Cần có quy định về thời hạn biệt phái Chấp hành viên

(PLO) - Chủ trương biệt phái Chấp hành viên (CHV) thời gian qua đã thể hiện được tính đúng đắn và hiệu quả khi kịp thời đáp ứng được sự thiếu hụt về nhân lực và giải quyết án tồn đọng tại một số cơ quan THADS. Song, đến nay vẫn chưa có quy định về thời hạn biệt phái CHV, thiếu cơ chế hỗ trợ CHV biệt phái, điều này phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết công việc của CHV.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công tác biệt phái CHV là chủ trương đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, góp phần đáp ứng kịp thời sự thiếu hụt về nhân lực tại một số cơ quan THADS. Đối với các địa phương có lượng án lớn, việc biệt phái CHV góp phần tích cực giải quyết lượng án tồn đọng bởi nếu chỉ có nội lực CHV các cơ quan THADS ở địa phương không thể đáp ứng yêu cầu, do lượng án tồn đọng lớn, lượng án phát sinh mới lại có chiều hướng gia tăng. 

Phần lớn các Chi cục có CHV biệt phái đều có lượng án lớn, các CHV biệt phái đã làm tốt công tác phối hợp với CHV trong đơn vị phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vừa làm nhiệm vụ tổ chức thi hành án, chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm nghiệp vụ với cán bộ, công chức trong đơn vị. Đồng thời tham mưu tốt cho lãnh đạo Chi cục trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý và phân công tổ chức thi hành án; tham mưu xây dựng và thực hiện kế hoạch rà soát phân loại án, xử lý vật chứng, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo… để đạt kết quả tốt hơn.

Các CHV biệt phái đã có quá trình, kinh nghiệm làm nhiệm vụ CHV ở địa phương nên khi được biệt phái, họ phát huy được hiệu quả công tác ở môi trường làm việc mới, có đóng góp tích cực, hiệu quả cho Chi cục nơi biệt phái. Thông qua thực hiện nhiệm vụ biệt phái, các CHV còn có điều kiện trao đổi nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm để vận dụng vào thực tiễn công tác sau này. Đến nay, có nhiều CHV sau khi hoàn thành nhiệm vụ biệt phái trở về địa phương công tác đã trưởng thành, tiến bộ về mọi mặt. Không những vậy, lãnh đạo các cơ quan THADS ở địa phương tiếp nhận biệt phái còn có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành việc tổ chức thi hành án.

Tuy nhiên, công tác biệt phái CHV cũng gặp một số tồn tại, vướng mắc như vẫn còn có cơ quan THADS chưa nhận thức được đúng đắn và đầy đủ về chủ trương biệt phái nên có lúc không muốn tiếp nhận hoặc chỉ muốn điều động về những người có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt. Thời điểm kết thúc nhiệm vụ biệt phái CHV không vào dịp cuối năm nên khó khăn trong việc bàn giao hồ sơ. 

Năng lực, trình độ các CHV không đồng đều, các CHV biệt phái khi nhận nhiệm vụ mới phải mất thời gian làm quen địa bàn, tiếp cận hồ sơ công viêc ở đơn vị mới. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có quy định thời hạn biệt phái nên đơn vị thường biệt phái công chức có thời hạn từ 1 năm trở xuống nên các CHV chủ yếu giải quyết loại việc có tính chất đơn giản, không trực tiếp tổ chức thi hành nhiều vụ việc lớn, tính chất phức tạp nhằm tránh phát sinh vi phạm có khiếu nại, tố cáo. Một số CHV công tác ở địa phương có số lượng án ít, khi biệt phái làm nhiệm vụ ở những nơi có số lượng án nhiều, nhiều vụ việc phức tạp thường dễ bị áp lực trong công việc.

Do điều kiện công tác xa gia đình, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sự hỗ trợ của địa phương còn mức độ, chế độ chính sách đối với công chức biệt phái chưa có nên CHV biệt phái đôi khi chưa tập trung và phát huy năng lực một cách tối đa, phần nào ảnh hưởng đến kết quả công tác.

Để phát huy và nâng cao hiệu quả công tác biệt phái CHV, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương biệt phái CHV từ địa phương có số lượng án ít đến địa phương có số lượng án thụ lý nhiều, còn thiếu số lượng CHV để hỗ trợ giải quyết án hiệu quả. Các cơ quan THADS có CHV biệt phái cần tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, cấp ủy chính quyền địa phương, Trưởng Ban chỉ đạo THADS về công tác biệt phái công chức.

Lãnh đạo cơ quan THADS cần phân công nhiệm vụ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi và có sự đồng thuận nhất trí cao giữa CHV biệt phái và CHV, công chức ở địa phương để phối hợp, trao đổi học tập kinh nghiệm, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bố trí công chức biệt phái có năng lực, nhiều kinh nghiệm thực tiễn hỗ trợ các địa phương có lượng án lớn, nhiều vụ việc phức tạp đồng thời quan tâm nắm bắt tâm tư nguyện vọng, thường xuyên động viên tư tưởng, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để công chức biệt phái an tâm công tác, phát huy được năng lực, sở trường của bản thân, hoàn thành tốt các nhiệm vụ. 

Đọc thêm