Bộ Công an đang tiến hành tổng kết Chương trình Phòng chống ma túy đến năm 2020. Xin ông cho biết những kết quả trong việc thực hiện Chương trình này?
- Trong thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến hết sức phức tạp. Sau khi Chương trình Phòng chống ma túy đến 2020 được ban hành, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia, các bộ, ngành, đoàn thể đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Chương trình.
Tính từ 2017 đến tháng 6/2020, các lực lượng phòng, chống ma túy trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ 81.419 vụ với 124.167 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ trên 20,4 tấn ma túy các loại, 4,2 triệu viên ma túy tổng hợp và trên 13 tấn hóa chất, tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp, tăng gần 11% cả về số vụ và số đối tượng bị bắt giữ và tăng gần 70% về số lượng ma túy bị thu giữ so với giai đoạn trước.
Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đạt hiệu quả; về cơ bản đã kiểm soát, ngăn chặn được tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp và trồng cây có chứa chất ma túy ở trong nước. Từ 2017 đến nay lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá được 172.391m2 diện tích trồng, tái trồng các loại cây có chứa chất ma túy.
Công tác cai nghiện có những bước đổi mới, đã huy động được sự tham gia của xã hội đối với việc cai nghiện ma túy tự nguyện. Trong gần 4 năm thực hiện Chương trình, cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 162.225 lượt người tại cơ sở cai nghiện, tăng hơn 10% số lượt người cai nghiện so với cả 5 năm giai đoạn trước.
Chương trình điều trị bằng thuốc Methadone được triển khai nhanh, trong phạm vi rộng và hiệu quả rõ rệt, tận dụng được cơ sở vật chất, cán bộ để thực hiện nhiệm vụ; đã xây dựng được chính sách hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy không ngừng được tăng cường và mở rộng, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ma túy xuyên quốc gia ngay từ địa bàn biên giới và cửa khẩu.
Đại tá Vũ Văn Hậu |
Vậy có mục tiêu nào Chương trình Phòng chống ma túy đến năm 2020 đặt ra mà chúng ta chưa hoàn thành không, thưa ông?
- Trong số 7 nhóm mục tiêu Chương trình Phòng, chống ma túy đến năm 2020 đã đề ra, chúng ta đạt 5 mục tiêu và chưa đạt 2 mục tiêu. 5 mục tiêu đạt liên quan đến công tác tuyên truyền, phát hiện, xử lý số vụ phạm tội về ma túy, giảm diện tích cây có chứa chất ma túy...
Tuy nhiên, 2 mục tiêu chưa đạt liên quan đến giảm người nghiện, giảm xã, phường, thị trấn có ma túy. Có thể nói, quá trình xây dựng Chương trình đã đề ra mục tiêu cao, chưa lường trước diễn biến phức tạp của tình hình ma túy; khả năng đáp ứng của các nguồn lực thực hiện chương trình chưa bảo đảm.
Tại các địa phương, công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở cũng chưa được quan tâm chỉ đạo và đầu tư nguồn lực thỏa đáng; chưa có giải pháp cụ thể, tích cực để thực hiện xã hội hóa công tác phòng chống ma túy.
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, chúng ta đang thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Trung bình hằng năm chúng ta phát hiện trên 20.000 vụ, bắt giữ trên 30.000 đối tượng, số lượng ma túy thu giữ năm sau cao hơn năm trước; đặc biệt năm 2019, con số kỷ lục lượng ma túy thu giữ được bằng 10 năm trước cộng lại.
Về giảm cầu, mấu chốt là giảm người nghiện, người sử dụng ma túy, tuy nhiên chúng ta đang gặp khó khăn ở vấn đề này, trung bình mỗi năm số người nghiện tăng khoảng 5%. Người nghiện là nguồn cơn của những phức tạp, nhức nhối trong xã hội, gây ra nhiều hệ lụy hết sức nặng nề.
Giảm hại lớn nhất mà chúng ta chưa làm được là giảm hại cho xã hội, tương lai giống nòi sẽ bị thoái hóa, ảnh hưởng nặng nề đến từng gia đình, an ninh, an toàn trật tự xã hội...
Chúng ta có sự lúng túng cả về nhận thức và cách làm liên quan đến vấn đề cai nghiện, xác định tình trạng nghiện, nhất là nghiện ma túy tổng hợp, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn hình thức, tốn kém, chưa đạt hiệu quả... Do đó, cần phải có cái nhìn thẳng thắn trong vấn đề cai nghiện và quản lý người nghiện trong thời gian tới.
Ông có cách nhìn nhận hay giải pháp nào cho cuộc chiến ma túy trong giai đoạn tiếp theo?
- Theo tôi, tội phạm ma túy thực chất là tội phạm kinh tế, do đó đấu tranh với loại tội phạm này cần đánh vào mục tiêu cao nhất là kinh tế, xử lý, truy thu nguồn tài chính, tài sản do phạm tội mà có của tội phạm ma túy. Dùng chính các nguồn lực tài chính đó để hỗ trợ cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng như thu ô tô, tiền, bất động sản…
Chúng ta nên có cách tiếp cận mạnh dạn như thế, cần tính toán “đòn kinh tế” trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy. Chúng tôi cho rằng tội phạm ma túy rất liều lĩnh, có khi không sợ mất mạng bằng mất tiền. Cần điểm vào “huyệt” đó của tội phạm ma túy, cần có 1 văn bản dưới luật để xử lý việc này.
Ngoài ra, việc phối hợp giữa các lực lượng công an, biên phòng, hải quan, cảnh sát biển có lúc, có nơi còn theo vụ việc, đâu đó vẫn còn sự “cát cứ”, chưa đi vào chiều sâu. Để ngăn chặn từ xa ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn ngay từ biên giới, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tăng cường biện pháp nghiệp vụ cùng hệ thống các giải pháp, lớp lang ngăn chặn.
Bên cạnh đó, cá thể hóa trách nhiệm của từng lực lượng từ Trung ương đến địa phương, cấp ủy, chính quyền trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy và công tác cai nghiện.
Chúng tôi đang tổng hợp các ý kiến, qua đó sẽ tham mưu cho Chính phủ và UBQG phòng, chống ma túy xây dựng Chương trình Phòng chống ma túy giai đoạn 2021-2025. Đây là Chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính quyết định đối với công tác phòng chống ma túy giai đoạn mới, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc huy động nguồn lực tại chỗ cho việc triển khai thực hiện các dự án là hết sức quan trọng. Bên cạnh nguồn vốn từ Trung ương, các địa phương cần tích cực huy động tổng thể các nguồn lực, quan tâm ưu tiên đầu tư, bố trí, bổ sung thêm kinh phí từ nguồn ngân sách tại chỗ cho công tác phòng chống ma túy, tổ chức xã hội hóa công tác phòng chống ma túy, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho công tác này, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phụ thuộc hoàn toàn vào Trung ương.
Xin cảm ơn ông!
Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy đang được Bộ Công an soạn thảo, xin ý kiến đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện: Cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập hay ngoài công lập đều thực hiện bằng một chính sách xã hội hóa chung, không phân biệt. Nhà nước bảo đảm kinh phí đối với các dịch vụ cơ bản, cho tất cả mọi người tự nguyện cai nghiện.
Đồng thời khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện sẽ huy động được nguồn lực của xã hội trong công tác cai nghiện, giảm chi ngân sách cho công tác này. Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ để thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Người nghiện ma túy có nhiều lựa chọn hơn, chế độ, chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội, tái hòa nhập lại cuộc sống xã hội.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các bộ, ngành đặt ra trong Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Công an đang chủ trì xây dựng.