Gian nan đường đến trường
Ngày nhận được tin con trai út tật nguyền Hoàng Văn Ân (SN 1987, ngụ xóm 5, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) trúng tuyển đại học, chính vợ chồng ông Hoàng Văn Thái (SN 1952) và bà Hoàng Thị Định (SN 1955) cũng không ngờ con mình lại làm được kỳ tích đó. Bởi, không như bao người khác, từ nhỏ Ân đã chịu nhiều thiệt thòi khi phải trải qua 3 cơn thập tử nhất sinh.
Chưa hết, di chứng chất độc da cam từ người bố khiến hai chân và tay trái của Ân teo tóp không thể cử động được. Sức khỏe yếu nhưng Ân luôn khao khát được đến trường. Suốt 12 năm đi học, vợ chồng ông Thái phải thay phiên nhau chở con bằng chiếc xe đạp cũ rích.
Sau khi tốt nghiệp THPT, những tưởng với lý do sức khỏe Ân sẽ dừng con đường học vấn lại từ đó. Nhưng không, chàng trai ấy vẫn nuôi đam mê lớn hơn. Năm 2010, Ân khiến mọi người bất ngờ khi trúng tuyển Trường Đại học FPT. Vợ chồng ông Thái lúc đó dù rất túng thiếu nhưng vì sự ham học của con trai đành cố gắng cho Ân ra Hà Nội chinh phục đam mê.
Đồng ý là vậy nhưng hai vợ chồng nông dân không tránh khỏi sự bối rối, lo âu. Vì lần này không phải học trong xã, trong huyện, mà ra tận thủ đô, cách nhà hơn 300 cây số. Chi phí tốn kém đã đành, còn chuyện phục vụ sinh hoạt, ăn ở ai sẽ ở bên để giúp đỡ con, vì Ân không thể tự mình làm được những công việc ấy. Mất chục ngày bàn đi, tính lại cuối cùng bà Định quyết định theo ra chăm sóc, hỗ trợ con trai trong những năm đại học.
“Nhà tôi làm nông, quanh năm lam lũ với công việc đồng áng, chăm sóc đàn heo, con bò. Biết rằng bà nhà đi công việc sẽ bế tắc, nhưng để cháu nó một mình ở thành phố chúng tôi không yên lòng. Do vậy, suy đi tính lại đó là cách hợp lý nhất để giúp con thực hiện ước mơ của mình”, ông Thái chia sẻ.
Từ ngày vợ đi thành phố chăm con, ông Thái sức khỏe vốn yếu do chất độc da cam nhưng vẫn phải nai lưng ra làm việc quần quật từ sáng đến tối. Hết đồng áng đến những công việc không tên trong nhà nhưng chẳng đủ tiền gửi cho vợ con. Bước đường cùng họ đành phải thế chấp nhà cửa để vay tiền lo cho con ăn học.
Riêng với bà Định, trong khoảng thời gian theo con ra Thủ đô luôn tranh thủ đi nhặt ve chai, phế loại kiếm thêm đồng bạc chi tiêu. “Tôi ít học, ít tiếp xúc với xã hội nên lúc ra phố rất bỡ ngỡ. Hàng ngày, sau khi đẩy con bằng xe lăn đến trường, tôi lại mang bao tải đi nhặt rác khắp nơi. Có hôm, thấy các sinh viên ra về, tôi liền vào phòng nhặt giấy vụn. Khổ nỗi, tôi làm công việc đó trong tâm thế thậm thụt vì sợ các bạn nghề lâu năm dằn mặt”, bà nhớ lại.
Hai mẹ con chi tiêu chi li hết mức có thể để tiết kiệm. Sống trong khổ cực, vất vả nên bà Định chỉ mong thời gian trôi thật mau để Ân sớm ra trường. Hai năm đằng đẵng trôi qua, dịp may đã đến với gia đình này khi một trung tâm nhân đạo nhận cử người giúp Ân trong các sinh hoạt hàng ngày. Từ đó, dù không phải ở bên con mỗi ngày, nhưng cứ vài tháng vợ chồng ông Thái lại tranh thủ bắt xe ra Hà Nội thăm con, đồng thời nộp học phí.
“Nhìn con ngồi một mình trong phòng trọ, tôi ứa nước mắt. Nhưng nó bản lĩnh lắm, cứ bảo bố mẹ yên tâm, con sẽ tốt nghiệp ra trường, tìm việc lo cho bản thân”, ông Thái nhớ lại những ngày tháng con trai sống xa nhà.
Năm 2013, Hoàng Văn Ân tốt nghiệp đại học, chuyên ngành Thiết kế đồ họa. Ra trường, Ân có hơn một năm làm việc cho một công ty ở Hà Nội. Đến cuối năm 2015, vì muốn được sống gần bố mẹ, chàng trai quyết định về Nghệ An tìm cơ hội mới.
Tại quê nhà, Ân ở nhà thiết kế các mẫu quảng cáo cho những người quen biết trên địa bàn. Thu nhập tuy chưa nhiều nhưng Ân không hề chán nản, vì đó là ước mơ và cũng là công việc yêu thích.
Ân miệt mài với công việc bên chiếc máy tính |
Nghị lực mạnh mẽ
Nhìn con trai chân tay teo tóp miệt mài bên máy tính, bà Định tâm sự: “Chính bản thân tôi không ngờ rằng, đứa con “chết đi sống lại” ngày nào giờ đã trở thành thanh niên đầy nhiệt huyết với niềm đam mê công nghệ thông tin. Nhìn con hăng say với công việc, tôi dù không hiểu gì nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc”.
Kể về hành trình chiến đấu với bệnh tật và đi tìm con chữ của người con út kém may mắn, bà Định cho hay: “Hai vợ chồng tôi sinh được 5 người con, duy chỉ có Ân bị tật nguyền. Bác sỹ nói, do nó nhiễm chất độc da cam từ bố. Hồi chống Mỹ, ông nhà tôi tham gia chiến trường Quảng Trị, hành quân vào những khu rừng rụng lá. Đến năm 1977 thì xuất ngũ về quê”.
Người mẹ vẫn không thể quên những tháng ngày cùng con giành giật sự sống. Bà kể, lúc chào đời, Ân đã có những dấu hiệu khác thường, không cất tiếng khóc và không chịu bú mẹ. “Thấy người con tím tái, hai vợ chồng tôi loay hoay không biết xử lý thế nào.
Thời đó, các loại sữa chưa có nên mỗi ngày tôi chỉ biết nhỏ mấy giọt nước vào miệng để con không bị khô miệng”, bà Định nhớ lại. Cầm cự được 8 ngày thì sức khỏe đứa trẻ yếu hẳn đến mức gia đình đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất.
May mắn, một người họ hàng công tác trong bệnh viện đã tìm đến đặt mấy viên thuốc vào người Ân. Đêm hôm đó, cậu bé cất tiếng khóc và lần tìm vú mẹ. Hơn một tuần sau sinh, con không bú nên bầu sữa của bà Định đã cạn, người mẹ lại thêm một lần đau đớn nhồi sữa cứu con.
Nỗi đau vẫn chưa dừng lại. Khi Ân 4 tháng tuổi, một hôm cậu bé khóc thét, toàn thân quằn quại, vợ chồng bà Định vội ôm con đến bệnh viện. Tại đây, các bác sỹ chuẩn đoán bé bị lồng ruột, ca phẫu thuật được tiến hành khẩn trương, cắt bỏ 90cm ruột.
Ca phẫu thuật sinh tử ấy cứu sống được tính mạng nhưng Hoàng Văn Ân sau đó trở nên quặt quẹo, hai chân và tay trái teo dần rồi trở thành dị tật. Ân không thể lật trở, ngồi dậy và tập đi như những đứa trẻ bình thường, mọi sự vận động đều phải nhờ vào sự trợ giúp của các thành viên trong gia đình...
Đến tuổi đến trường, thấy những người bạn cùng trang lứa được bố mẹ mua sắm quần áo mới, cặp sách, Ân cũng nằng nặc đòi đi học. Nhưng nhìn đứa con tật nguyền, một tay co quắp, hai chân cứng đơ, gần như dính chặt với nhau, sức lực lại chẳng có, vợ chồng ông Thái đành gạt nước mắt từ chối.
“Không được đi học, nó khóc lóc liên tục. Mỗi ngày, nó cứ trườn ra đường nhìn các bạn đi học đến mức quần áo rách toác. Đến lúc này, vợ chồng tôi đành phải xuống nước cho nó đến trường”, bà Định kể lại.
Vậy là từ đó, hàng ngày ông bà thay phiên nhau chở con đi học. Chiếc xe đạp cũ kỹ được ông Thái buộc thêm cái rổ, đặt con ngồi trong đó. Những hôm nào bận bịu công việc đồng áng, hai vợ chồng đành nhờ các con chở em đi học cùng.
Lên cấp 2, 3 đường đến trường xa hơn, người bố đặt con ngồi lên gácbaga, dùng sợi dây chun buộc đôi chân teo tóp của Ân lại để đảm bảo an toàn. Dù sức khỏe yếu hơn các bạn, nhưng Ân đã xuất sắc hoàn thành chương trình cấp 3. Ân còn khiến nhiều người thán phục khi đã chinh phục thành công con đường đại học với lắm gian truân.
Chia sẻ về dự định tương lai, Ân tâm sự: “Trước mắt tôi mong được nhận vào một nơi làm việc dành cho người khuyết tật, hoặc có nguồn vốn mở cơ sở in ấn, quảng cáo tại nhà. Tôi muốn tự sống bằng nghề mình đam mê”.
Bà Định chia sẻ chặng đường cùng con đến trường |
Tâm sự chuyện tình cảm, chàng trai với gương mặt khá khôi ngô bộc bạch: “Cũng có vài cô gái đem lòng yêu tôi, đã tính đến chuyện hôn nhân, nhưng vì gia đình họ không chấp nhận hoàn cảnh nghèo khó của gia đình tôi nên đành dang dở. Sau nhiều chuyện buồn, hiện nay tôi chỉ toàn tâm lo cho công việc tương lai của mình”.