Chồng mất, con chưa kịp chào đời
Căn nhà cấp 4 cũ kỹ của chị Phạm Thị Nhung (39 tuổi), ngụ xóm 13, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) những ngày này ngập trong tang tóc, đau thương khi người chồng mới qua đời. Vừa trải qua cú sốc lớn cộng thêm việc chị đang mang thai khiến gương mặt người phụ nữ này càng phờ phạc. Nhói lòng hơn cả hai hình ảnh hai đứa con thơ vẫn vô tư chơi đùa vì các em chưa hiểu nỗi mất mát mà gia đình đang gánh chịu.
Chị Nhung kể, hai vợ chồng đến với nhau khi tuổi đã ngoài 30. 35 tuổi, chị mới được làm mẹ. Thế nhưng, những ngày tháng hạnh phúc, bình yên có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, thay vào đó là sự đau đớn, lo lắng vì bệnh tình của anh Trần Nam. Khi đứa con đầu vừa 3 tháng tuổi thì anh Nam bị nôn và đi ngoài ra máu. Đến bệnh viện, anh phát hiện bị xuất huyết tiêu hóa và xơ gan. Thời điểm này căn bệnh đã quá nặng, nhưng vì gia cảnh khó khăn nên người đàn ông này không nhập viện điều trị. Gia đình động viên mãi anh mới điều trị với hi vọng sớm khỏe mạnh để trở về làm chỗ dựa cho vợ con.
“Từ ngày chồng phát hiện ra bệnh tình, anh ấy hầu như không làm gì được. Sức khỏe yếu nên anh chỉ quanh quẩn trong nhà. Có thời điểm, sức khỏe suy kiệt nên anh cứ nằm trên giường, vì thế mọi công việc lớn nhỏ trong nhà đều do tôi quán xuyến. Theo thuốc tây mãi nhưng không được, tôi lại đi cắt thuốc nam, thuốc bắc cho chồng uống. Do đó, trong nhà hôm nào cũng có ấm thuốc dưới bếp”, chị Nhung kể.
Tranh thủ hôm nào chồng khỏe hơn là chị lại để hai đứa con ở nhà để đi làm thuê. Ai thuê gì thì làm nấy nhưng ở nông thôn công việc thuê cấy theo mùa vụ nên chị cũng chẳng kiếm được là bao. Không ai thuê, chị đi xe đạp thu mua ve chai, kiếm ít đồng bạc mua thuốc cho chồng và lo thức ăn cho các con. Vào những hôm trời đổ mưa, chị lại tranh thủ ra đồng bắt con ốc, con dam đem đi bán. Hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn lam lũ ngoài đồng ruộng để lo cho chồng con khiến người dân nơi đây cảm kích, thương cảm. Nhưng mọi nỗ lực của chị dường như trở nên vô ích khi bệnh tình người chồng ngày càng nặng.
Đến khoảng giữa tháng 3/2020, bệnh tình anh Nam bỗng trở nặng hơn. Sau khi đi ngoài ra máu, anh được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê và được các bác sỹ xác định xuất huyết tiêu hóa và xơ gan. Nằm điều trị ở tuyến tỉnh chừng 1 tuần thì anh được chỉ định đưa ra Hà Nội để tìm cơ hội sống. Nhưng mọi chuyện dưỡng như đã quá muộn. Anh Nam nhắm mắt lìa đời khi người thân đang nổ lực để đưa về nhà gặp vợ con, người thân lần cuối. Dù đã xác định trước tư tưởng nhưng sự ra đi của người chồng khiến chị Nhung đau đớn.
Góa phụ nghẹn ngào: “Con tôi đứa lớn mới 4 tuổi, đứa nhỏ chưa kịp chào đời đã mồ côi cha. Giờ một mình tôi biết xoay xở thế nào khi chồng không còn bên cạnh, một nách cả đàn con thơ. Số phận gia đình tôi sao lại bất hạnh thế này”.
Cặp vợ chồng nghèo bất hạnh chồng lên bất hạnh
Được biết, trước khi đến với nhau, cả chị Nhung và anh Nam đều có hoàn cảnh rất khó khăn, éo le. Anh Nam là con thứ 7 trong gia đình có đến 8 anh chị em. Bố mẹ mất sớm, các anh chị có cuộc sống riêng nên chỉ mình anh sống trong căn nhà cũ kỹ nằm cuối làng. Sức khỏe vốn yếu nên hàng ngày anh chủ yếu chăn nuôi con gà, con vịt kiếm thêm thu nhập.
Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên thanh niên này khó tìm cho mình một mái ấm riêng cho đến ngày gặp chị Nhung. Cô gái này cũng có hoàn cảnh éo le không kém. Bố mẹ đều đã mất nên chỉ mình chị Nhung sống trong căn nhà lạnh lẽo. Hai con người cùng chung hoàn cảnh nên dễ dàng hiểu lòng nhau hơn. Năm 2015, hai người quyết định về chung một nhà. Đây có lẽ là đám cưới đặc biệt của ngôi làng khi cô dâu, chú rể đều không còn bố mẹ để chứng kiến ngày vui của các con.
Vượt qua mọi khó khăn, đôi vợ chồng trẻ cùng động viên nhau sẽ nổ lực bằng chính sức của mình để vun vén cho mái ấm nhỏ. Thế nhưng, những ngày hạnh phúc chỉ đếm trên đầu ngón tay khi anh Nam mắc bệnh hiểm nghèo. Cũng từ đó, gia đình chị Nhung như rơi vào bế tắc, khủng hoảng vì bệnh tật, đói nghèo. Nay người chồng đã mãi mãi ra đi để lại cho chị khoảng trống khó lấp đầy.
Ngồi nhìn hai đứa con nhỏ, chị Nhung đã không kìm được nước mắt: “Chúng nó còn quá nhỏ để hiểu được sự ra đi của bố. Hôm đám tang, bé đầu cứ nhìn bố rồi hỏi sao bố ngủ mãi không dậy khiến tôi càng đau lòng”. Khó khăn của chị càng lớn hơn khi hiện nay chị Nhung đang mang thai đứa con thứ 3 ở tháng thứ 6. “Trước lúc ra đi, anh ấy cứ rơi nước mắt dặn dò tôi cố gắng chăm sóc các con nên người. Anh còn xin lỗi vì không có cơ hội gặp đứa con đang ở trong bụng. Mỗi khi nhớ lại chuyện đó, lòng tôi lại càng đau. Thương chồng, nhưng tôi đành bất lực”, chị Nhung sụt sùi.
Giờ đây, ngoài gánh nặng nuôi hai đứa con, góa phụ đang mang thai này còn phải chạy vạy gần 100 triệu đồng để lo trả tiền thuốc men, bệnh viện cho những ngày chồng nằm viện. Đó là con số quá lớn đối với người phụ nữ này. “Lúc anh lâm bệnh nặng, trong nhà không còn đồng tiền nào nữa. Anh em thương tình mỗi người cho vay một ít để đưa anh điều trị khắp nơi. Giờ anh ấy mất, con thơ, bụng mang dạ chửa, nợ nần chồng chất... tôi biết sống thế nào đây?”, người phụ nữ lại nấc lên.
Nghĩ đến cuộc sống phía trước của gia đình khi không còn chồng bên cạnh, chị Nhung lại ôm hai đứa con khóc nghẹn. Đối với người phụ nữ đang mang thai, thời gian phía trước đối với mẹ con chị sẽ rất khó khăn khi không thể làm được gì để có thu nhập, nợ nần chồng chất. Tương lai của 3 đứa con thơ mịt mù. Hoàn cảnh của ba mẹ con chị Nhung rất cần sự chung tay giúp đỡ của mọi người.
Ông Trần Văn Trung- Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh chia sẻ, hoàn cảnh của mẹ con chị Nhung rất khó khăn. Chồng đau ốm triền miên rồi mất, gia đình lại hộ cận nghèo, không có nguồn thu nhập ổn định. Hy vọng mọi người sẽ giang cánh tay giúp đỡ ba mẹ con để sớm trả hết nợ, ổn định cuộc sống.