Các ý kiến tại diễn đàn đã làm rõ bức tranh tổng thể về thực trạng, cơ hội, thách thức đối với công tác đào tạo nghề cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay và thống nhất về quan điểm, định hướng, giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Thanh Mẫn cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, tuyển sinh học nghề cả nước đạt trên 11 triệu người, trong đó hơn 22,3% theo học trung cấp, cao đẳng, chủ yếu là đối tượng thanh niên.
Lao động qua đào nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.
|
Toàn cảnh diễn đàn |
Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn được chú trọng; giai đoạn 2011 - 2020, cả nước có gần 4,6 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách, trong đó, khoảng 57,3% là thanh niên. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp có việc làm tăng lên, năm 2020 đạt khoảng 85%. Chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam xếp thứ 102/141 quốc gia, đây là mức tăng xếp hạng cao nhất trong các quốc gia ASEAN.
Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề chỉ có 19% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 24,1%. Lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế. Cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý về trình độ, ngành nghề, vùng miền, tâm lý thanh niên. Một số ngành nghề, kỹ năng của người học chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng với nhu cầu kỹ năng của người sử dụng lao động.
Dự báo về nhu cầu lao động thanh niên chưa thực sự sát với nhu cầu thị trường lao động và doanh nghiệp; đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức… Đáng chú ý, do tác động nặng nề của dịch Covid-19 dẫn đến nhiều thanh niên mất việc làm hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 8,48%, tăng 0,52%.
Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều đột phá về công nghệ dẫn tới chuyển dịch cơ cấu lao động, các hệ thống tự động dần thay thế lao động thủ công, ảnh hưởng đến việc làm của lao động kỹ năng…
Thực tế đó đòi hỏi phải nghiên cứu và có những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trước tình hình đó, ông Mẫn đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, địa phương nghiên cứu, đưa ra những giải pháp hiệu quả, chuyển các ý tưởng, lời nói thành hành động với kết quả cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Bộ LĐ-TB-XH và Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện thật tốt và giám sát thực hiện về đào tạo nghề cho lao động trẻ; đồng thời nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, những chính sách đột phá để đẩy mạnh đào tạo nghề, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Mẫn đề nghị.
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trước đây có quan niệm “một nghề thì sống, đống nghề thì chết” nhưng bây giờ các bạn trẻ cần thường xuyên thay đổi, cập nhật ngay trong nghề của mình mà còn phải sẵn sàng “nhảy nghề”. Điều này đặt ra cho hệ thống giáo dục và giáo dục nghề nghiệp nói riêng phải luôn đổi mới, nâng cao kỹ năng, tay nghề của người lao động.
Theo Phó Thủ tướng, công tác giáo dục nghề nghiệp thời gian qua đã có tiến bộ vượt bậc, tập trung hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn thẳng vào những bất cập, hạn chế trong giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam với vị trí còn thấp trên thế giới.
Thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp phải tạo sự liên thông hai chiều giữa học văn hóa và học nghề ngay từ bậc phổ thông, bảo đảm bình đẳng cho tất cả những người có nhu cầu học tập nghề nghiệp, văn hóa; tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ thông tin, nhằm hình thành và chia sẻ học liệu mở.
Bên cạnh đào tạo nghề nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng việc thúc đẩy các mô hình học tập suốt đời có vai trò rất quan trọng để mỗi cá nhân được phát triển toàn diện, thực sự trở thành một nhân tố hữu ích cho cộng đồng, xã hội, đất nước và hướng tới công dân toàn cầu.