Cảm giác “tái sinh” sau phiên tòa chấm dứt cuộc hôn nhân ê chề

(PLVN) - Do dáng người nhỏ nhắn, cái thai đôi lại quá lớn nên sau khi sinh xong, vùng bụng chị bị chảy sệ. Vì điều đó, chồng chị chê bai ra mặt, hoàn toàn lạnh nhạt với vợ. Với chị, đó là sự thiếu trách nhiệm, sự bạo hành về tinh thần nặng nề.

Vợ mang thai đôi, chồng bỏ bê lạnh nhạt

Buổi chiều hanh hanh nắng. Cái nắng của ngày cuối xuân không gay gắt như mùa hạ nhưng lại khô ran, bức bối đến khó tả. Trong cái không khí ấy, lòng người như càng bức bối thêm, nhất là khi họ vừa bước chân ra khỏi Tòa án nhân dân TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), “khai tử” một cuộc hôn nhân. 

Đôi vợ chồng kia còn rất trẻ. Người chồng chỉ mới ba mươi, người vợ chỉ vừa qua tuổi hai tám. Bước chân người vợ khi ra khỏi tòa án có vẻ vội vã, bởi ở nhà, hai đứa con nhỏ của chị vẫn còn đang ngóng mẹ trở về. Nơi cổng tòa án, mấy cây bằng lăng đã trút sạch lá, chỉ còn trơ lại những cành khẳng khiu. Trên nền xi măng xám nhạt là chồng chồng lớp lớp đám lá vàng vọt. Người chồng tần ngần đứng lại dưới gốc bằng lăng xù xì nơi cổng tòa, lặng lẽ nhìn bóng vợ phía trước. Nhưng chị không hề quay lại. Đôi mắt anh, ẩn sự mất mát, tiếc nuối, nhưng tất cả đã quá muộn.

Hồi ấy, chị đang là sinh viên của Trường đại học Kinh tế. Còn anh đã ra trường mấy năm, đang làm việc cho một công ty nước ngoài. Cả hai quen nhau trong dịp chị đến công ty anh thực tập. Lúc đó, chị đang học năm 3 đại học. Vốn dĩ cả hai học cùng trường, nên suốt thời gian thực tập, anh chiếu cố chị rất nhiều. Sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của anh đã chạm đến từng ngóc ngách trái tim chị. Hết đợt thực tập cũng là lúc chị nhận lời yêu anh. Cả hai quyết định sau khi chị ra trường sẽ tổ chức lễ cưới, chính thức về chung một nhà.

Nhưng rồi, một sự kiện bất ngờ đột nhiên kéo đến, khiến mọi thứ đều thay đổi. Chị phát hiện mình có thai khi vẫn đang là sinh viên năm cuối. Đứa con đến quá bất ngờ khiến anh chị phải vội vã tổ chức lễ cưới. Chị khăn gói về nhà chồng khi tuổi đời còn rất trẻ. Thai nghén khiến chị lúc nào cũng mệt mỏi nên đành phải giã từ giảng đường đại học, ở nhà chuyên tâm đợi ngày sinh nở.

Chị vẫn nhớ như in hôm bác sĩ thông báo chị mang thai đôi. Cảm giác đầu tiên là choáng váng, lo sợ, nhưng trên hết là sự vỡ òa của hạnh phúc. Thai đôi khiến chị mệt mỏi với bụng bầu nặng nề, tâm trạng lúc nào cũng lo lắng, bất an. Thế nhưng, một người đàn ông luôn quan tâm, săn sóc chị hồi mới yêu chẳng hiểu đã đi đâu mất. Chỉ còn lại người đàn ông ngày nào cũng vội vã đến công ty, tối mịt mới về nhà, đôi lúc lại ngất nga ngất ngưởng vì men rượu. 

Thai đôi khiến chị mệt mỏi với bụng bầu nặng nề, nhưng người chồng từng luôn quan tâm, săn sóc chị hồi mới yêu chẳng hiểu “đã đi đâu mất”. (Hình minh họa)
Thai đôi khiến chị mệt mỏi với bụng bầu nặng nề, nhưng người chồng từng luôn quan tâm, săn sóc chị hồi mới yêu chẳng hiểu “đã đi đâu mất”. (Hình minh họa)

Chị hiểu, ở công ty, anh phải chịu áp lực công việc rất lớn. Ở nhà, anh là trụ cột kinh tế của gia đình. Cả hai kết hôn quá bất ngờ nên anh cần phải phấn đấu hơn về kinh tế, để lo cho chị và hai đứa con sắp chào đời. Dù nghĩ như thế, nhưng lòng chị vẫn cứ bâng khuâng, như thể có thứ gì đó vừa vuột khỏi tầm tay mà không hay.

Cảm giác “tái sinh” sau phiên tòa

Những ngày mệt mỏi vì thai nghén cuối cùng cũng kết thúc, khi hai đứa con trai khỏe mạnh, kháu khỉnh cất tiếng khóc chào đời. Nhưng thật không ngờ, do dáng người chị vốn dĩ nhỏ nhắn, cái thai đôi lại quá lớn nên sau khi sinh xong vùng bụng chị bị chảy sệ một cách thảm hại. Vì điều đó, người chồng chê bai vợ ra mặt. Anh hoàn toàn lạnh nhạt với vợ. Đến ngay cả nói chuyện với nhau, anh dường như cũng không muốn. Đối với chị, đó là sự thiếu trách nhiệm, sự bạo hành về tinh thần rất nặng nề. Tình cảm vợ chồng vì thế mà “đóng băng” từ đó.

Để chủ động cuộc sống, tự tin nuôi con, chị nỗ lực đi học lại. Đó là khoảng thời gian đầy khó khăn đối với người mẹ trẻ với một nách hai con nhỏ như chị. Nhưng nghĩ đến cuộc sống của mình và các con sau này, chị lại bừng bừng ý chí, quyết tâm. Bằng sự nỗ lực của chính mình, sau khi tốt nghiệp, chị tìm được việc làm ngay. Cuộc sống ổn định, chị liền “nhờ” tòa án “khai tử” hôn nhân, với nguyện vọng được nuôi cả hai đứa con trai. Người chồng cũng “giành giật” con nên tòa phải đưa ra xét xử.

Phiên tòa hôm ấy dù diễn ra gay gắt, nhưng cuối cùng chị vẫn giành được quyền nuôi con, bởi cả hai đứa bé đều chưa đầy 36 tháng tuổi. Chưa kể, tòa án luôn cân nhắc bảo vệ quyền lợi của trẻ chưa thành niên trong những cuộc ly hôn, bởi khi cha mẹ chia tay, con cái luôn hứng chịu thiệt thòi nhất. 

Rời phiên tòa, chị cảm thấy mình như được tái sinh. Dù cuộc sống của ba mẹ con chị phía trước chắc chắn sẽ có nhiều gian nan, thử thách, nhưng chị tin, bằng tình yêu và cả nghị lực của mình chị sẽ đủ sức che chắn gió mưa để các con bình yên trưởng thành.

Nữ thẩm phán sau khi xét xử vụ án không khỏi cảm thán. Bà cho hay, có rất nhiều người phụ nữ đã bước qua nỗi đau bị chồng ngược đãi, để rồi nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, tự tin nuôi con. Đó là điều vô cùng đáng mừng khi họ không hề gục ngã sau khi hôn nhân đổ vỡ. Thế nhưng, giá như “nửa kia” của họ biết sống trách nhiệm hơn thì sẽ có thêm những gia đình trọn vẹn, xã hội sẽ có thêm những “tế bào” khỏe mạnh, hạn chế bớt những điều đáng tiếc xảy ra. 

Đọc thêm