Mất 1 chân và còn 17 mảnh đạn trong người
Căn nhà khang trang 2 tầng ở xóm 6, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) là cơ ngơi của vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Lợi (SN 1950). Dù bị cụt một chân, trong người còn nhiều mảnh đạn nhưng ông Lợi luôn miệt mài làm việc, trở thành tấm gương sáng tại địa phương.
Năm 1968, theo lệnh tổng động viên, chàng thanh niên trẻ 18 tuổi lên đường nhập ngũ. Thời gian này, ông Lợi làm nhiệm vụ bảo vệ Đài phát thanh của Trung ương cục miền nam. Trong 5 năm tham gia chiến đấu ở vùng Đông Nam Bộ, người lính trẻ ấy đã lập được nhiều chiến công, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Trong đó có Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang và Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba.
Năm 1970, trong một trận chống càn, ông Lợi bị trúng đạn pháo của địch. Một mảnh lớn găm vào chân khiến ông phải cắt bỏ nửa chân trái. Chưa hết, người ông còn dính 17 mảnh đạn, trong đó có một mảnh nằm cách đáy tim 1 cm. “Đó là trận đánh ác liệt khi 4 đại đội với 600 người nhưng chỉ còn 32 người sống sót. Tôi may mắn được sống nhưng bị mất đi 1 chân trái”, ông Lợi nhớ lại trận đánh khiến nhiều đồng đội hy sinh và mình bị thương.
|
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lợi. |
Sau một thời gian điều trị, ông được chuyển ra Bắc để tiếp tục chữa bệnh. Nhưng trên hành trình đó chỉ còn 1/3 số thương binh ấy sống sót, còn lại đã tử vong do máy bay địch đánh bom, oanh tạc. Đó là ký ức đau buồn luôn hằn sâu trong tâm trí thương binh này.
Một thời gian sau, ông Lợi được an dưỡng ở đoàn 200 (thuộc huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Sau đó ông được chuyển sang làm tại một xưởng may của quân đội ở xã Quỳnh Châu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Và chính nơi đây, ông đã gặp được người phụ nữ của cuộc đời mình.
Chiến thắng bệnh tật, vượt khó làm giàu
Theo lời kể của ông, quá trình làm việc tại xưởng may đơn vị, ông tình cờ gặp cô gái Vũ Thị Thiết (SN 1953). Lúc đầu, ông có chút mặc cảm vì mình không còn lành lặn. Nhưng sau đó, ông đã lấy hết can đảm để thổ lộ tình cảm của mình. Trái ngược với suy nghĩ của ông, cô gái ấy đã vui vẻ đón nhận tình cảm.
Chia sẻ về chuyện tình ngày xưa, bà Thiết cho hay, ngay từ lần gặp đầu tiên đã ngưỡng mộ nghị lực của chàng bộ đội cụt một chân. Hơn nữa, việc tận mắt chứng kiến những sản phẩm của Lợi may khiến bà càng ngưỡng mộ. Thế rồi, tình yêu mà cô gái lành lặn dành cho người lính ấy từ lúc nào không hay. “Tình cảm của chúng tôi được gia đình hai bên và đơn vị ủng hộ. Sau 2 năm yêu nhau, đầu năm 1974 chúng tôi tổ chức một đám cưới ấm cúng tại đơn vị. Cũng trong năm đó, chúng tôi đón đứa con trai đầu lòng”, ông Lợi kể chuyện.
Sau thời gian sinh sống, làm việc tại đơn vị, năm 1986, ông Lợi xuất ngũ và đưa vợ con về quê nội ở Hưng Tân lập nghiệp. Đó là quảng thời gian vất vả đối với vợ chồng người thương binh này. Con cái còn nhỏ, ông Lợi lại thương tật, đau ốm khiến áp lực kinh tế càng lớn. Để vượt qua quảng thời gian này, ông Lợi nhiều khi phải lội xuống ruộng đi cày, bừa dù đã mất hẳn một chân. Vất vả, nhưng ông không cam lòng nhìn vợ con đói khổ.
Với ý chí quyết tâm của người lính, ông xông xáo trong phong trào phát triển kinh tế. Cùng với chăm sóc ruộng đồng, ông còn mở rộng chăn nuôi lợn, gà nên kinh tế dần ổn định. Với những thửa ruộng kém năng suất, ông tiến hành đào ao, thả cá kết hợp với chăn nuôi cho năng suất cao. Hiện, gia đình ông có ao cá rộng đến 6 sào, hệ thống chuồng trại được đầu tư xây dựng khang trang. Bình thường, trong chuồng có khoảng 20 con lợn thịt và lợn nái, gà ở mức trên dưới 200 con, vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm, vừa cung ứng ra thị trường.
Bị mất sức 81%, chỉ còn 19% sức khỏe nhưng ông Lợi luôn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. 15 năm liên tục làm Chi hội trưởng Cựu chiến binh xã Hưng Tân, ông đã có nhiều đóng góp tại địa phương. Với cương vị này, ông Lợi kêu gọi, tập hợp được hội viên cùng xây dựng mối đoàn kết, giúp đỡ nhau trong đời sống và lao động, sản xuất. Trong đó phải kể đến việc thành lập phường, hội như phường lúa, phường nghe nhìn, phường tiền để hỗ trợ nhau thoát nghèo.
Nói rõ hơn về cách thức hoạt động của những phường này, ông Lợi cho biết, ban đầu chỉ giới hạn trong phạm vi chi hội cựu chiến binh và anh em họ hàng, về sau mở rộng phạm vi ra cả bà con xóm giềng. Phường, hội được tổ chức theo hình thức tập hợp 10-15 hộ gia đình thống nhất góp một khoản tiền hay lượng lúa nhất định để hỗ trợ lẫn nhau theo cách quay vòng.
Nghĩa là các hộ nhận tiền, lúa theo thứ tự bốc thăm hoặc thỏa thuận để dùng vào việc lớn như làm nhà, mua trâu, bò và các tiện nghi phục vụ cuộc sống như ti vi. Nhờ cách làm đó, gia đình ông cũng như nhiều người dân nơi đây đã tiết kiệm và xây dựng được nhà cửa khang trang, kiên cố, cuộc sống đủ đầy.
Chưa hết, thương binh Nguyễn Văn Lợi còn được xem là người tiên phong trong phòng trào xây dựng nông thôn mới. Trong đó, hạng mục xây dựng đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, việc khó khăn nhất là vận động bà con hiến đất. Biết ông Lợi là người có uy tín trong thôn xóm, các ban, ngành xã Hưng Tân đã phối hợp thực hiện vận động, tuyên truyền. Và người cựu chiến binh này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông kể, để mọi người nghe theo, tôi đã tự nguyện hiến 60 m2 đất để mở rộng tuyến đường cạnh nhà, tiếp đến là đi từng nhà vận động, thuyết phục. Có một số gia đình lúc đầu khăng khăng từ chối nhưng khi hiểu rõ lợi ích chung và lâu dài nên đã đồng ý hiến đất. Nhờ vậy, đến nay hầu hết các tuyến đường ở Hưng Tân đều đã được mở rộng, đi lại thuận tiện.
Từ một người không còn lành lặn, tưởng chừng không làm được việc gì, ông Lợi đã đi tiên phong trong nhiều công việc tại địa phương. Sự nhiệt tình, tận tâm của ông luôn được bà con đánh giá, tin yêu. Mới đây, vào tháng 7/2019, ông Nguyễn Văn Lợi vinh dự là một trong ít cựu chiến binh ở Nghệ An được ra Hà Nội nhận bằng khen của Thủ tướng vì “đã có nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên, chiến thắng bệnh tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội”.
Chia sẻ về tấm gương của thương binh Nguyễn Văn Lợi, ông Nguyễn Trọng Tâm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hưng Tân đánh giá: Thương binh Nguyễn Văn Lợi là một người thực sự gương mẫu, bị thương tật nặng nhưng vẫn tích cực lao động, sản xuất và tham gia công tác xã hội.
Giờ đây, khi tuổi đã xấp xỉ 70, nhưng cựu chiến binh mất sức 81% vẫn năng nổ trong các hoạt động của địa phương. Nghị lực của ông là tấm gương sáng cho nhiều người.