Phát hiện Linga - Yoni liền khối lớn nhất Việt Nam
Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, mới đây, trong quá trình khai quật và phát lộ đền A10 để phục vụ cho công tác trùng tu nhóm tháp A thuộc Khu đền tháp Mỹ Sơn, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện rất nhiều hiện vật, nổi bật nhất là đài thờ và 4 trụ đá. Đặc biệt, đài thờ A10 đã được các chuyên gia nghiên cứu sắp xếp từ hơn 20 mảnh vỡ để trở thành một đài thờ hoàn chỉnh nhất tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.
“Với Linga - Yoni liền khối còn khá nguyên vẹn, có kích thước 2,24m x 1m68 vừa phát lộ và chân đài thờ được trang trí hoa văn, vòm cửa, các đạo sư thuộc phong cách Đồng Dương thế kỷ thứ IX, đài thờ này mang giá trị rất cao về văn hóa và điêu khắc nghệ thuật”, ông Hộ cho biết. Ông Jalihal Ranganath - Trưởng nhóm công tác bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (thuộc dự án trùng tu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn giữa Việt Nam và Ấn Độ) cho rằng, đây là bộ Linga - Yoni liền khối lớn nhất được phát hiện cho đến thời điểm này tại Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trong điêu khắc Chăm Pa.
“Với việc phát hiện này, chúng ta đã có một đài thờ hoàn chỉnh thuộc đền A10. Việc phát hiện, phục hồi lại vị trí nguyên gốc cho đài thờ cùng 4 trụ đá thuộc đền A10 đã làm rõ chức năng của đền là nơi thờ thần Shiva qua biểu tượng Linga - Yoni và đã trả lại không gian thờ tự như xưa”, ông Jalihal Raganath cho biết. Đền A10 được xây dựng vào thế kỷ thứ IX dưới triều vua Indravarman II - vị vua đã xây dựng Phật viện Đồng Dương nổi tiếng năm 875. Cùng với đền B4, đền A10 là một trong 2 ngôi đền tiêu biểu mang phong cách Đồng Dương tại thung lũng Mỹ Sơn.
Công nhân trùng tu khu đền A10 |
Được khai quật vào năm 1903 và 1904, khi đó tường phía Nam của đền A10 giáp với tháp A1 còn khá cao. Tuy nhiên, do bị quên lãng và chiến tranh tại Việt Nam trong năm 1969 và 1972, công trình này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả khai quật tại Khu đền tháp Mỹ Sơn của các chuyên gia thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO, Pháp) trong các năm 1903 - 1904 cho thấy, hầu hết trong lòng các đền thờ đã bị xáo trộn do các cuộc săn lùng báu vật trước khi các chuyên gia tiếp cận.
Nằm trong tổng thể đó, đền A10 cũng đã bị xáo trộn trong lòng hố thiêng. Sự xáo trộn này đã làm đài thờ A10 sập xuống dưới đáy hố. Trong giai đoạn 1903 - 1904, do kỹ thuật hạn chế nên không thể nâng Linga - Yoni to lớn này lên khỏi hố thiêng. Đồng thời, khi tiến hành vệ sinh và khai quật dưới lòng hố, các mảnh đá chèn Linga - Yoni rất chặt nên việc nâng những khối đá còn lại của đài thờ dưới lòng hố lên là điều không thể thực hiện được.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Pa Trần Kỳ Phương, đài thờ đền A10 và A1 ảnh hưởng từ đài thờ Mỹ Sơn E1, nhưng trang trí đơn giản hơn. Đó là do quá trình thay đổi về kiến trúc đền trong giai đoạn thế kỷ VIII đến nửa sau thế kỷ IX, từ kiến trúc đền mở chuyển sang kiến trúc đền đóng. Được biết, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đang xúc tiến lập hồ sơ đề nghị các cấp thẩm quyền công nhận Linga - Yoni liền khối, có kích thước 2,24m x 1m68 vừa phát hiện tại Khu đền tháp Mỹ Sơn là bảo vật quốc gia. Nếu được công nhận thì đây sẽ là bảo vật quốc gia thứ 2 tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Bức trang trí dưới chân đài thờ A10 |
Trước đó, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận tượng Mukhalinga ở Khu đền tháp Mỹ Sơn là bảo vật quốc gia. Hiện vật này được phát hiện vào tháng 11/2012, sau một trận mưa lớn, cách đền E4 khoảng 10m về phía Đông. Mukhalinga làm từ khối đá sa thạch màu vàng nâu, các hạt liên kết to và đường vân lạ mắt. Mukhalinga là hiện vật duy nhất được phát hiện ở Việt Nam, mô tả về nguyên lý luân hồi của vũ trụ trong văn hóa Chăm Pa.
Tượng Mukhalinga có niên đại khoảng thế kỷ VII - VIII, cao 126,5cm gồm 3 phần: trụ tròn, bát giác, vuông. Trong đó, phần vuông dưới cùng là thần Brahma, tượng trưng cho sự sinh thành; phần bát giác ở giữa là thần Vishnu, tượng trưng cho sự tồn tại; phần trụ tròn trên cùng là thần Shiva, tượng trưng cho sự hủy diệt.
Quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp
Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng đường kính khoảng 2km, bao quanh bởi đồi núi. Đây được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Theo các nhà khoa học, Khu đền tháp Mỹ Sơn được xây dựng vào thế kỷ IV và được xây dựng bổ sung các đền tháp qua nhiều thế kỷ. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương quốc Chăm Pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm Pa hay hoàng thân, quốc thích.
Sau thời gian dài chìm trong lãng quên, đến năm 1885, khu đền tháp này mới được phát hiện. Tháng 12/1999, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Khu đền tháp Mỹ Sơn là quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chăm Pa và được chia làm 6 loại: phong cách cổ, Hòa Lai, Đồng Dương, Mỹ Sơn, PoNagar và phong cách của người dân Bình Định.
Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại đây đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các chuyên gia EFEO chia các công trình kiến trúc ở Khu đền tháp Mỹ Sơn ra làm 10 nhóm chính: A, A’, B, C, D, E, F, G, H, K và đặt tên cho mỗi công trình theo kiểu ghép chữ cái và số. Theo ông Phan Hộ, việc khai quật và phát lộ đền A10 nằm trong dự án trùng tu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn giữa Việt Nam và Ấn Độ được thực hiện từ năm 2015 - 2021 với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Ấn Độ tài trợ 50 tỷ đồng.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam cùng với 100 công nhân lành nghề đã miệt mài làm việc, đến nay đền A10, A11, A8 và tường bao sắp hoàn thành. Các đền tháp còn lại thuộc nhóm A sẽ tiếp tục được trùng tu trong năm 2021. Nhóm A rộng gần 3.000m2, là trung tâm của Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, được bao bọc bởi tường gạch dày hơn 1m. Đây là khu đền tháp còn nguyên vẹn nhất trong quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Được biết, trong đợt trùng tu nhóm H, K vào năm 2017, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam phát hiện một con đường cổ và bờ tường dẫn chìm trong lòng đất. Các chuyên gia nhận định đây là tuyến đường ngày xưa được dùng cho hoàng gia và các chức sắc tôn giáo đi lại trong mỗi dịp vào khu đền tháp để hành lễ.
Ngoài ra, các chuyên gia còn tìm thấy nhiều hiện vật giá trị như: 2 tượng đá mình người, đầu sư tử cùng các chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung được chôn lấp dưới các chân tháp cổ. Các chuyên gia xác định các hiện vật này có niên đại trùng với thời kỳ xây dựng tháp K, tức là khoảng thế kỷ XI - XII.