Chăm bà liệt giường từ khi 6 tuổi
Căn nhà nhỏ ở xóm Hợp Thành, xã Nam Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) nhiều năm nay là nơi tá túc của cậu bé Nguyễn Trung Hiếu (13 tuổi) cùng bà ngoại đau yếu tên là Nguyễn Thị Nhu (63 tuổi). Hoàn cảnh khó khăn, éo le nhưng lòng hiếu thảo của cậu bé nghèo khiến nhiều người nể phục.
Theo lời kể của người thân, do hoàn cảnh khó khăn nên cuộc sống của gia đình bà Nhu rất vất vả. Do đó, người thân sống ở miền nam từng có thời gian đưa con gái bà Nhu tên là Vũ Thị Minh (SN 1983) vào miền Nam kiếm sống. Năm 2006, chị Minh làm việc cho một công ty.
Nhưng, không lâu sau thì cô gái này mất tích, người thân không liên lạc được. “Một năm sau, Minh ôm đứa con đỏ hỏn về gặp tôi. Thương hai mẹ con nên tôi đã dang rộng cánh tay ra cưu mang, chăm sóc. Đứa con của Minh được tôi đặt tên là Nguyễn Trung Hiếu, với ước nguyện sau này cháu sẽ sống có đức, có hiếu”, bà Nguyễn Thị Kiều (em gái bà Nhu) kể chuyện.
Năm Hiếu lên 4 tuổi, chị Minh xin bà Kiều đưa con về quê để vừa chăm mẹ bệnh tật vừa cho đứa con đi học ổn định. Tại quê nhà, chị Minh được anh em xóm giềng chung tay dựng cho căn nhà cấp 4. Ngày ngày chị ra chợ buôn bán kiếm đồng tiền nuôi mẹ chăm con.
Ngoài đi học, Hiếu phải quán xuyến việc nhà và chăm nuôi bà. |
Có khi chị xin đi đóng gạch thuê ở ngoài xã kiếm thêm đồng bạc cải thiện bữa ăn cho gia đình. Cuộc sống của gia đình nhỏ tuy còn nhiều khó khăn nhưng bình yên. Nhưng rồi, mái ấm của gia đình Hiếu không kéo dài được bao lâu khi người mẹ mất tích một cách khó hiểu.
Đó là năm 2012, lúc đó Hiếu tròn 6 tuổi, nghe theo lời mời chào của một số người, chị Minh xuống TP Vinh (Nghệ An) làm việc. Nhưng rồi, người phụ nữ này biệt tích từ đó. Nhắc đến chuyện này, Hiếu nói: “Lúc đó mẹ bảo xuống Vinh làm để kiếm thêm tiền nuôi em đi học. Mẹ còn hứa cứ cuối tuần sẽ về mang quà cho em. Vậy mà đã hơn 8 năm rồi mẹ chưa một lần về thăm em. Giờ em cũng chẳng biết mẹ ở đâu cả”.
Không biết mặt cha, nay mẹ đẻ cũng biệt tích khiến Hiếu phải bấu bíu bà ngoại. Ngặt nỗi, bà ngoại của cậu bé này lại bị bệnh phong kinh giản, chân tay co quắp, dính vào nhau nên hầu như không làm được gì. Vậy là từ khi mẹ bỏ đi, Hiếu trở thành trụ cột trong gia đình, vừa tự chăm sóc cho bản thân vừa chăm lo bà. Nói về việc này, bà Kiều xót xa: “Chị tôi nằm bất động không thể tự lo cho bản thân nhiều năm nay. Khi ngồi dậy được muốn nằm lại cũng khó vì rất đau. Nhà chỉ có hai bà cháu nên mọi việc đều do Hiếu làm cả. Thương cháu lắm nhưng giờ hoàn cảnh như vậy, tôi thì ở xa không thường xuyên về được”.
Cậu bé mồ côi cho biết sẽ học giỏi để có điều kiện chăm sóc, chữa bệnh cho bà |
Nghe người lớn nói chuyện, cậu bé hôn nhiên góp chuyện: “Lúc mới chăm bà em còn bỡ ngỡ lắm. Nhưng giờ em lo được hết. Từ tắm rửa, cho bà đi vệ sinh đến cho bà ăn uống. Ngày nào em cũng lau người vệ sinh cho bà. Có những lúc em còn đỡ bà dậy đi cho khuây khỏa”.
Vậy là nhiều năm nay, cứ mỗi khi đi học về Hiếu lại chạy vào giường để đỡ bà dậy, thay bô nước tiểu, lau giường, dọn dẹp cửa. Chưa hết, Hiếu còn chu toàn việc cơm nước cho bà. Cứ 4h sáng, cậu bé ấy lại dậy thổi cơm, có khi pha nửa gói mì tôm cho bà ăn. Lo cơm nước cho bà xong, còn ít thời gian Hiếu ngồi học bài. Trước khi đến trường em cẩn thận vào ngồi nói chuyện với bà xem bà có cần gì nữa không rồi mới yên tâm đi học.
Nhói lòng trước ước mơ của cậu bé nghèo
Người dân nơi đây hầu như ai cũng biết đến hoàn cảnh éo le của Hiếu và bà Nhu. Cũng vì vậy mà một người hàng xóm khi biết chúng tôi tìm đến nhà đã chủ động nhờ gửi giúp 20.000 đồng “cho cháu Hiếu tiền mua bút, mua quyển sách đầu năm học mới”.
Bà con lối xóm luôn hết lời khen ngợi đứa trẻ ít tuổi nhưng hiếu thảo, lễ phép. “Tôi chưa thấy ai ngoan, có hiếu như cháu Hiếu. Đi học về là cháu vào nhà cất cặp, chăm bà ngay. Bởi cháu biết, bà nằm một chỗ suốt thời gian nó đi học là bức bí lắm. Lo cho bà xong, cháu lại vội đi nấu cơm, thức ăn để bón cho bà. Với bao đứa trẻ khác bằng tuổi Hiếu chỉ biết chơi đùa cùng bạn bè còn mọi việc khác đã có bố mẹ, người lớn lo thì Hiếu đã biết suy nghĩ, lo lắng cho bà. Nhiều người lớn tuổi có khi không được như Hiếu”, người hàng xóm chia sẻ.
Trong căn nhà cũ, bên chiếc bàn mới được mua tặng, Hiếu khoe, cháu mới được bà Kiều mua cho chiếc bàn học mới. Vậy là từ nay cháu không phải ngồi học trên chiếc rương cũ nữa rồi. Cậu bé vừa nói vừa nhìn chiếc bàn mới tinh với ánh mắt tự hào, thích thú.
Dù “mồ côi” bố mẹ, bà đau yếu, lại phải làm mọi việc nhà do hoàn cảnh khó khăn nhưng Hiếu học khá giỏi. Mỗi sáng Hiếu chỉ ăn nửa bát mì tôm, trưa về chỉ có cục cơm nguội tối hôm qua còn cất lại. Cơm nóng thì nhường cho bà. Thức ăn thì thất thường, khi thì cá khô, khi con tép kho, quả trứng luộc. Phần lớn, hai bà cháu chỉ ăn cơm với rau. Khi nào bà con lối xóm cho ít tiền thì Hiếu chạy đi mua quả trứng luộc cho bà ăn.
“Có câu chuyện nó kể khiến tôi rơi nước mắt. Cháu bảo thích đến Tết lắm. Cháu thích Tết vì không phải gia đình được sum vầy. Bởi nhiều năm nay, Tết nào cũng chỉ có hai bà cháu lủi thủi trong căn nhà cũ. Cháu thích Tết vì được bà con lối xóm mừng tuổi. Số tiền này cháu tích góp để đóng học phí, lo sách vở phục vụ học tập. Năm nào nhiều cũng được từ 300-400.000 đồng. Nhìn cháu hồn nhiên khoe tiền mừng tuổi mà chúng tôi thấy thương em vô cùng”, người hàng xóm ngậm ngùi kể lại mong ước của Hiếu.
Khi được hỏi về mong uước của mình, cậu bé “mồ côi” bộc bạch: “Em chỉ mong có sức khỏe để vừa chăm sóc bà, vừa được đến trường học tập như các bạn. Em sẽ cố gắng học giỏi để kiếm tiền nuôi bà. Chỉ mong sao bà luôn khỏe mạnh để mỗi ngày đi học về cháu được nhìn thấy bà...”.