Cam “tiến vua” xứ Nghệ có giá trăm nghìn đồng mỗi quả vẫn hút khách dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cam xứ Đoài của Nghệ An là loại cam nức tiếng thơm ngon, đặc sản “tiến vua” thời xưa. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán dù có giá lên tới 100.000 đồng/quả nhưng cam Xã Đoài vẫn hút khách từ khắp nơi đặt mua.
Cam chín vàng chờ sát ngày Tết khách sẽ đến hái.
Cam chín vàng chờ sát ngày Tết khách sẽ đến hái.

“Cam Xã Đoài mọng nước, giọt vàng như mật ong. Bổ cam ngoài cửa trước, hương bay vào nhà trong”, những câu thơ trên phần nào nói lên giá trị của giống cam quý Xã Đoài. Loại cam nức tiếng thơm ngon của xứ Nghệ là đặc sản “tiến vua” thời xưa. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán dù có giá lên tới 100.000 đồng/quả nhưng cam Xã Đoài vẫn hút khách từ khắp nơi đặt mua.

Thiên hạ đệ nhất cam

Nghệ An là vùng đất địa linh nhân kiệt, sinh ra nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng của dân tộc, là nơi chôn nhau, cắt rốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhắc đến mảnh đất này không thể không kể đến cam Xã Đoài. Đây được xem là một trong những sản vật “tiến vua” thời xưa.

Theo các tài liệu được ghi chép, cam Xã Đoài du nhập Việt Nam khoảng hơn 150 năm trước theo chân một giáo sĩ người Pháp đến xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) truyền đạo. Thật bất ngờ, vùng đất cằn cỗi đầy nắng gió ấy lại cực kỳ phù hợp với loại cam này và nhanh chóng nổi tiếng với mùi thơm cùng vị ngọt khó thấy ở giống cam khác.

Những người trồng cam lâu năm nơi đây cho hay, cam Xã Đoài ngon trước hết là do có giống cam tốt, lại được trồng trên nền đất thịt nặng có tầng canh tác sâu và hàng năm được bồi đắp một lớp phù sa lắng đọng của kênh nhà Lê. Phía dưới tầng đất canh tác nếu đào sâu xuống khoảng trên dưới một mét sẽ thấy một lớp vỏ sò, hến, ốc biển đã và đang phân hủy. Đặc điểm của loại đất này cùng với giống cam tốt đã tạo nên hương vị thơm ngon nổi tiếng của cam Xã Đoài.

Nổi tiếng vì những quả cam nơi đây có đặc điểm vỏ mịn, mỏng đều, mùi hương thơm dịu, ruột cam vàng óng ánh, có vị ngọt, thanh mà không chua. Khi cắt ra, cam có màu vàng óng, bắt mắt, nước chảy ra như mật ong. Cam Xã Đoài thường ra hoa vào tiết lập Xuân và bắt đầu chín vào tháng 11, 12 âm lịch hàng năm.

Là giống cam đặc biệt thơm ngon, ngọt nên cam Xã Đoài được xem là cây ăn quả đặc sản “tiến vua”. Tương truyền năm đó triều đình Huế mở hội thi hoa quả. Những người nông dân vùng Xã Đoài nhận được trát vua, bèn bàn nhau cử người mang cam vào tận kinh thành ứng thí. Tại kinh đô, giữa muôn ngàn sản vật, cam Xã Đoài đã đoạt giải và trở thành thứ cam tiến vua độc nhất vô nhị. Cam Xã Đoài không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn vinh dự được ghi vào đại từ điển Pháp, xuất hiện trong thành ngữ nước bạn Lào “Cam Xã Đoài, xoài Thà - Khẹc” và đi vào văn chương Việt Nam.

Khoảng những năm 1970 - 1980, ở xã Nghi Diên có rất nhiều hộ dân trồng giống cam Xã Đoài, diện tích lên đến hàng trăm héc ta. Việc trồng cam Xã Đoài vào thời điểm này đem lại giá trị kinh tế cao. Cam không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang cả châu Âu. Nhờ cam mà nhiều hộ gia đình kinh tế khá giả, có điều kiện cho con cái ăn học.

Tiếng lành đồn xa, hàng năm cứ vào độ tháng 10 âm lịch, thương lái các nơi đã tìm về Xã Đoài để đặt mua cam. Những cây cam mới bói quả xem như đã có chủ, chỉ chờ những cơn gió hanh hao đầu Xuân thổi vàng sậm vỏ, những quả cam được cẩn thận cắt cành, giữ cuống lá màu xanh đậm để làm hàng Tết.

Gần 100 nghìn đồng/quả nhưng vẫn hút khách dịp Tết

Sở hữu hơn 70 gốc cam Xã Đoài, ông Nguyễn Văn Thọ (SN 1969) trú xã Nghi Diên cho biết, năm nay vườn cam gia đình ông đậu khoảng 7.000 quả chờ bán dịp Tết. Theo ông, vì diện tích trồng cam Xã Đoài đang ngày càng ít, số lượng cam bán ra không đủ đáp ứng cho nhu cầu của thị trường nên lúc nào giá cũng cao.

Năm nay thời tiết thuận lợi nên cam được mùa, có số lượng nhiều do đó nhà ông chỉ bán 70.000 đồng/quả. Theo tính toán của lão nông trồng cam này, sau khi trừ hao đi những quả bị rụng hay ngoại hình xấu thì vườn cam của ông có thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng.

Một vườn cam Xã Đoài trĩu quả tại xã Nghi Diên.

Một vườn cam Xã Đoài trĩu quả tại xã Nghi Diên.

Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Cường cũng đang có gần 70 gốc cam Xã Đoài. Điều khiến ông Cường luôn tự hào là trong số những cây cam của nhà mình có 2 gốc cam “cổ thụ” với tuổi đời hơn 34 năm.

Chỉ tay vào hai gốc cam này, ông Cường cho hay: “Hai gốc cam này có tuổi đời 34 năm, do bố tôi trồng. Vì cây già quá nên thân cành ngày một nhỏ lại, tuy nhiên quả vẫn to, đẹp, ngọt. Vì thế, nhiều người từng về đây mua bầu ươm của 2 cây cam này về để nhân giống và nghiên cứu khoa học”.

Quả cam của 2 cây “cổ thụ” này ông Cường luôn bán giá 130.000 đồng/quả. Ngoài ra, ông còn chiết cành để nhân giống bán cho ai có nhu cầu với giá 500.000 đồng/bầu. Tuy đắt hơn so mặt bằng chung ở đây, nhưng vì là giống cam tốt nên nhiều người vẫn đến hỏi mua để về trồng.

Tuy nhiên, một đặc điểm là dù lấy giống từ cam Xã Đoài nhưng nếu đem trồng ở nơi khác dù cây vẫn xanh tốt, cho quả đẹp giống hệt ở Xã Đoài nhưng hương vị không thơm, ngon, ngọt như trồng trên đất Nghi Diên. Do vậy, số lượng quả bán ra thị trường của giống cam này rất hạn chế. Để khách mua cam không bị nhầm lẫn và chọn đúng cam Xã Đoài, các chủ vườn thường mời khách trực tiếp đến vườn tự chọn cây, quả rồi mới hái bán.

Cam Xã Đoài vỏ mịn, mỏng đều và có mùi hương thơm dịu, ruột cam vàng óng ánh, có vị ngọt, thanh.

Cam Xã Đoài vỏ mịn, mỏng đều và có mùi hương thơm dịu, ruột cam vàng óng ánh, có vị ngọt, thanh.

Nói về giống cam đặc sản, ông Phạm Ngọc Dương - Chủ tịch UBND xã Nghi Diên cho biết, toàn xã hiện có khoảng 40 hộ trồng cam Xã Đoài với khoảng 10.000 gốc, chủ yếu các hộ dân trồng nhỏ lẻ tại vườn nhà. Theo ông Dương, trước đây ở xã Nghi Diên hầu như nhà nào cũng trồng cam.

Tuy nhiên, đến nay diện tích cam đang bị thu hẹp lại do nhu cầu đất ở của người dân trong xã tăng lên. Hàng năm, mỗi dịp Tết đến, cam Xã Đoài lại mang thu nhập ổn định từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi nhà vườn. Cũng nhờ quả cam mà nhiều hộ gia đình có kinh tế ổn định, đầu tư việc học hành cho con cái.

Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, cam Xã Đoài là nông sản quý của địa phương, tuy nhiên do diện tích trồng đang ngày càng thu hẹp nên sản lượng cam không đủ để cung ứng cho thị trường.

“Khu vực trồng cam Xã Đoài ngon nhất là khu vực gần nhà thờ Giáo xứ Xã Đoài, chính vì thế muốn mở rộng diện tích trồng cũng rất khó. Hằng năm huyện và tỉnh đều tổ chức nhiều chương trình hội chợ, hội thảo để xúc tiến tiêu thụ và quản bá sản phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân kỹ thuật, gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ”, ông Hòa nói thêm.

Hàng năm, cứ vào dịp gần Tết Nguyên Đán, khách hàng ở trong và ngoài tỉnh rủ nhau tìm về xã Nghi Diên để xem và mua cam. Làng cam vui như vào hội, hương cam quấn quýt từng ngõ xóm. Cam Xã Đoài được nhiều gia đình dùng làm quà biếu hoặc để thờ cúng trong dịp Tết.

Đọc thêm