Cần đầu tư hạ tầng để phát huy tiềm năng du lịch vùng ĐBSCL

(PLO) - Đó là thông tin được nhiều chuyên gia trình bày tại Hội nghị đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường niên lần thứ 5 (MekongInvest 2017) với chủ đề “Thu hút đầu tư hạ tầng – nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL” diễn ra tại Cần Thơ hôm qua (25/10) nhằm phát huy tiềm năng về phát triển du lịch của vùng.
Cần chú trọng đầu tư những phương tiện đường thủy an toàn, hợp vệ sinh đáp ứng nhu cầu của du khách đặc biệt là khách quốc tế
Cần chú trọng đầu tư những phương tiện đường thủy an toàn, hợp vệ sinh đáp ứng nhu cầu của du khách đặc biệt là khách quốc tế

Du lịch - Tiềm năng nhiều nhưng thiếu dịch vụ 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, Hội nghị là sự kiện thường niên xúc tiến đầu tư cấp vùng nhằm giới thiệu dự án đầu tư của các tỉnh, thành, quan trọng nhất là thông điệp về sự thay đổi của vùng.

Hội nghị với chủ đề  “Thu hút đầu tư hạ tầng – nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL” nhằm nhấn mạnh vai trò mang tính quyết định của giao thông, logistics, khu công nghiệp, đô thị đối với kinh tế của vùng. Đồng thời, mong muốn có nhiều đầu tư vào du lịch, cũng như đầu tư vào những lĩnh vực khác cho phát triển kinh tế của vùng.

Ông Phạm Thế Triều, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết, trong 8 tháng đầu năm, du lịch ĐBSCL tăng trưởng hàng năm hơn 10% trên cả 3 tiêu chí (lượng khách, lưu trú, doanh thu), đặc biệt là hạ tầng phát triển du lịch ngày càng được đầu tư, các doanh nghiệp du lịch ngày càng phát triển. Năm 2016, ĐBSCL đón 28 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế; 8,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 900 nghìn khách quốc tế, doanh thu đạt 15 nghìn tỷ đồng. 

Ông Triều cho biết thêm, theo quy hoạch phát triển du lịch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, ĐBSCL đón 34 triệu lượt khách, doanh thu đạt 25 nghìn tỷ đồng; đến năm 2030 đón 52 triệu lượt khách, doanh thu đạt 111 nghìn tỷ đồng. Năm 2020 toàn vùng có 53 nghìn phòng và năm 2030 có 100 nghìn phòng khách sạn, trong đó từ 3 – 5 sao, chiếm 30%.

Nhưng hiện ĐBSCL mới chỉ có khoảng 60 khách sạn từ 3 – 5 sao với hơn 8.000 phòng, tập trung chủ yếu ở Phú Quốc và Cần Thơ. So với quy hoạch, cơ sở lưu trú thiếu trầm trọng, khu vui chơi giải trí lớn chỉ có 2 điểm là Vinpearl Phú Quốc và Nhà Mát Bạc Liêu, chưa có nhiều điểm dừng chân lớn (chỉ có một điểm dừng chân Mekong Tiền Giang Reststop), chưa có trung tâm ẩm thực kết hợp giải trí tổng hợp có quy mô lớn và trung tâm mua sắm tầm cỡ thu hút khách du lịch.

So với quy hoạch, cơ sở lưu trú thiếu trầm trọng, chưa có nhiều khu vui chơi giải trí và điểm dừng chân lớn, chưa có trung tâm ẩm thực kết hợp giải trí tổng hợp có quy mô lớn và trung tâm mua sắm tầm cỡ thu hút khách du lịch. “Tiềm năng phát triển du lịch ĐBSCL hướng tới là rất lớn nhưng với sự thiếu hụt về cơ sở dịch vụ phục vụ vui chơi giải trí và cơ sở lưu trú hiện hữu, các loại hình dịch vụ này hiện nay ở ĐBSCL như mảnh đất hoang cần được khai phá để phát triển và làm giàu...”  - ông Triều nói. 

Hạ tầng “bài toán” giúp phát triển du lịch 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL kiến nghị, Trung ương và các công ty hàng không có cơ chế để Cảng hàng không Cần Thơ mở thêm các đường bay nội ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một số chuyến bay quốc tế có thị trường khách du lịch đến ĐBSCL. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển thêm đường cao tốc tại ĐBSCL, cho cơ chế đặc thù đầu tư phát triển du lịch vào ĐBSCL... 

Cùng nhận định trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ĐBSCL là vùng sông nước có rất nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển du lịch, nhưng cũng chính là bất lợi trong kết nối phát triển. Đáng lý đường thủy của vùng được đẩy mạnh phát triển nhưng thực tế chỉ phát triển đường bộ mà quên đi đường thủy... 

Ông Hiếu đề xuất, cần có chính sách để phát triển kinh tế của vùng đồng bộ để phát triển. Quan tâm đầu tư phát triển đường bộ, đường hàng không; phương tiện để di chuyển kể cả những vấn đề xây dựng cầu đường nhiều hơn, đặc biệt là chú trọng giao thông đường thủy. Trong đó, chú trọng đầu tư những phương tiện đường thủy an toàn, hợp vệ sinh đáp ứng nhu cầu của du khách đặc biệt là khách quốc tế. Song song đó, là đầu tư cơ sở hạ tầng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí phải đảm bảo, đặc biệt quan tâm là vấn đề đẩy mạnh thương hiệu của du lịch. 

Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, hạ tầng để phát triển du lịch tại ĐBSCL đầu tiên phải nói đến giao thông. Trong đó, việc thiếu đường bay đã làm giảm hiệu quả hoạt động du lịch của vùng. “Khách du lịch từ Hải Phòng muốn đến An Giang tham quan phải lên Hà Nội, rồi bay vào Cần Thơ, sau đó mới đi An Giang. Nếu có đường bay thẳng Hải Phòng – Cần Thơ thì khách du lịch đến An Giang chắc chắn sẽ nhiều hơn” – ông Nam nói. Ngoài ra ông Nam đề xuất, việc phát triển hệ thống đường thủy sẽ mang lại hiệu quả cho du lịch đặc thù của vùng sông nước ĐBSCL bởi hiện nay giao thông thủy của vùng còn thiếu kết nối, thiếu tuyến, thiếu tàu, thiếu bến tàu du lịch… 

Tại hội nghị MekongInvest 2017, các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL giới thiệu và mời gọi đầu tư 78 dự án với tổng số tiền mời gọi đầu tư hơn 157 ngàn tỷ đồng. Cụ thể có 33 dự án thuộc nhóm bất động sản và du lịch với tổng vốn gần 7.800 tỷ đồng và 45 dự án khác liên quan đến các ngành nông nghiệp, công nghiệp, chế biến, chế tạo, hạ tầng logistic với tổng vốn dự kiến 150.000 tỷ đồng.

Đọc thêm