Trốn vợ con đi “chia lửa” cùng Bắc Giang
Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 này, Bắc Giang là tâm dịch lớn của cả nước. Trước tình hình cấp bách trên, rất nhiều đoàn tình nguyện đã hướng về Bắc Giang. Trong số đó, có hai người đàn ông ở Nghệ An là anh Nguyễn Đình Quảng (SN 1970) và Nguyễn Hoàng Hà (SN 1976, cùng ngụ xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Những bức ảnh ghi lại hoạt động năng nổ của hai tài xế ở vùng tâm dịch đã lay động không ít người.
Tuy nhiên, khi được hỏi về công việc của mình, anh Quảng chỉ cười trừ và nói muốn giúp một phần nhỏ cùng Bắc Giang chống dịch. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”, người đàn ông này nói thế như thể hiện quyết tâm cùng bạn đồng hành đi vào tâm dịch.
Cả anh Quảng và anh Hà là thành viên trong tổ lái xe cứu thương từ thiện của giáo xứ Lâm Xuyên (ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành) do linh mục Nguyễn Xuân Phương phụ trách. Thấu hiểu sự khó khăn của những người bệnh nghèo mỗi lần đến bệnh viện chữa trị, năm 2020, Cha Phương cùng các mạnh thường quân quyết định mua chiếc xe cũ với giá 500 triệu đồng. Từ đó đến nay, chiếc xe đặc biệt do các tài xế đặc biệt đã chở biết bao người nghèo đi chữa bệnh khắp các bệnh viện trong nam, ngoài bắc.
|
Sáng sớm ngày 26/5, hai tài xế trên chở một bệnh nhân từ quê xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cấp cứu. “Trên đường trở về, tôi và anh Hà bàn với nhau ra Bắc Giang hỗ trợ chống dịch. Vì anh em cùng chung ý chí nên chúng tôi đã liên lạc nhanh về cho Cha xứ xin ý kiến. Vừa nghe chúng tôi trình bày nguyện vọng, cha Phương liền đồng ý và dặn dò anh em đi cẩn thận. Ngay lúc đó, chúng tôi lái xe về nhà, vơ vội ít đồ cá nhân rồi leo lên xe ngược ra Bắc Giang. Thú thật vì không muốn vợ con lo lắng nên lúc lên đường chúng tôi không dám nói cho ai biết”, anh Quảng nhớ lại.
Trên đường đi, cả hai cẩn thận kiểm tra xe, đổ đầy bình xăng. Qua ứng dụng chỉ đường, điểm đến được nhập rõ ràng “thành phố Bắc Giang”, hai tài xế Nghệ An đã đến tâm dịch vào cuối giờ chiều cùng ngày. Khi đã đến nơi an toàn, anh Quảng gọi điện về cho vợ thông báo: “Anh lại đưa người đi cấp cứu ở Hà Nội cùng chú Hà rồi”. Vốn quen với việc chồng chạy những chuyến xe tình nguyện nên Nguyễn Thị Điệp (SN 1978) không hỏi thêm. Tuy nhiên, chị không biết chuyến đi được chồng thông báo nhẹ nhàng ấy lại là đến ổ dịch lớn nhất cả nước và anh cũng chưa hẹn ngày về.
Dù giấu vợ con, nhưng tin đi vào “tâm dịch” của hai tài xế trên cũng đến tai người thân. Anh Quảng kể: Lúc biết sự thật, vợ tôi chỉ gọi điện nói: “Tại sao đi mà phải giấu, trong khi đó là việc tốt”. Có lẽ cô ấy biết sự quyết đoán của tôi nên không trách cứ mà động viên “Chồng yên tâm làm vợ, giữu gìn sức khỏe, con cái, ruộng đồng ở nhà vợ sẽ đảm nhận”.
“Khi nào Bắc Giang hết dịch sẽ trở về”
Chia sẻ về nhật ký hành trình ra Bắc Giang “chia lửa”, anh Quảng cho biết: Ngay trong tối 26/5, chưa kịp nghỉ ngơi nhiều sau chuyến đi dài thì chúng tôi có chuyến xe nhiệm vụ đầu tiên là chở một đoàn người tới điểm tiêm vaccine Covid-19. Dù đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Bắc Giang nhưng vì đã quen với việc lái xe đường dài, chở bệnh nhân nên chỉ cần công cụ hỗ trợ chỉ đường, chúng tôi không gặp quá nhiều trở ngại.
Riêng với anh Nguyễn Hoàng Hà, sau ngày làm việc đầu tiên, trên Facebook cá nhân nhận được lời động viên của mọi người. Nhưng cũng có những tin nhắn hỏi vì sao lại về “tâm dịch” Bắc Giang lúc này. Anh kể: Lúc đó, tôi chỉ cười, trả lời: “Bắc Giang cũng như quê hương tôi, bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng là quê hương. Khi Tổ quốc gọi, tôi sẽ lên đường”.
Những ngày qua, hai tài xế Nghệ An thường bắt đầu công việc từ 5h sáng đến đêm khuya. Mỗi khi có việc cần hai tài xế trên đều sẵn sàng lên đường lúc 0h, 1h. Hiện, chủ yếu hai người giúp vận chuyển thuốc men, thiết bị y tế, hỗ trợ các đoàn y bác sĩ đi làm việc, lấy mẫu xét nghiệm. Lúc cần, cả hai lại kiêm luôn công việc bốc vác. “Những ngày này, thời tiết nắng nóng, cộng với việc phải mặc đồ bảo hộ cảm giác bí bức, khó chịu. Nhưng, qua đó chúng tôi phần nào hiểu được sự vất vả của các y bác sỹ, chiến sỹ tuyến đầu chống dịch”, anh Quảng chia sẻ.
|
Cũng theo các tài xế này, có đi vào “tâm dịch” với hiểu được những vất vả của lực lượng tuyến đầu. “Chứng kiến những bác sỹ nữ mặc đồ bảo hộ để làm việc trong thời tiết nắng nóng tôi càng khâm phục họ và cảm thấy đóng góp của mình còn nhỏ bé. Cũng từ sự nỗ lực của các chiến sỹ áo trắng tôi càng nỗ lực hơn để hoàn thành công việc mà Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Bắc Giang (CDC) Bắc Giang đã tin tưởng giao”, anh Quảng nói.
Những ngày này, anh Quảng và anh Hà được CDC Bắc Giang hỗ trợ thuê một phòng nghỉ gần trung tâm. Các phần cơm hộp cũng được chuẩn bị, khi nào ngớt việc, hai người sẽ tranh thủ dùng bữa song khi đó cũng thường quá giờ cơm từ lâu. Để đảm bảo an toàn, hai tài xế Nghệ An được làm xét nghiệm sau mỗi ngày chạy xe, công tác khử khuẩn phương tiện, thiết bị cũng được thực hiện chặt chẽ. “Tối đến, thi thoảng gia đình lại gọi điện động viên, nhắn tôi giữ gìn sức khỏe. Tôi rất vui khi luôn có hậu phương vững chắc ủng hộ. Để mọi người không lo lắng, chúng tôi cũng thường cố gắng cập nhật hoạt động, chia sẻ trên trang cá nhân. Chúng tôi cũng xác định sẽ ở lại hỗ trợ đến khi nào tình hình ổn định, Bắc Giang không cần nữa thì mới về”, anh Quảng chia sẻ.
Là những người trực tiếp vào tâm dịch nên các anh hiểu rõ thiếu thốn tại Bắc Giang. Do vậy, các anh mong các nhà hảo tâm, nhà nước hỗ trợ Bắc Giang thêm nhiều thùng chở mẫu xét nghiệm chuyên dùng. “Vật tư y tế thiếu thốn, xe cứu thương cũng thiếu, vì số lượng người cần di chuyển lớn. Nhưng nếu mỗi người một chút, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch”, anh Hà nói.
Những chuyến xe thiện nguyện
Khoảng 1 năm nay, chiếc xe từ thiện của giáo xứ Lâm Xuyên do nhóm của anh Hà, anh Quảng quản lý đã giúp đỡ nhiều hoàn cảnh bệnh nhân ở khắp nơi. Trên hành trình giúp đỡ người nghèo, anh Quảng nhớ như in hoàn cảnh khó khăn của cụ bà ở xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An). Hôm đó, sau khi đến nhà để chở bệnh nhân này ra Hà Nội điều trị, nhìn căn nhà không có tài sản gì giá trị, anh đã gọi điện báo cáo với linh mục quản xứ và được Cha Nguyễn Xuân Phương hỗ trợ nóng một khoản tiền để cụ điều trị.
Hay gần đây nhất, chiếc xe tình nguyện trên đã chở thi thể em Nguyễn Văn Nhã - sinh viên Trường Đại học khoa học Huế tử vong sau khi cứu 3 bạn đuối nước tại khu vực biển Thuận An (tỉnh Thừa Thiên Huế). Nhớ lại hành trình đặc biệt ấy, anh Quảng kể: “Tối hôm đó, sau khi nhận được tin đề nghị chở thi thể em Nhã về, chúng tôi gọi điện hỏi ý kiến Cha Phương vì từ trước đến nay chỉ chở người bệnh chứ không chở người chết. Sau mệnh lệnh “phải giúp đỡ gia đình em Nhã” của Cha, hai anh em chúng tôi vội vào Huế trong đêm.
Riêng về chuyến đi vào tâm dịch chưa biết ngày về của hai tài xế, linh mục Nguyễn Xuân Phương chia sẻ: Khi anh Quảng, anh Hà đề nghị được đi Bắc Giang tôi hoàn toàn đồng ý. Mới đầu, tôi có dặn bà con có giúp đỡ thì cứ lấy, còn thiếu gì cứ gọi về cha sẽ lo. Nhưng CDC Bắc Giang đã hứa hỗ trợ xăng xe, sinh hoạt nên các anh ấy có thể yên tâm làm việc, vì mục tiêu chiến thắng dịch bệnh.
"Bài/ Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị định 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"