Cần “liều thuốc mạnh” với tội phạm đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của phương thức đấu giá tài sản (ĐGTS), nhất là với tài sản của Nhà nước.
Hinh minh họa
Hinh minh họa

Luật ĐGTS 2016 ra đời là một dấu mốc quan trọng với thị trường bất động sản. Thứ nhất, đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) là phương thức giúp Nhà nước huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Thứ hai, đấu giá QSDĐ tạo cơ sở cho sự phát triển thị trường đất đai, bất động sản. Thứ ba, đấu giá QSDĐ góp phần tạo sự ổn định, sự minh bạch, công bằng xã hội trong hoạt động giao đất, cho thuê đất, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và lợi ích người sử dụng đất.

Theo số liệu Bộ Tư pháp công bố mới đây, số lượng các cuộc đấu giá QSDĐ chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các cuộc ĐGTS ở Việt Nam. Tổng giá trị các cuộc đấu giá QSDĐ chiếm trên dưới 90% giá trị các cuộc ĐGTS.

Đấu giá không còn là chuyện xa vời, là chuyện của các “đại gia”. Ở các địa phương, đi về tận thôn xã, chuyện người dân bàn chuyện đấu giá đất là điều không còn xa lạ.

Vai trò của đấu giá đất quan trọng như trên, nhưng cũng theo tổng kết của Bộ Tư pháp, hoạt động ĐGTS còn không ít tồn tại, hạn chế, bất cập: Còn tình trạng cán bộ thẩm quyền khi lựa chọn tổ chức ĐGTS đã đưa ra các tiêu chí chủ quan hướng đến DN “sân sau” của mình; cơ quan có tài sản gần như không quan tâm, “buông lỏng” khi thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát tổ chức ĐGTS thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá; không ít tổ chức ĐGTS vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá; đã xảy ra không ít vụ đấu giá “thông đồng dìm giá”, “quân xanh quân đỏ”…

Trước tệ trạng trên, cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 40/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS, trong đó yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phát hiện, đấu tranh, xử lý theo quy định pháp luật với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động ĐGTS; phát hiện, đấu tranh với các tổ chức, nhóm lợi ích cấu kết với người có thẩm quyền nhằm chi phối các cuộc đấu giá…

Dù Bộ Tư pháp đã “điểm danh” các hành vi sai phạm trong đấu giá, rồi Thủ tướng đã có chỉ đạo quyết liệt như nêu trên, nhưng thời gian qua một nhóm người thuộc một “tập đoàn” tại một tỉnh phía Nam vẫn liên tiếp có dấu hiệu thông đồng dìm giá, “quân xanh quân đỏ” trong hàng loạt cuộc đấu giá tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Phú Yên… Điều làm dư luận bức xúc hơn nữa, dù đang bị Công an Bà Rịa - Vũng Tàu xác minh, nhóm người này vẫn tiếp tục sang địa phương khác “đấu giá”.

“Tập đoàn” trên thực chất là một DN nước giải khát, mới đây bị hàng loạt người tố cáo là cho vay tiền bắt ký hợp đồng giả cách để chiếm đoạt tài sản, vì sao nay lại “lấn sân” sang lĩnh vực đấu giá đất? Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, “tập đoàn” này lợi dụng việc có cơ cấu sở hữu chéo lằng nhằng để dễ dàng bố trí “quân xanh quân đỏ”; thứ hai, được một số tổ chức tài chính, đấu giá viên và một số người khác “sắp xếp, hỗ trợ”; thứ ba, lợi dụng sự thiếu giám sát, sơ hở của những người có tài sản để “lách luật”…

Hậu quả của những cuộc đấu giá thông đồng là thất thoát tài sản Nhà nước, là tạo tâm lý khinh nhờn pháp luật, là làm mất đi ý nghĩa quan trọng của phương thức đấu giá, nguy cơ khôn lường.

Đây chính là điển hình của dạng tội phạm đã nêu rõ trong Chỉ thị 40 của Thủ tướng, là “tổ chức, nhóm lợi ích cấu kết với người có thẩm quyền nhằm chi phối các cuộc đấu giá…”. Để ngăn ngừa hậu quả từ những sự việc này, tránh nguy cơ các đối tượng xấu sẽ “học bài” nhau, hơn hết lúc nào hết, cơ quan công an cần vào cuộc điều tra xử lý nghiêm, răn đe các đối tượng có ý định phạm tội trong lĩnh vực đấu giá.

Đọc thêm