa cháu nhỏ, khiến ông rũ rượi. 

Ông Long ngậm ngùi: “Hai vợ chồng tui già rồi, chẳng sống được mấy ngày nữa. Nhưng còn thằng cháu nội của tui, đứa con riêng của thằng Lân với người vợ trước, giờ mới lâm vô hoàn cảnh tội nghiệp”. Ông lão thở dài, đôi mắt già nua ngân ngấn nước. Ông kể, sau khi con trai ông qua đời, con dâu ông đã tuyên bố với vợ chồng ông, lúc anh Lân ốm đau, cận kề cái chết, con dâu ông chẳng biết làm cách gì, đã thuyết phục được chồng làm di chúc, để lại toàn bộ phần tài sản nhà đất của anh lại cho vợ. 

“Không biết hắn thề thốt, hứa hẹn kiểu chi, mà con trai tui đã nghe theo. Giờ vợ chồng tui với thằng cháu nội không biết phải tính làm sao. Thằng Hùng đã tốt nghiệp đại học, giờ đã đi làm, có thể tự nuôi sống bản thân. Tui không lo hắn chết đói. Nhưng hắn cưới vợ, thì nhà mô mà ở, đất mô mà xây nhà. Con dâu tui tuyên bố đất của vợ chồng hắn, chỉ để lại cho hai đứa con của vợ chồng hắn đẻ ra thôi”. 

Luật sư giải thích, ông bà có thể khởi kiện ra tòa án, để yêu cầu được hưởng thừa kế từ di sản của người con trai đã mất để lại (mặc dù anh Lân di chúc để lại toàn bộ tài sản phần mình cho người vợ). Theo Điều 644 của Bộ luật Dân sự quy định về thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau:

“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 điều 621 của bộ luật này: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con đã thành niên mà không có khả năng lao động”.

Luật sư “mách nước”, ông bà chỉ cần đem phần được hưởng thừa kế từ tài sản của con trai để lại, rồi mang cho đứa cháu nội kém may mắn của mình. Ông Long run run cầm tay người luật sư, nghẹn giọng: “May mà pháp luật chặt chẽ.

Nếu không, vợ chồng tui sẽ ân hận suốt đời, đến chết cũng không nhắm được mắt, vì đã gián tiếp gây thêm nỗi bất hạnh cho đứa cháu tội nghiệp. Giao tài sản của mình cho con trai và con dâu, với mong mỏi niềm vui và hạnh phúc thêm trọn vẹn, chứ đâu ngờ lại gây thêm nỗi bất hạnh này”.

Đọc thêm