Cần kết hợp nhiều biện pháp ngăn chặn thủ đoạn lừa đảo việc làm dịp Tết cận kề

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong mùa dịch bệnh khó khăn hiện nay, các đối tượng lừa đảo đã thực hiện nhiều chiêu trò tuyển dụng online với lời mời gọi “việc nhẹ lương cao” để tìm kiếm các con mồi cả tin.
Cần kết hợp nhiều biện pháp ngăn chặn thủ đoạn lừa đảo việc làm dịp Tết cận kề

* Cận Tết, cảnh giác với “bẫy” lừa đảo tin nhắn việc làm qua iMessage trên iPhone

Từ góc độ pháp lý, các chuyên gia khuyến cáo cần kết hợp nhiều biện pháp để đem lại hiệu quả cao nhất, ngăn chặn được tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong đời sống, xã hội.

Nở rộ tin nhắn lừa đảo việc làm

Báo Pháp luật Việt Nam từng phản ánh, sau một thời gian vắng bóng, gần đây, người dùng iPhone tại Việt Nam liên tục nhận được những tin nhắn quảng cáo, giới thiệu việc làm với mức thu nhập cực kỳ hấp dẫn, gửi trực tiếp tới số điện thoại cá nhân.

Những nội dung tin nhắn này giống hệt nhau, trong đó có đính kèm đường link hoặc tài khoản Zalo để người nhận có thể tham gia. Những tin nhắn được gửi từ nhiều địa chỉ email khác nhau, đây là những email đăng ký trên iMessage của điện thoại iPhone để spam tin nhắn quảng cáo, tin nhắn rác… qua iMessage vốn được cho là tương đối dễ thực hiện nhưng lại khó có thể ngăn chặn.

Tin nhắn gửi đến thường có nội dung: “Xin chào, có phải bạn đang muốn tìm công việc không? Với mức lương là 6tr-36tr mỗi tháng với công việc hoàn toàn hợp pháp và đảm bảo thu nhập. Mỗi ngày bạn nhận thấp nhất 800k, kiếm tiền tại nhà đơn giản. zalo.me/84354740713. Dưới 23 tuổi vui lòng không liên hệ tham gia. Nếu như bạn có nhu cầu vui lòng liên hệ zalo ID Dịch vụ 1 với 1:84354740713”.

Hay những tin nhắn mạo danh sàn thương mại điện tử tuyển dụng nhân sự cũng được gửi liên tục đến điện thoại của nhiều người với nội dung: “Xin chào, mình là giám đốc marketing của Tiki, hiện tại cửa hàng Tiki cần tuyển số lượng lớn nhân viên chuyên đặt hàng để nâng cao số lượng giao dịch và thứ hạng của cửa hàng.

Chỉ cần có kinh nghiệm mua sắm trực tuyến, mỗi ngày bạn có thể dễ dàng kiếm 800.000 đồng bằng điện thoại di động và tiền lương sẽ được quyết toán ngay trong ngày. Nếu bạn muốn tham gia công việc này vui lòng add tài khoản Zalo của giám đốc marketing: 84845400801. Hiện tại chỉ còn 30 suất duy nhất, chỉ trong ngày hôm nay!”.

Theo thông tin liên hệ Tiki được biết, hiện nay Tiki không hề áp dụng cách thức gửi tin nhắn tuyển dụng đến số điện thoại cá nhân của khách hàng. Đây hoàn toàn là do một bên thứ 3 mạo danh Tiki để thực hiện với mục đích xấu. Khách hàng nên cảnh giác và tỉnh táo trước chiêu trò mạo danh lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm của các đối tượng này.

Công an TP Hà Nội vừa qua cũng đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online. Theo cơ quan Công an, nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.

Thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh nhân viên của công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada… và đăng tải thông tin quảng cáo tìm công tác viên bán hàng online trên mạng xã hội. Sau đó các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước cho công ty sau đó sẽ nhận lại được tiền gốc cộng thêm chiết khấu. “Mồi nhử” mà bọn chúng đưa ra rất hấp dẫn như với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10-20%…

Nhiều người do không nhận thức được các chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng đã đăng ký làm cộng tác viên bán hàng. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền cho công ty, cộng tác viên sẽ không nhận được lại tiền.

Theo Đại tá, Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), chúng ta không khó để có thể bắt gặp những tin tức tuyển dụng cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội với mức chiết khấu hậu hĩnh. Vì vậy, mgười dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác khi tiếp nhận các thông tin tuyển dụng trên trang mạng xã hội, bởi có thể ẩn đằng sau đó là một kế hoạch lừa đảo có tổ chức.

Loại đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội qua nhiều giai đoạn, hết sức công phu và thủ đoạn rất tinh vi. Trước hết, chúng lập các hội nhóm trên mạng xã hội, thành lập công ty, mạo danh các sàn thương mại điện tử uy tín và tiến hành “mua bán” bình thường trong vòng một vài ngày đầu nhằm tạo sự tin tưởng cho cộng tác viên. Sau đó, khi các “cộng tác viên” đã vào tròng thì lúc này mới thực hiện hành vi lừa đảo, đặt đơn hàng lớn, yêu cầu đặt cọc cho công ty số tiền lớn rồi chiếm đoạt.

Thủ đoạn lừa đảo này được nhân rộng ở các tỉnh, thành phố khác nhau thông qua mức độ lan truyền, phổ biến rộng rãi của các phương tiệnthông tin đại chúng và nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin. Nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.

Người dân cần phải cảnh giác cao độ khi gặp những trường hợp tuyển cộng tác viên bán hàng như vậy, khi mà các trang thương mại điện tử đã là một kênh trung gian mua sắm hiệu quả, tại sao lại cần một bên trung gian khác? Tại sao lại có mức chiết khấu cao đến như vậy? Và lại phải gửi tiền mua hàng trước cho chúng?

Kết hợp nhiều biện pháp để ngăn chặn

Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, kinh tế đang khó khăn, hành vi của các đối tượng lừa đảo này là vi phạm quy định pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây mất an toàn an ninh và trật tự xã hội.

Do đó, cần thiết phải có những biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội để đảm bảo an ninh và duy trì trật tự xã hội, loại bỏ tội phạm ra khỏi đời sống người dân. Thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân bằng những biện pháp nghiệp vụ, chuyên môn của mình đã truy bắt được số lượng lớn những đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng.

Tuy nhiên, số đối tượng chưa bị phát hiện và xử lý vẫn còn lớn hơn như thế và vẫn đang hoạt động trên cả nước ta. Do đó, cần thiết có sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và người dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản này.

Luật sư Lê Ngọc Khánh phân tích, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì đối tượng thực hiện hành vi nêu trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Với số tiền lớn đến hàng trăm tỷ đồng, cùng với các tình tiết định khung theo Điều 174 là “phạm tội có tổ chức”, “có tính chất chuyên nghiệp” và “dùng thủ đoạt xảo quyệt” thì các đối tượng này có thể phải chịu mức hình phạt theo khoản 4 điều này, mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Bên cạnh các biện pháp phối hợp truy vết tội phạm nêu trên, Nhà nước cũng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về loại tội phạm này để răn đe cũng như ngăn chặn những thành phần đang có ý định thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.

Các cơ quan truyền thông và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, xảo quyệt của loại tội phạm này; kết hợp nhiều biện pháp để đem lại hiệu quả cao nhất, ngăn chặn được tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong đời sống, xã hội.

Đọc thêm