Những ngôi nhà đổ nát
Đợt mưa lũ kéo dài những ngày đầu tháng 11 vừa qua đã làm hàng chục ngôi nhà ở xã nghèo Phước Thuận bị đổ sập, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”.
Hôm chúng tôi đến, cụ Mai Thị Chín (70 tuổi, ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận) vẫn cặm cụi nhặt từng viên gạch, từng miếng ngói vụn trong ngôi nhà đổ nát. Lòng cụ quặn chát khi ngẫm về hoàn cảnh của gia đình mình.
Chồng mất, căn nhà hơn 50m2 được dựng bằng những nỗ lực tích cóp. Nó chính là chốn bình yên, là chỗ dựa của mấy mẹ con cụ, vậy mà nay nó trở thành đống gạch vụn chỉ sau một trận lốc xoáy kèm lũ dữ.
Bây giờ, tài sản trong nhà chỉ có bàn thờ cha mẹ, một chiếc giường cũ kỹ theo thời gian. Vừa lục, nhặt ra những viên gạch còn tương đối nguyên vẹn, cụ Chín mắt ngấn nước:
“Sáng sớm ngày 4/11, mưa to trút xuống, nước lũ bắt đầu lên, gió thổi mạnh. Vài tiếng sau, lúc đó chừng 7 giờ, tôi giật mình khi nghe tiếng răng rắc trên mái nhà. Nghĩ chuyện chẳng lành, tôi nhanh chóng thu dọn đồ đạc để trên giường, rồi chạy qua tá túc ở nhà hàng xóm. Khoảng 15 phút sau, tôi nghe bên nhà đổ một cái ào. Tôi liền chạy về thì thấy cả ngôi nhà của mình đã bị sập”.
Từ ngày nhà mẹ sập, anh Tạ Văn Chương (45 tuổi, con trai cụ Chín) lo chạy đi chạy về giữa hai nhà để lo cho mẹ, đồng thời lo cho ngôi xiêu vẹo nằm ven sông của mình. Vừa loay hoay dọn dẹp, anh Chương vừa cho biết:
“Giờ nhà sập trong nhà chẳng còn gì cả, tôi phải dọn về đây để lo cho mẹ, nhưng cũng phải trông coi ngôi nhà xiêu vẹo của tôi ở bên sông. Tôi nói mẹ vào trong đó ở, nhưng mẹ không chịu. Mấy hôm nay mẹ cứ khóc suốt. Chờ xem chính quyền có giúp đỡ được gì không, dựng tạm lên cái nhà để ở. Nếu ổn định được thì vợ chồng con cái tôi về đây ở để lo cho mẹ luôn”.
Cùng trong thôn Diêm Vân, căn nhà của vợ chồng anh Lê Văn Hùng (46 tuổi) và chị Võ Thị Sanh (45 tuổi) cũng bị sập tan hoang sau lũ. Cả 2 vợ chồng sống dựa vào nhánh rẽ của con sông Hà Thanh, hàng ngày đi giăng từng con cá, bắt từng con óc, cuộc sống thiếu trước hụt sau.
Anh Hùng nhớ lại, chiều ngày 3/11, trời mưa quá nên hai vợ chồng ở nhà không đi làm, đến khoảng 18h30 khi nước lũ dâng cao ngập vào nhà, căn nhà có dấu hiệu nghiêng nên vợ chồng chạy xuống nhà dưới vừa kịp thoát thân. Mấy hôm nay, hai vợ chồng ngủ trên chiếc giường ở nhà bếp phía dưới.
Anh Hùng tâm sự: “Hai vợ chồng có một đứa con, hiện nó đang đi học. Vợ chồng tôi cũng lo làm lụng nhưng cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau vì cả gia đình đều sống dựa vào chúng tôi. Đây là nhà của vợ chồng tôi, còn cha mẹ tôi ở căn nhà cũng dột nát kế bên cùng với đứa em gái bệnh tật”.
Nói rồi, anh Hùng rưng rưng: “Gia đình thuộc hộ nghèo của địa phương. Cha mẹ thì già yếu, còn đứa em gái thì bệnh nặng, đang điều trị tại Bệnh viện. Mấy hôm nay, nó thở ô xi rồi, bây giờ chờ ngày, rút ô xi một cái là nó đi. Cha mẹ tôi bảo đem nó về, nhưng nhà cửa thế này, tôi chưa biết phải làm thế nào”.
Ông Trương Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết: “Trong đợt mưa lũ vừa qua, cả xã có 42 căn nhà bị sập hoàn toàn, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Lộc Hạ và Diêm Vân. Phần lớn nhà bị sập là hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cuộc sống của bà con bình thường đã khổ, nay rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” càng thêm xót xa”.
Gia đình anh Hùng đang lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” sau khi căn nhà bị sập. |
Tình người trong lũ dữ
Trước những khó khăn của người dân, những ngày qua, chính quyền xã Phước Thuận cùng các tổ chức, các nhà từ thiện đã về địa phương cứu trợ khẩn cấp cho các hộ dân có nhà bị sập, với mong muốn bà con nơi đây vượt qua khó khăn.
Cuối thôn Lộc Hạ, ngôi nhà của bà Lê Thị Tám giờ không ai nhận ra. Căn nhà nằm lẻ loi phía cuối thôn, lọt thỏm giữa một bên là bụi tre già, trước mặt là cánh đồng mênh mông nước, nay chỉ còn trơ lại cái chuồng gà và một góc tường, vừa đủ kê chiếc giường cá nhân. Một mình cặm cụi, lặng lẽ, bà Tám nhặt lại từng viên gạch, từng miếng ngói vụn mà lòng quặn chát.
Năm nay 65 tuổi, hộ bà Tám là một trong những hộ nghèo nhất thôn. Bà Tám sống một mình không chồng, không con, ai thuê gì làm nấy sống tạm qua ngày. Khi lũ về bất ngờ, thấy nhà sắp sập, bà Tám chỉ kịp bỏ nhà chạy thoát thân. Lũ rút đi, nhà đổ sụp, bà con hàng xóm chia sẻ từng bữa, cho bà ngủ nhờ.
“Đêm đó mưa gió to quá nhà sập nên tôi qua nhà chị Nhu ở nhờ. Tôi được bà con động viên, giúp đỡ từng bữa ăn hàng ngày, chờ đến khi nhà nước hỗ trợ”, bà Tám nghẹn ngào.
Nói rồi, bà Tám rưng rưng: “Chiều ngày 5/11, sau khi hỗ trợ phần quà cho tôi, bà Võ Thị Hồng Hoa (Doanh nghiệp tư nhân Tùng Hoa, ở thôn Tân Thuận, xã Phước Thuận) chủ động đề nghị được cưu mang tôi sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo của tôi. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn đến bà Hoa. Tôi mừng, ấm lòng lắm khi bà ấy sẵn sàng giúp đỡ trong thời điểm khó khăn chồng chất này”.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Hoa cho biết: “Tôi đã từng trải qua những chuỗi ngày cơ cực nên rất thấu hiểu những khó khăn mà chị Tám đang trải qua. Lá lành đùm lá rách. Tôi sẵn lòng cưu mang, chăm lo cho chị Tám. Chị có thể về ở, phụ việc buôn bán với gia đình tôi. Tôi cam đoan sẽ đóng bảo hiểm, trả lương mỗi tháng 3 triệu đồng. Nếu chị ốm đau, tôi sẽ lo tất cả”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau cơn lũ dữ, Nhóm từ thiện Bồ Đề Tâm (tỉnh Bình Định) kết hợp Nhóm từ thiện Hoa Mai, Nhóm từ thiện Truyền lửa yêu thương, Nhóm từ thiện trái tim Quảng Đức (TP.Hồ Chí Minh) đã về xã Phước Thuận trao tặng 42 suất quà cho 42 hộ dân có nhà sập trong đợt lũ vừa qua.
Ông Trương Đình Tiến cho biết: “Bà con hiện nay ngoài ở nhờ hàng xóm, thực phẩm cũng đang rất khó khăn phải ăn nhờ nhà hàng xóm xung quanh. Nhà sập đa số là những hộ khó khăn không có đủ điều kiện xây lại nhà mới. Trước mắt xã sẽ vận động những hộ lân cận cho họ ở nhờ và tạo điều kiện cho họ chén cơm manh áo để họ sống qua những ngày chưa khắc phục được nhà ở”.
Vẫn biết là vùng rốn lũ của tỉnh Bình Định, thường xuyên bị ngập lụt, người dân xã Phước Thuận đã chủ động đối phó với lũ lụt. Thế nhưng, cứ mỗi trận lũ đi qua, tài sản trôi theo dòng nước bạc, tình nghĩa xóm giềng là chỗ dựa cho người dân nơi đây gượng dậy sau lũ lớn. Và, hy vọng sẽ có thêm những sự giúp đỡ, thêm nhiều những tấm lòng về với người vùng lũ, để vùng lũ gượng dậy, hồi sinh.
Mưa lũ gây thiệt hại khoảng 329 tỉ đồng
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đợt mưa lũ vừa qua đã làm 2 người bị chết, 2 người bị thương; 190 nhà sập, vùi lấp; 153 nhà tốc mái; 1.441 nhà ngập nước.