Cần lập nghiệp đoàn cho ngư phủ

Nhiều chủ tàu cất nhà lầu, tậu siêu xe... là nhờ vào ngư phủ, tài công thật thà, giỏi giang, đặc biệt là trung thành. Cũng không ít chủ tàu lâm nợ, thậm chí phá sản bởi gặp phải ngư phủ gian dối.  

Lao động thời vụ cho tàu đánh cá cung không đủ cầu. Ngành chức năng không quản lý, kiểm soát thiếu chặt chẽ. Những yếu tố đó khiến những ông chủ tàu đánh cá lắm lúc ngồi nhìn con nước cuốn trôi hàng trăm triệu vì tàu không có ngư phủ...Nhiều chủ tàu cất nhà lầu, tậu siêu xe... là nhờ vào ngư phủ, tài công thật thà, giỏi giang, đặc biệt là trung thành. Cũng không ít chủ tàu lâm nợ, thậm chí phá sản bởi gặp phải ngư phủ gan dối. 

Ngư phủ được xem là một trong những nghề rất vất vả!
Vòng luẩn quẩn
Sông Đốc là cửa biển lớn nhất ở Cà Mau, tập trung trên 1.300 tàu cá (chưa tính tàu nơi khác đến), trong đó có khoảng 70% tàu khai thác xa bờ. Với lượng tàu nêu trên, chính quyền địa phương cho biết cần khoảng 15.000 ngư phủ. Toàn thị trấn có khoảng 8.000 hộ (gần 40% hộ tạm trú) với trên 35.000 khẩu, trong đó nam giới trong độ tuổi lao động chưa tới 10.000 người. Sự chênh lệch lớn giữa cung - cầu trong lao động nghề biển khiến ngành nghề này đang thiếu lao động trầm trọng.
Sau cơn bão số 5 năm 1997, nhiều tàu cá ở Cà Mau bị chìm, hư hỏng nặng được Chính phủ hỗ trợ vay tiền tu sửa, đóng mới công suất lớn, cần nhiều lao động. Trong khi đó, cơn bão ấy làm chết rất nhiều ngư dân Cà Mau, một số sống sót, “ngán” biển, bỏ nghề, khiến thị trường lao động nghề này mất cân đối. Từ đó làm phát sinh nhiều hệ lụy, trong đó có tình trạng ngư phủ lừa mượn tiền rồi giựt của chủ tàu cá.
Anh Nguyễn Chí Hải - người có trên 20 năm làm công cho các tàu cá ở Sông Đốc - tiết lộ: “Đáng thương nhất là những chủ tàu làm ăn kém hiệu quả, phải vay tiền đứng, tiền ngồi để ra khơi nhưng làm thất bại liên tục, ngư phủ không chịu theo ghe.
Họ vay tiền nhiều nơi rồi chiêu mộ, thậm chí dùng nhiều cách để lôi kéo ngư phủ từ tàu khác về làm cho tàu mình. Muốn vậy, họ phải ăn chia nhiều hơn, cho mượn tiền nhiều hơn mới có đủ người ra khơi. Càng làm vậy, họ càng tạo điều kiện để ngư phủ có cơ hội giựt nợ”. Tuy nhiên, chuyện lôi kéo người đối với chủ tàu là chuyện tế nhị, dù biết nhưng sợ đụng chạm nên ít ai tiết lộ.
So với người làm công ở đất liền, làm công cho tàu cá cực và nguy hiểm. Ngư phủ chấp nhận xa gia đình, vợ con... để lênh đênh cả tháng trời trên biển, đối mặt muôn vàng hiểm nguy do thời tiết, thiên tai nhưng họ ít được quan tâm.
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc - cho rằng, ngư phủ phải được tập hợp thành một nghiệp đoàn, được đào tạo, cấp thẻ hành nghề miễn phí. Lao động trong tập đoàn này phải có một đơn vị, tổ chức chuyên trách quản lý, na ná như mô hình công ty vệ sĩ nhưng những người quản lý tổ chức này được Nhà nước trả lương.
Đơn vị quản lý lao động chịu trách nhiệm chiêu mộ người, sau cung ứng cho chủ tàu cần lao động theo hợp đồng, có sự thỏa thuận, ràng buộc về trách nhiệm, quyền lợi các bên. Làm như vậy, ngư phủ sẽ có lương cơ bản, lương ăn chia sản phẩm sau mỗi chuyến biển, có bảo hiểm; đồng thời, việc quản lý tạm vắng, tạm trú, an ninh trật tự cũng ổn định hơn.
Đào tạo và quản lý lao động nghề biển
Thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Cà Mau lồng ghép đào tạo nghề được trên 5.000 lao động tàu cá, chiếm gần 21% lao động trên tàu cá hiện có ở Cà Mau. Trong số đó có gần 1.775 ngư phủ được cấp chứng chỉ thuyền viên tàu cá, còn lại là Chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng. 
Tham gia các lớp học này, học viên được miễn học phí (khoảng 250-900 ngàn đồng/người/khóa học). Thầy dạy là cán bộ chuyên môn đến từ Trường Đại học Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh.
Theo kế hoạch năm 2012, Cà Mau dự kiến có thêm 1.575 lao động nghề biển được đào tạo nghề và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên. Trong đó đào tạo cho 100% số thuyền viên đang làm việc thường xuyên trên các tàu cá có công suất từ 20CV trở lên. Nhưng đầu năm đến nay vẫn chưa triển khai được lớp nào do nguồn vốn từ Trung ương chưa phân bổ. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết: Các lớp đào tạo này trang bị cho ngư dân kỹ năng lái tàu, tìm hiểu ngư trường khai thác, cách khắc phục, sửa chữa máy tàu khi gặp sự cố; các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động khai thác trên biển như đăng ký, đăng kiểm, mua bảo hiểm cho thuyền viên, quy định hàng hải...
Mục tiêu chung nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khai thác thủy sản; giúp ngư dân nắm vững các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá trong quá trình hoạt động. Cùng với đào tạo nghề cho ngư dân, việc chỉ đạo ngành chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát sẽ góp phần quản lý lao động tàu cá được tốt hơn.
Ngọc Long

Đọc thêm