Cảm động chuyện cha mẹ châu Âu vượt đại dịch đến đón con nuôi Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Rời những mái ấm tình thương, các em được đón chào bởi những vòng tay rộng mở của cha mẹ nuôi đến từ châu Âu. Một trang đời mới đã mở ra với các em, thông qua một hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn của Nhà nước Việt Nam. Bộ Tư pháp tham gia trực tiếp vào quá trình giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, qua đó tạo điều kiện cho công tác giải quyết nhận con nuôi diễn ra thuận lợi, hiệu quả.
Trẻ em Việt được cha mẹ nuôi châu Âu hạnh phúc đón nhận.
Trẻ em Việt được cha mẹ nuôi châu Âu hạnh phúc đón nhận.

Tại buổi lễ giao nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam đợt 2 cho 91 gia đình cha mẹ nuôi các nước châu Âu do Bộ Tư pháp phối hợp với nhiều đơn vị, Bộ ngành và tổ chức trong và ngoài nước thực hiện, 91 gia đình cha mẹ nuôi từ các nước Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Ai-len, Thụy Điển, Na Uy, Đức… đã giang rộng vòng tay đón nhận 92 trẻ Việt.

Đang là thời điểm có nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tại cả ở Việt Nam và thế giới nên để các cha mẹ nuôi gặp con nuôi là điều không hề dễ dàng. Trải qua thời gian cách ly 14 ngày, các gia đình cha mẹ nuôi ngoại quốc mới có thể gặp mặt những đứa trẻ Việt Nam mà mình nhận nuôi.

Có mặt tại buổi lễ mới cảm nhận được hết niềm hạnh phúc mà những gia đình mới dành cho nhau. Có những đứa trẻ thơ nhanh chóng hòa nhập, tay cầm quà do cha mẹ nuôi tặng, được cha mẹ nuôi ôm ấp trong vòng tay yêu thương. Cũng có những trẻ còn nhỏ, òa khóc vì khung cảnh náo nhiệt và những “cha mẹ” mà chúng chưa gặp bao giờ. Các bậc cha mẹ ấy đã ôm những đứa con thơ vào lòng, âu yếm dỗ dành chúng. Có những giọt nước mắt đã rơi khi cha mẹ nuôi đón con mình trong vòng tay.

Một gia đình người Pháp nhận con nuôi Việt xúc động chia sẻ: “Chúng tôi thấy mình là những người may mắn nhất khi được tạo điều kiện để sang Việt Nam, được đón tiếp rất chu đáo với sự hỗ trợ của các Tổ chức con nuôi nước ngoài và được tới đây trong một buổi lễ giao nhận con nuôi đặc biệt nhất từ trước tới nay để đón các thành viên mới của đại gia đình chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để nuôi dạy, giáo dục các con, dành cho các con những điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Chúng tôi sẽ luôn hướng các con về quê hương, về các giá trị văn hoá của đất nước Việt Nam”.

Lúc này, dường như không còn rào cản về quốc tịch, ngôn ngữ... nữa. Trong không gian lúc này chỉ còn trọn vẹn tình thương yêu của cha mẹ dành cho con trẻ.

Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ: “Người Việt ta có câu “công sinh không bằng công dưỡng”. Mong rằng các cháu từ nay sẽ được sống trong sự chăm sóc và tình yêu thương trọn vẹn. Và khi các cháu trưởng thành, các cháu sẽ trở thành những người có tài và có đức, xứng đáng với công lao dưỡng dục của bố mẹ nuôi và luôn nhớ về Việt Nam, nơi các cháu được sinh ra”.

Chia sẻ về chính sách của nước ta với các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, ông Đặng Trần Tuấn Anh, Quyền Cục trưởng Cục con nuôi, Bộ Tư pháp cho biết, chủ trương, chính sách của việc nhận con nuôi luôn hướng tới đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường gia đình, và ưu tiên con nuôi trong nước so với nước ngoài. Điều này cũng phù hợp với các cam kết chuẩn quốc tế được quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật Nuôi con nuôi cũng đã quy định rất rõ ràng về trình tự, thủ tục, điều kiện của các bên tham gia, các trách nhiệm của cơ quan, cha mẹ, tổ chức trong việc bảo vệ, theo dõi tình hình phát triển của trẻ em sau khi nhận con nuôi. Tất cả những trình tự, thủ tục được quy định hết sức chặt chẽ, cộng thêm các tiêu chuẩn của Công ước La Haye đảm bảo.

Bộ Tư pháp, với tư cách cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước với công tác con nuôi, đã tiến hành công tác về thể chế, tổ chức thi hành pháp luật về công tác kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ tháo gỡ khó khăn, tham gia trực tiếp vào quá trình giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Qua đó tạo điều kiện cho công tác giải quyết nhận con nuôi cả trong nước lẫn nước ngoài được diễn ra thuận lợi, hiệu quả và vì lợi ích tốt nhất của trẻ, tạo cho trẻ được sống trong môi trường gia đình theo đúng nghĩa, đầy đủ tình yêu thương”.

Thời điểm này, các chuyến bay quốc tế bị hạn chế, điều kiện về đi lại, lưu trú, sinh hoạt cũng trở nên khó khăn hơn, đối mặt với nguy cơ dịch bệnh và nhiều bất tiện khác, nhưng các gia đình châu Âu vẫn cố gắng có mặt tại buổi lễ. Đây là minh chứng cho tình cảm sâu sắc của các gia đình dành cho các cháu.

Những người chứng kiến giây phút trao và nhận thiêng liêng chắc hẳn đều có niềm tin rằng, các gia đình ấy sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Và các bậc cha mẹ nuôi giàu thương yêu sẽ dành cho các cháu đầy đủ quyền lợi và hạnh phúc như những trẻ em may mắn khác, phù hợp với Công ước quốc tế về Quyền trẻ em.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm