Cảm phục hành trình tìm lại hạnh phúc của người phụ nữ 'nhiễm H'

(PLO) - Bước vào cuộc sống hôn nhân không phải từ nền tảng tình yêu mà vì tục bắt vợ nhưng cô sinh viên ngành y không ngờ mình lại trở thành bệnh nhân nhiễm HIV từ chồng. Đau đớn, nhưng người phụ nữ ấy quyết không gục ngã, vươn lên làm lại cuộc đời vì đứa con nhỏ. Sau bao biến cố, giờ đây, chị đã tìm được tổ ấm mới với người chồng đồng cảnh ngộ.
Người phụ nữ này đã trở thành chỗ dựa cho những người bị nhiễm “H” ở xã miền núi Nghệ An.
Người phụ nữ này đã trở thành chỗ dựa cho những người bị nhiễm “H” ở xã miền núi Nghệ An.

Những tháng ngày đen tối

Là người dân tộc Thái lại sinh ra trong gia đình đông anh em ở huyện miền núi xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), chị Mạc Thị Vân (34 tuổi) thấy mình may mắn khi được học hành đầy đủ. Tốt nghiệp cấp 3, cô gái trẻ thi đỗ vào một trường y dược ở tỉnh phía bắc. Với khao khát được làm công việc liên quan đến chữa bệnh cứu người, Vân chăm chỉ học tập, trở thành tấm gương sáng tại xã miền núi.

Thế nhưng, biến cố lớn ập đến khiến ước mơ đó của chị bị gián đoạn. Dịp tết Nguyên Đán năm 2006, khi vừa trở về nhà sau thời gian ra bắc học tập, Vân bị một nhóm thanh niên bản bắt về làm vợ. Vì là luật tục hôn nhân lâu đời của đồng bào nơi đây nên dù không vừa lòng nhưng Vân không đủ dũng khí để phản kháng, chấp nhận làm vợ người đàn ông trong bản.

Chị kể, dù cuộc hôn nhân ấy không có tình yêu nhưng vì chồng hiền lành, biết quan tâm, chăm sóc nên cuộc sống gia đình khá êm ấm. Hơn nữa, anh là người chăm chỉ, tu chí làm ăn nên tình yêu trong chị dần nảy nở. Cuộc hôn nhân ấy càng có sự gắn kết hơn khi chị Vân mang bầu, sinh đứa con đầu lòng.

Hạnh phúc trong gia đình ấy trôi qua êm đềm cho đến năm 2010. Thời điểm đó, thấy chồng gầy rộc, lại thường xuyên sốt cao khiến chị Vân đâm ra nghi ngờ. Gặng hỏi mãi người chồng đó mới thừa nhận đang nghiện ma túy. Cùng thời điểm đó, do nhiều người trong bản chết vì liên quan đến HIV khiến hai vợ chồng hoang mang, lo sợ.

Lấy hết can đảm, đích thân chị đã đưa chồng đi xét nghiệm. “Nhận kết quả chồng dương tính với HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS khiến tôi sững người, suy sụp. Chính anh ấy cũng không biết mình nhiễm căn bệnh thế kỷ từ khi nào”, chị nhớ lại.

Là người có kiến thức về y học nên chị càng lo lắng cho sức khỏe của mình và đứa con nhỏ gần 3 tuổi. Lo lắng, chị vội vàng cùng con đi thăm khám và phát hiện hai mẹ con đã nhiễm bệnh từ chồng lúc nào không hay. 

Nhắc lại bệnh tình của chồng, chị kể anh dính vào ma túy trong khoảng thời gian đi rừng làm gỗ. Bị bạn bè lôi kéo, sau vài lần dùng thử đã lấn sâu vào con đường nghiện ngập từ lúc nào không hay. Thời điểm người đàn ông ấy phát hiện bệnh tình thì đã ở giai đoạn cuối, cộng với sự chán nản, suy sụp không uống thuốc điều độ khiến sức khỏe giảm sút không phanh.

Chỉ sau vài tháng phát hiện ra bệnh tình, anh qua đời. “Đó là những chuỗi ngày đen tối khi tôi mất chồng, bản thân lại bị nhiễm bệnh. Nhìn đứa con nhỏ, ngây thơ cũng nhiễm bệnh khiến lòng tôi xót xa. Nhưng chính nó mới là người kéo tôi lên khỏi vực thẳm, tiếp thêm sức mạnh để tôi vượt qua chuỗi ngày đen tối, tủi nhục”, chị chia sẻ. 

Cần phải nói thêm, gần 10 năm trước, người dân ở đây chưa thực sự hiểu nhiều về căn bệnh thế kỷ này. Do vậy, sự kỳ thị với người bệnh khá nặng nề. Trong khi đó, chị Vân luôn mang tâm lý tự ti của người mang bệnh nên không dám tiếp xúc với ai. Hai mẹ con chỉ quanh quẩn trong căn nhà nhỏ, sống tằn tiện nhất có thể. 

Khát vọng sống

Khoảng thời gian sống thu mình, khép kín với xã hội khiến chị chán nản. Nhưng khi nhìn sức khỏe đứa con nhỏ ngày càng có dấu hiệu yếu đi khiến chị không đành lòng. Bỏ qua mặc cảm, chị Vân đã chủ động đến cơ sở y tế lấy thuốc về uống hằng ngày, rồi tìm hiểu các tài liệu về căn bệnh HIV/AIDS. Một thời gian sau, chị thấy sức khỏe mình tiến triển tốt nên càng có thêm động lực để uống thuốc, sống chung với bệnh tình.

Với mong muốn những người cùng cảnh ngộ trong vùng có thêm sức mạnh, cùng với sự động viên của các cán bộ trung tâm phòng chống HIV/AIDS, chị đã đứng ra thành lập CLB cho những người nhiễm HIV mang tên Hi vọng.

Năm 2012, CLB chính thức được thành lập với hơn 20 người tham gia. Không lâu sau, CLB đã có gần 100 thành viên, tất cả đều bị nhiễm HIV.Sau này, để tiện cho việc sinh hoạt, CLB ấy đã tách ra, CLB kia được chị đặt tên là Niềm tin. Chị lý giải về cái tên ấy: Dù mang trong người căn bệnh thế kỷ nhưng mọi người vẫn có quyền được hi vọng được sống, được làm những điều có ích cho đời.

Không một đồng phụ cấp, chị cần mẫn làm công việc của một tư vấn viên bằng trách nhiệm với dân bản, với cộng đồng và với những người cùng cảnh ngộ. Mới đầu, có người hợp tác với chị, nhưng cũng có người né tránh. Nhờ sự kiên trì và những kiến thức về y học của chị đã giúp nhiều người nhiễm HIV từ chán nản,chuyển sang lạc quan, kiên trì dùng thuốc để sống chung với bệnh tình.

Nhờ sự bền bỉ của chị Vân nên chỉ trong thời gian ngắn, ngôi nhà đặc biệt ấy trở thành địa chỉ tin cậy cho những người mang “H”. Nơi đây, họ dễ dàng chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, thổ lộ những điều thầm kín mà không thể nói với ai. Cũng chỉ trong ngôi nhà đặc biệt ấy, họ vui vẻ ca hát, tổ chức liên hoan và chơi trò chơi để gắn kết mọi người.

Không dừng lại ở việc giúp đỡ những người còn sống, CLB này còn làm công việc mà nhiều người e ngại, tổ chức mai táng cho người nhiễm “H”. Mỗi lần có thành viên chẳng may qua đời, không người dân nào dám đến gần thì cả nhóm lại chung tay giúp đỡ, lo lắng tổ chức tang lễ giúp gia đình. 

Cũng chính những hoạt động này, chị tìm được hạnh phúc thứ 2 của mình. Kể về người chồng mới của mình, chị chia sẻ, cũng giống như chồng cũ, anh ấy "đi gỗ" và bị bạn bè lôi kéo dùng chung kim tiêm dẫn đến việc nhiễm HIV. Điều buồn là khi biết tin anh ấy nhiễm HIV, người vợ đã không chịu nổi cú sốc ấy nên quyết định ra đi. “Thời điểm tôi đến nhà thì anh ấy đang vô cùng tuyệt vọng, thậm chí có ý định tự tử”, chị nhớ lại.

Thấy người đàn ông này có hoàn cảnh tương tự mình nên chị Vân đã lựa lời khuyên giải, động viên anh cố gắng sống để lo cho con nhỏ. Dần dần người đàn ông đó cũng bình tâm và tham gia CLB, trở thành thành viên hoạt động vô cùng năng nổ.

Chị Vân chia sẻ, vì cùng cảnh ngộ nên họ dễ dàng cảm thông, chia sẻ với nhau. Cứ như thế cả hai có tình cảm với nhau từ lúc nào không hay. Năm 2015, một đám cưới nhỏ được diễn ra trước sự chúc mừng của các thành viên trong CLB. Hạnh phúc hơn là sau đó một năm, họ có người con chung khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV.

Trải qua nhiều biến cố, giờ đây người phụ nữ ấy đã tìm được niềm vui của cuộc đời mình. Đặt bàn tay lên bụng mình, chị hạnh phúc chia sẻ sắp được làm mẹ lần nữa. Vì đứa trẻ không thể bú sữa mẹ nên vợ chồng phải tích góp tiền trước để nuôi con. Nói đến tương lai, ánh mắt chị rạng ngời hạnh phúc.

Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo thông tin từ Trạm trưởng trạm y tế xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu tính đến thời điểm đầu tháng 10/2018, riêng 4 bản vùng Kẻ Nính (gồm 4 bản Kẻ Nính, Đình Tiến, Pà Cọ, Tà Cồ, của xã Châu Hạnh) có 80 người đang uống thuốc điều trị ARV, 25 người đã tử vong vì AIDS. 

Thời gian qua, CLB Hi Vọng và bản thân chị Mạc Thị Vân - chủ nhiệm CLB đã góp vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền vận động phòng chống lây nhiễm HIV, tổ chức sàng lọc và hỗ trợ những người nhiễm HIV trong cộng đồng.

Đọc thêm