Không tham của rơi
Để biết thêm về cuộc đời người phụ nữ lương thiện này, chúng tôi tìm đến tịnh thất Thanh Lương (phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Gặp chị vào một chiều trung tuần tháng 12, gió nhẹ, trời ngả nắng dịu khiến khung cảnh ở chùa như yên tĩnh, vắng lặng hơn. Ngồi bên tách trà chiều, chị Tha hơi ngại ngùng, bẽn lẽn khi nhắc đến câu chuyện nhặt được của rơi. Phải một lúc lâu sau đó, chị mới thoải mái kể chuyện và trải lòng câu chuyện cuộc đời mình.
Chị Tha nhớ lại, sáng ngày 28/11, chị chạy xe đi chợ về để về lo cơm nước, cúng lễ thì bất ngờ thấy hai người phụ nữ chạy xe máy từ ngân hàng ra nhưng làm rơi bọc tiền xuống đất mà không biết. Thấy vậy chị Tha đã chạy xe máy đến chỗ bọc tiền để nhặt rồi sẽ đuổi theo hai người kia gửi lại. Tuy nhiên, một chiếc xe buýt chạy qua nên chị bị mắc kẹt bên này đường còn hai người đánh rơi tiền cũng mất hút.
Cùng lúc này có một người bán vé số dạo chạy đến lấy bọc tiền rồi nhét vào bụng định bỏ đi. Thấy thế, chị Tha nhanh chóng nói “Tiền của tôi đó” nên chị bán vé số đã đưa bọc tiền cho chị Tha và còn dặn dò chị lần sau để tiền cho cẩn thận. Sau đó chị cầm luôn bọc tiền đi thẳng đến Công an phường Bửu Hòa trình báo để trả lại cho người đánh rơi.
Sau khi đem đến giao nộp cho công an, cơ quan điều tra xác minh, tìm hiểu thì xác định được bọc tiền chị Tha nhặt được có 100 triệu đồng. Số tiền này là của bà La Lưu Hỉ, bà Hỉ mới rút từ ngân hàng ra nhưng đánh rơi. Sau đó, bà Hỉ đã đến nhận lại tiền.
Sau khi sự việc xảy ra, Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh Đồng Nai, UBND TP Biên Hòa và UBND phường Bửu Hòa trao Bằng khen và tiền thưởng cho chị Thạch Thị Tha vì có thành tích “Hành động dũng cảm để bảo vệ tài sản của nhân dân”. Chị nghẹn ngào: “Tuy cuộc sống khó khăn, vất vả thật nhưng tôi quan niệm tiền của người nào thì người đó xài, chứ tham lam rồi mình cũng sống trong bất an hoài thì được gì”.
Nhận nuôi cháu bé bị bỏ rơi cửa chùa
Chị Tha sinh ra trong gia đình đông con ở Trà Vinh, lớn lên chị lấy chồng và sinh được đứa con gái. Nhưng cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, chị dứt áo mang con gái lên Đồng Nai sinh sống. Vì không được học hành đến nơi đến chốn nên không có bằng cấp gì, chị phải làm thuê giúp việc để nuôi con gái đang ở độ tuổi ăn học. Mỗi ngày, ngoài thời gian đi phụ việc, chị Tha đến chùa Thanh Lương làm công quá, tích đức nên được mọi người yêu mến.
Câu chuyện bị ngắt quãng khi chị rưng rưng nước mắt nhắc về đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh mà chị nhận nuôi. 5 năm trước, khi đến chùa Thanh Lương làm công quả, chị phát hiện bé trai bị bỏ rơi ngoài cổng chùa. Thấy vậy, chị đem về nuôi: “Khuôn mặt con bụ bẫm, đáng yêu. Tôi bế con lên, con không khóc, tôi thương vì nghĩ con cũng muốn được hạnh phúc, sao người ta lại bỏ con như thế nên tôi quyết định xin nhà chùa nhận nuôi con. Tôi đặt tên cháu là Lạc”, chị Tha nhớ lại.
Thế nhưng, cuộc sống của Lạc chẳng được “lạc quan” như cái tên mà bé đang mang. Lên 1 tuổi, Lạc bắt đầu có những dấu hiệu không bình thường về sức khỏe. Đi khám, bác sỹ kết luận cháu bé mắc bệnh tim bẩm sinh. Phải liên tục đưa con ra vào viện, vừa phải đi làm, nhiều lúc chị Tha nghĩ mình không trụ nổi.
Nhưng cuộc sống này luôn có những điều may mắn đến với 3 mẹ con chị. Thương hoàn cảnh mẹ con chị Tha, thầy trụ trì chùa Thanh Lương và các mạnh thường quân đã hỗ trợ kinh phí cho Lạc đi bệnh viện và cho mẹ con chị Tha vào chùa Thanh Lương sinh sống. Mỗi ngày chị Tha phụ việc dọn dẹp, nấu ăn trong chùa, chăm sóc con gái và đưa đón Lạc đi học.
Lạc có thân hình ốm yếu hơn so với đứa trẻ cùng trang lứa nhưng luôn cười tươi mỗi khi ai bắt chuyện. Vì mang trong mình trọng bệnh nên Lạc hơi khó ăn, chỉ có chị Tha mới hiểu được Lạc muốn gì và cần gì. Chị tâm sự: “Không mang nặng đẻ đau nhưng với tôi Lạc là một phần cuộc sống của mình. Nhiều người bảo tôi, gửi Lạc vào các trung tâm bảo trợ xã hội cho nhẹ gánh nhưng tôi không làm được. Con khổ từ khi lọt lòng rồi, làm mẹ, sao đành mà cho con đi được”.
Chị Tha cũng nói rằng, chị là mẹ của hai đứa trẻ nên chị muốn mình là tấm gương cho các con noi theo. Trường dạy, đời dạy đã nhiều giờ mẹ cũng phải dạy con rằng “nhặt được của rơi phải tìm người trả lại” để con mình lấy đó làm bài học, làm phương hướng để sống.