(PLVN) - Chiếc khăn Piêu là thành quả tình yêu, sự trân trọng văn hóa truyền thống kết hợp với sư rèn luyện, sự khéo léo của đôi bàn tay, tính kiên nhẫn, chăm chỉ của các cô gái Thái...
Khăn Piêu không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh, được ví như một tín vật quan trọng trong tình yêu đôi lứa, mà còn là một phần trong bộ trang phục làm nên vẻ đẹp riêng có của người phụ nữ Thái.
Theo quan niệm của người Thái, chiếc khăn Piêu là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, phẩm hạnh, sự đảm đang của người phụ nữ. Những người con gái trước khi về nhà chồng phải có khăn Piêu tự tay mình làm để kỷ niệm cho bố mẹ, họ hàng bên nhà chồng.
Ai từng ghé qua các bản làng người của Thái Tây Bắc đều có thể bắt gặp hình ảnh những cô gái hay bà mẹ, cụ già chăm chú ngồi thêu khăn Piêu bên hiên nhà.
Khăn Piêu là sự kết hợp độc đáo khéo léo giữa màu sắc và hoa văn, được dệt từ sợi bông sau đó nhuộm chàm. Tới khi vải khô người phụ nữ Thái mới bắt đầu thêu hoa văn.
Để hoàn thiện một chiếc khăn Piêu phải trải nhiều công đoạn hết sức tỉ mỉ, từ việc chọn vải, nhuộm vải, rồi chọn chỉ màu phù hợp với từng loại họa tiết hoa văn…
Khăn Piêu được dệt từ những sợi bông.
Từ khi còn bé các cô gái Thái đã được bà, mẹ hướng dẫn cách làm khăn Piêu. Từng đường kim mũi chỉ, từng màu sắc hoa văn đều được chỉ dạy kỹ càng.
Nét đặc biệt của nghệ thuật thêu khăn Piêu là thêu ở mặt trái nhưng hoa văn lại hiện ra ở mặt phải. Vì thế, để thêu được một chiếc khăn Piêu đẹp, đòi hỏi người phụ nữ Thái phải có kinh nghiệm.
Mỗi biểu tượng hoa văn trên khăn Piêu đều mang một ý nghĩa khác nhau, điển hình là tượng trưng cho sự may mắn, bền vững, sự thủy chung giữa người vợ và người chồng. Ngoài phục vụ sinh hoạt, khăn Piêu còn được dùng để biểu diễn văn nghệ trong các dịp lễ hội, Tết xuân về…
Ngày nay, chiếc khăn Piêu không chỉ là vật dụng quen thuộc của người phụ nữ dân tộc Thái, mà còn trở thành món quà lưu niệm ý nghĩa đối với du khách.