Sếp bán hàng online
Hơn 2 tuần nay, hình ảnh chị Lê Thị Phương Anh- Giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch SAB (TP Vinh, Nghệ An) mặc váy, quần áo sang trọng cùng nhân viên ký hợp đồng, đón tiếp khách du lịch đã không còn nữa. Thay vào đó, từ đầu giờ sáng, cả giám đốc, nhân viên xắn tay áo nhào bột, nặn, nướng bánh.
Buổi chiều, toàn bộ nhân lực được huy động để đi ship hàng cho khách. Công việc dù không phải là sở trường nhưng trong bối cảnh này, đây là cách duy nhất để họ có thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình bởi không biết đến bao giờ công ty mới có thể hoạt động trở lại vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Vào thời điểm này của 2 năm trước đây, nhân viên của Công ty đang bận rộn chuẩn bị cho đợt hoạt động cao điểm phục vụ các tour nghỉ lễ dịp 30/4-1/5. Nhưng từ khoảng đầu tháng 3/2020, sự bận rộn đó đã không còn nữa, thay vào đó trụ sở Công ty đã trở thành một xưởng bánh thực thụ.
|
Nhân viên công ty thành shiper đưa hàng cho khách |
Tác động bất lợi của dịch Covid-19 buộc Công ty phải hủy 8 đoàn khách và 3 đoàn đã ký hợp đồng rồi nhưng xin hoãn trong dịp đầu năm. Chị Phương Anh chia sẻ, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, trong đó ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nhất. Du lịch đóng băng, các hợp đồng bị hủy đồng nghĩa với mất hết các khoản thu trong khi đó tiền nợ ngân hàng và bảo hiểm cho người lao động tôi vẫn phải “gánh”. Không có việc nên công ty phải cho anh chị em nghỉ việc từ ngày 9/3 tới nay.
Trong thời gian nghỉ vì dịch bệnh, Công ty chỉ có thể hỗ trợ cho người lao đồng với mức lương cơ sở. Tuy nhiên nếu tình trạng dịch diễn ra lâu dài, khả năng hỗ trợ cũng chỉ có hạn. Với mức lương cơ sở thì việc duy trì cuộc sống trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh là rất khó. Không chịu bó tay, chị Phương Anh đã xoay ra kiếm việc làm thêm cho 7 nhân viên. Đó là lý do, trụ sở của Công ty giờ đây đã trở thành một xưởng bánh. Không kể sếp hay nhân viên, ai nấy đều xắn tay vào công việc làm bánh để duy trì cuộc sống.
Cùng chung thực trạng đó, nhưng Công ty TNHH du lịch Mạnh Cường tourist (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) có tình hình khả quan hơn khi vẫn đang cố cầm cự. Anh Thái Văn Mười, Giám đốc công ty cho biết đơn vị có 14 nhân viên chính thức và 10 cộng tác viên. Sau 3 năm đi vào hoạt động, công ty đã có chỗ đứng nhất định, là sự lựa chọn của nhiều đoàn khách. Tuy nhiên, từ ra Tết đến nay tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến công ty ảnh hưởng đáng kể.
“Trong tình cảnh khó khăn chung như vậy, phía Công ty và nhân viên đều đồng tình giúp đỡ nhau để cùng tồn tại. Do đó, hai bên thống nhất sẽ trả cho nhân viên 50% lương. Nhưng phương án đó cũng chỉ tính đến cuối năm. Nếu đến thời điểm đó, tình hình vẫn chưa khả quan thì có lẽ phải tính đến tình huống xấu nhất”, anh Mười cho hay.
Chia sẻ về tình hình doanh thu sụt giảm của Công ty, anh Thái Văn Mười cho hay, tình hình dịch bệnh khiến công ty phải hủy 27 đoàn khách. Trong đó có những đoàn là hội nghị của các công ty tập đoàn lớn. Việc có những tour công ty ký hợp đồng từ cuối năm 2019, phải chuyển khoản dịch vụ hết 50% mà giờ không khởi hành được khiến công ty bị thiệt hại rất lớn.
Hướng dẫn viên xoay đủ nghề để sống qua ngày
Anh Trần Văn Dung (35 tuổi, ngụ huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là người có thâm niêm khoảng 6 năm trong nghề hướng dẫn viên du lịch cũng lâm vào cảnh khốn đốn vì…dịch bệnh.
Vốn học chuyên ngành tiếng Pháp, lại có 4 năm sinh sống ở đất nước này nên vốn ngoại ngữ của anh rất ổn. Sau khi về nước anh chọn cho mình công việc làm hướng dẫn viên cho khách nước ngoài, chủ yếu là khách châu Âu. Vốn là người thích tự do, nên anh không thuộc nhân viên chính thức của công ty lữ hành nào mà chọn liên kết để bản thân chủ động thời gian.
Những năm trước, khoảng thời gian từ ra tết đến giữa năm, lịch trình của anh đều dày kín. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh Covid-19 khiến cuộc sống cũng như công việc của anh bị đảo lộn hoàn toàn. “Các đoàn khách đồng loạt hủy tour xuyên Việt. Không có công việc đồng nghĩa với không có thu nhập khiến những hướng dẫn viên tự do như tôi càng vất vả hơn vì không có chế độ bảo hiểm”, anh trầm tư.
Để xoay xở trong tình trạng hiện nay, anh cùng các đồng nghiệp đành tìm tạm những công việc khác để cầm cự qua ngày. Anh kể, trước đó tôi còn làm thêm nghề dạy ngoại ngữ ở các trung tâm, nhưng hiện nay các trung tâm đã đóng cửa nên biện pháp an toàn nhất là nhận dịch các văn bản nước ngoài về dịch ra tiếng việt để kiếm tiền sống qua ngày.
Cũng giống như anh Dung, thời gian gần đây anh Mười phải xoay thêm nhiều nghề phụ khác để nuôi nghề chính. Anh kể, thời gian trước anh còn đi dạy tại các trường nghề về du lịch, dịch vụ, nhưng gần đây việc các trung tâm cũng đóng cửa khiến nghề phụ đó của anh cũng đành tạm dừng.
“Trong thời gian dịch bệnh ngày càng diễn biến khó lường như hiện nay, việc tìm một công việc phù hợp ngày càng khó. Nhưng tôi cùng các nhân viên không thể ngồi im một chỗ mà chờ chết như vậy, mình phải tự cứu lấy mình”, anh Mười nói.
Là nhân viên khai thác hợp đồng du lịch phục vụ các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam, anh Lê Đình (nhân viên một công ty lữ hành ở TP Vinh) đã có thu nhập đáng mơ ước so với nhiều đồng nghiệp khác. Tuy nhiên, từ Tết Nguyên đán đến nay, anh Đình chưa ký được một hợp đồng cho đoàn khách nào, chưa kể những đoàn khách đã chốt và ký trước đó đều đã bị hủy.
Hết tháng 2 công ty có thông báo cho anh em lao động nghỉ, trước mắt sẽ hỗ trợ lương và bảo hiểm đến hết tháng 3. Kế hoạch hoạt động sắp tới cũng chưa biết thế nào bởi còn phải chờ tình hình diễn biến dịch bệnh. “Cũng may thời gian trước đi làm chăm chỉ, cũng tích lũy được một khoản để phòng thân nên giờ còn có tiền để trang trải cuộc sống. Tranh thủ thời gian nghỉ tôi trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, học thêm ngoại ngữ mới để chờ thời cơ. Nếu tình hình này kéo dài vài tháng nữa, có khi phải “nhảy” việc”, anh Đình lo lắng.
Công ty không có việc nên Mai Sơn Thảo - hướng dẫn viên được thông báo nghỉ việc bắt đầu từ đầu tháng 3 này. Phía công ty hỗ trợ một phần lương cho tất cả anh chị em trong công ty. Ở phố không có việc làm, Thảo đành về quê tạm thời gian để tiết kiệm chi phí. Vùng quê thanh nin này vốn có nghề truyền thống là đi khoan giếng nên Thảo xin gia nhập tổ thợ khoan giếng của người quen. Anh kể, xuất thân là con nông dân nên tôi không ngại mấy công việc nặng nhọc này. Nghề khoan giếng giờ cũng khó khăn vì ít nơi còn sử dụng giếng lấy nước sinh hoạt bởi thu nhập cũng không được mấy nhưng cũng có công việc để làm.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp nhưng anh Thảo, anh Dung, anh Mười cho biết vẫn mong dịch bệnh Covid-19 sớm qua nhanh để có thể trở lại công việc cũ của mình. Vì đó là đam mê cũng là nguồn thu nhập chính của họ.