Hôm nay (19/4), Bộ LĐ-TB&XH và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã tổ chức Diễn đàn CEDAW hướng tới bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ Việt Nam trong 10 năm qua.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cũng khẳng định, Việt Nam luôn ưu tiên đảm bỏ bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ, thực thi Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW).
Tuy nhiên, phụ nữ vẫn bị hạn chế trong việc tham gia và thụ hưởng quyền con người trong chính trị, lao động, việc làm, vẫn còn chính sách và luật pháp chưa phù hợp với nguyên tắc và qui định của CEDAW.
Theo nhiều đại biểu, thái độ gia trưởng tồn tại dai dẳng, những khuôn mẫu giới đã ăn sâu trong xã hội, sự thiếu thông tin và dữ liệu về tất cả các hình thức bạo lực với phụ nữ và hiểu biết về các biện pháp đặc biệt tạm thời còn hạn chế… là một số xu hướng chính dẫn đến khoảng cách giới trong nước, cần được khắc phục.
Bên cạnh đó, biện pháp xử lý người bạo lực gia đình (BLGĐ) không đủ, chưa đủ hiệu quả răn đe như nhiều vụ án liên quan đến BLGĐ chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại, biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi BLGĐ thì thường do chính nạn nhân phải thực hiện (nộp tiền phạt thay chồng - người gây ra hành vi BLGĐ)...
Qua thực tế điều tra về tiếp cận công lý cho phụ nữ, đại diện Viện Xã hội học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, cần tăng cường nhận thức của phụ nữ, nhất là nạn nhân của BLGĐ cũng như của những người tham gia giải quyết (tổ trưởng dân phố, đại diện tổ chức đoàn thể địa phương) các vụ việc BLGĐ.
Kiến nghị khắc phục những khó khăn về chu trình thủ tục pháp lý trong giải quyết các vụ BLGĐ như tăng cường đại diện của phụ nữ trong chu trình để nạn nhân dễ dàng chia sẻ và được cảm thông.
Nhất là giảm tính hình thức trong chu trình này. Hiện chu trình giải quyết các vụ việc BLGĐ còn câu nệ vào hình thức hòa giải nên việc xử lý BLGĐ “có vấn đề” như nhận xét của đại diện Viện Xã hội học.
Điển hình như thực trạng có nhiều vụ việc BLGĐ được đưa ra phê bình tại tổ dân phố nhưng chỉ có nạn nhân tham gia còn người gây ra BLGĐ… vắng mặt.
Chủ thể tham gia giải quyết BLGĐ thường là nam giới nên nhiều nạn nhân ngại giãy bài câu chuyện, hoặc chủ thể tham gia giải quyết “thoái thác, ngại khó, có xu hướng đẩy trả vụ việc BLGĐ về thành “chuyện riêng của gia đình”…
Việt Nam luôn nỗ lực để hiện thực hóa các quy định của CEDAW tại Việt Nam nhằm nâng cao hơn nữa quyền năng của phụ nữ Việt Nam, thông qua việc hạn chế những yếu tố cản trở nỗ lực thực hiện CEDAW.
Theo đó, cần thay đổi nhận thức của các chủ thể về bình đẳng giới, xây dựng các chính sách, quy định để thúc đẩy quyền năng của phụ nữ, can thiệp, giải quyết kịp thời đảm bảo sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động và thúc đẩy sự tham gia này hiệu quả.