Cán bộ công an mua gỗ được phép khai thác cũng phạm tội... phá rừng?

(PLO) - Cán bộ công an mua gỗ được khai thác hợp pháp và bên bán có hồ sơ chứng từ đầy đủ, thế nhưng cả người mua và người bán đều bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”...
Cán bộ công an mua gỗ được phép khai thác cũng phạm tội... phá rừng?
Mua gỗ khai thác hợp pháp
Theo Bản án sơ thẩm số 17/2007/HSST ngày 28/8/2007 của TAND huyện Bạch Thông, Bắc Cạn 3 bị cáo là ông Nguyễn Xuân Khoát, ông Bùi Xuân Thu và ông Hứa Văn Cường nguyên Thiếu úy Công an là lái xe của Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Bắc Cạn bị truy tố về cùng một tội danh là “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Theo cáo trạng của VKS huyện Bạch Thông, 3 bị cáo đã khai thác và mua bán gỗ trái phép với số lượng khoảng 30m3.
Thực tế, việc khai thác gỗ của ông Bùi Xuân Thu và việc mua bán gỗ của ông Nguyễn Xuân Khoát và ông Hứa Văn Cường lại được thực hiện theo đúng pháp luật về khai thác và mua bán gỗ. Theo đó, ngày 7/2/2002 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Cạn cấp Giấy phép khai thác rừng số 556/NN-GPKT cho Lâm trường Bạch Thông được phép khai thác 334m3 gỗ tròn và gỗ tận dụng (chủ yếu là các loại gỗ tạp như gỗ vàng danh, gỗ kháo) tại tiểu khu 387, xã Dương Phong.
Để khai thác gỗ theo Giấy phép trên, Lâm trường Bạch Thông đã giao cho Đội 3 do ông Bùi Xuân Thu làm Đội trưởng tổ chức khai thác. Ông Bùi Xuân Thu đã thuê ông Phạm Thanh Lâm, sau đó là ông Nguyễn Xuân Khoát đứng ra thực hiện việc khai thác và vận chuyển gỗ ra bãi tập kết phương tiện vận chuyển.
Tháng 10/2002, việc khai thác đã được thực hiện và một phần gỗ khai thác được, Lâm trường Bạch Thông đã bán cho ông Nguyễn Xuân Khoát. Năm 2003, số gỗ này đã được ông Khoát bán cho ông Hứa Văn Cường 30m3 với giá chỉ có 300 nghìn đồng/m3.
Một tội danh, hai lần bị truy tố
Sự việc mua bán gỗ đã diễn ra nhiều năm nhưng đến năm 2006 các ông Bùi Xuân Thu, Nguyễn Xuân Khoát và Hứa Văn Cường đều bị bắt giam và truy tố về tội “phá rừng” liên quan đến 30m3 gỗ mà ông Khoát bán cho ông Cường, được khai thác theo Giấy phép 556 mà Lâm trường Bạch Thông được cấp. Theo cáo trạng truy tố các bị cáo này thì số gỗ mà ông Hứa Văn Cường mua không có dấu búa kiểm lâm nên bị quy kết là “gỗ lậu”.
CQĐT cho rằng số gỗ này được khai thác ngoài vị trí các lô được cấp phép theo Giấy phép 556 và ông Bùi Xuân Thu bị quy kết đã trộn số gỗ khai thác bất hợp pháp vào số gỗ được khai thác hợp pháp. Cũng với lý do này, TAND huyện Bạch Thông đã kết án cả 3 bị cáo về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, trong đó ông Hứa Văn Cường bị tuyên phạt 15 tháng tù.
Theo ông Hứa Văn Cường, việc buộc tội đối với ông như trên là không đúng. Vì, ông đã mua lại 30m3 gỗ tạp của ông Nguyễn Xuân Khoát với chứng từ đầy đủ, có hóa đơn do Lâm trường Bạch Thông cấp cho ông Nguyễn Xuân Khoát. Việc CQĐT cho rằng ông Cường mua gỗ không có dấu búa kiểm lâm là trái pháp luật, vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ rừng là thiếu căn cứ.
Theo Luật sư Lê Văn Đài (VPLS Khánh Hưng), không phải trường hợp nào gỗ khai thác không có dấu búa của kiểm lâm cũng là khai thác bất hợp pháp. Theo quy định tại Thông tư 08-LN/KL ngày 25/4/1992 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN &PTNT) hướng dẫn kiểm tra khai thác, vận chuyển lâm sản thì cơ quan kiểm lâm nơi có rừng được khai thác có trách nhiệm kiểm tra việc khai thác của chủ rừng, đóng dấu bài cây trên các khúc gỗ được khai thác và đóng dấu búa kiểm lâm trên lượng gỗ đã đủ điều kiện đóng dấu búa. 
Tuy nhiên, nhiều trường hợp đơn vị khai thác và kiểm lâm đã không phối hợp thực hiện việc kiểm tra như trên vì cho rằng gỗ “tạp”, không cần phải có dấu búa của kiểm lâm. Do đó, mặc dù gỗ không có dấu búa nhưng vẫn là gỗ khai thác hợp pháp. Việc truy tố các cá nhân khai thác, vận chuyển gỗ đã được cấp giấy phép khai thác chỉ vì số gỗ đó không có dấu búa là có dấu hiệu làm oan người dân.
Cũng trong đơn kêu oan mà ông Hứa Văn Cường gửi VKSNDTC, ông Cường cho rằng, các cơ quan tố tụng huyện Bạch Thông đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng khi trong ngày 28/8/2007, tòa án mở phiên tòa xét xử vụ án nhưng sau đó ban hành đến 2 bản án đối với ông Cường về cùng một tội danh, tổng hình phạt lên đến 45 tháng tù (đó là Bản án số 17/HSST ngày 28/8/2007 và Bản án số 19/HSST ngày 14/9/2007).
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, việc ông Cường phải chịu hai bản án (chỉ cách nhau 16 ngày) về cùng một tội danh là “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng”, là điều đáng ngờ. Cùng một thời điểm mà một công dân bị truy tố 2 lần về một tội danh là điều khó chấp nhận. Do đó, việc kêu oan này cần phải được kiểm tra, xem xét. Nếu thực sự có hành vi phạm tội thì phải nhập vụ án để điều tra, xét xử chứ không thể truy tố một công dân hai lần về một hành vi phạm tội, kể cả đó là phạm tội nhiều lần.
Mặc dù đã trở về với cuộc sống bình thường nhiều năm nhưng ông Hứa Văn Cường không cam tâm với việc bị kết tội oan. Với những dấu hiệu về một án oan khá rõ, nhất là việc ông Cường phải chịu hai bản án cho một hành vi như trên, rõ ràng những dấu hiệu oan sai của vụ án này cần được kiểm tra, làm rõ./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com


Đọc thêm