Cam Cao Phong 'mở hướng' để nông sản Hòa Bình vươn xa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ thành công bước đầu của huyện Cao Phong, các Sở, Ban, Ngành, địa phương sẽ tích cực vào cuộc để xây dựng thương hiệu cho nông sản đặc trưng của tỉnh, tạo thêm cơ hội để nông sản vươn xa đến các thị trường trong nước và quốc tế...

Tại sân vận động huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), UBND huyện Cao Phong mới tổ chức khai mạc Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 7 và Hội chợ thương mại huyện Cao Phong năm 2022.

Đến dự có ông Nguyễn Phi Long - Bí Thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Ông Bùi Văn Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại biểu các sở, ban, ngành, địa phương.

Huyện Cao Phong có điều kiện phù hợp để phát triển mạnh các loại cây ăn quả có múi (CAQCM), trong đó chủ lực là cây cam.

Năm 2016, sản phẩm vinh dự nằm trong "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng” và được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam.

Với chất lượng đã được khẳng định, cam Cao Phong có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, trở thành nông sản đặc trưng, tiêu biểu nhất, là thế mạnh để huyện Cao Phong thúc đẩy kinh tế nông nghiệp.

Sau 2 năm tạm dừng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm nay, huyện long trọng tổ chức Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 7 và hội chợ thương mại nhằm tiếp tục quảng bá, nâng cao giá trị của cam Cao Phong, tạo điều kiện thuận lợi để cam Cao Phong phát triển ổn định, có điều kiện tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước. Lễ hội và hội chợ được tổ chức từ ngày 25/11 đến hết ngày 02/12/2022.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hoà Bình phát biểu.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hoà Bình phát biểu.

Lễ hội và hội chợ năm nay có 70 gian hàng trưng bày và bán các loại sản phẩm cam, quýt, bưởi, các sản phẩm OCOP của huyện, các sản phẩm nông lâm thủy sản, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực của các xã, thị trấn, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong huyện. Bên cạnh đó, có 120 gian hàng thương mại tổng hợp và khu ẩm thực.

Đặc biệt, điểm mới của sự kiện là các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch có tiêu đề "Tiếng gọi Mường Thàng” với các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống, như: Trải nghiệm ẩm thực dân tộc, đốt lửa trại, các trò chơi dân gian, hát Thường đang - Bộ mẹng, thăm quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện...

Ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: “Với niềm tự hào là nơi có sản phẩm nông nghiệp đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của tỉnh được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, huyện Cao Phong cần tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm gìn giữ, phát triển thương hiệu cam Cao Phong, từ đó, thể hiện vai trò là địa phương tiên phong trong quá trình phát triển bền vững CAQCM của toàn tỉnh.

Từ thành công bước đầu của huyện Cao Phong, các Sở, Ban, Ngành, địa phương sẽ tích cực vào cuộc để xây dựng thương hiệu cho nông sản đặc trưng của tỉnh, tạo thêm cơ hội để nông sản vươn xa đến các thị trường trong nước và quốc tế”.

Các đại biểu bên gian hàng cam Cao Phong
Các đại biểu bên gian hàng cam Cao Phong

Được trồng tại vùng đất Cao Phong cây cam tại đây mang nhiều ưu điểm để có thể chinh phục những khách hàng khó tính nhất. Cam Cao Phong quả to, màu sắc đẹp, vị lại ngọt thanh… Từ những ưu điểm trên cam Cao Phong được kỳ vọng là cây trồng giúp kinh tế nông nghiệp địa phương thêm khởi sắc.

Tổng diện tích cam toàn huyện Cao Phong đạt trên 1.700ha, trong đó có trên 1.300 ha cam cho sản lượng niên vụ năm 2022 - 2023 ước đạt trên 20.000 tấn. Nhìn chung, cam cũng như các loại CAQCM của huyện được trồng bằng các loại giống có năng suất, chất lượng cao, chăm sóc theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng VSATTP, rất được thị trường ưa chuộng. Năm 2014, cam Cao Phong trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý.

Đọc thêm