Cần một đường dây nóng cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình

 Làm thế nào để các cơ quan có trách nhiệm kiểm chứng được những sự vụ như thế này và lập tức ra tay nếu đó là sự việc có thực, nhiều chuyên gia cho rằng cần có một đường dây nóng quốc gia cho các nạn nhân bị BLGĐ giống như Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Bạo lực gia đình diễn ra ở nhiều hình thức khác nhau
Bạo lực gia đình diễn ra ở nhiều hình thức khác nhau

Những vụ án mạng gia đình thường xảy ra sau một cánh cửa mà nạn nhân thường là người yếu thế phụ nữ và trẻ em. Bạo lực gia đình (BLGĐ) đang là vấn nạn đau lòng và là hồi chuông báo động cho toàn xã hội.

“Có thể thấy một thực tế là số lượng vụ việc BLGĐ vẫn tiếp tục gia tăng và có những vụ rất nghiêm trọng bởi tính chất, hành vi ngày càng tinh vi và nguy hiểm” - ông Nguyễn Văn Tráng - Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an nhấn mạnh tại tại buổi sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống BLGĐ năm 2019 do Bộ VHTTDL tổ chức. 

Theo ông Nguyễn Văn Tráng, tổng số vụ BLGĐ hiện nay mới chỉ là số liệu trên văn bản cũng như những vụ việc mà báo chí, truyền thông và các cơ quan pháp luật đưa ra, trên thực tế ở nhiều địa bàn khu vực dân cư rất nhiều vụ BLGĐ bị “chìm xuồng” bởi chính nạn nhân im lặng và không bị dư luận phát hiện.

Căn cứ vào số liệu của Bộ Công an thì riêng đối tượng trẻ em bị xâm hại năm 2019 tăng hơn 60% so với năm 2018, đặc biệt vào các tháng cuối năm 2019 một loạt những vụ việc nghiêm trọng xảy ra như vụ việc cha dượng xâm hại tình dục con riêng ở Tây Ninh, thảm sát giết vợ và hai con ở Thanh Hóa... Khó khăn từ phía Bộ Công an cho biết chính là chưa có sự thống kê đầy đủ về số liệu và thực tế của PCBLGĐ hiện nay.

“Tình trạng BLGĐ phức tạp nhưng một số lãnh đạo địa phương đã chưa có sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này”, đại diện Cục Cảnh sát hình sự nhận định.

Nghiên cứu về chất lượng tư pháp hình sự dành cho các nạn nhân của BLGĐ ở VN năm 2015
Nghiên cứu về chất lượng tư pháp hình sự dành cho các nạn nhân của BLGĐ ở VN năm 2015

Năm 2019, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 1265/KH-BVHTTDL triển khai Quy chế phối hợp liên ngành về phòng chống BLGĐ năm 2019 gửi tới các Bộ, ngành và địa phương, đồng thời đã ban hành Quyết định số 2051/ QĐ-BVHTTDL về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành công tác gia đình và thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ tại tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên với sự tham gia của 15 thành viên đến từ các cơ quan trung ương, các Bộ, ngành. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Vụ Gia đình - Bộ VH,TT&DL thì tỷ lệ tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện Quy chế mới chỉ có 69,9%, công tác phối hợp liên ngành tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do sự chỉ đạo thiếu thống nhất từ các cơ quan trung ương chưa thực sự đồng bộ, đặc biệt trong việc triển khai các mô hình phòng chống BLGĐ và thu thập, tổng hợp thông tin, báo cáo tại cơ sở.  

Do đó, để trả lời câu hỏi: Làm thế nào để các cơ quan có trách nhiệm kiểm chứng được những sự vụ như thế này và lập tức ra tay nếu đó là sự việc có thực, nhiều chuyên gia cho rằng cần có một đường dây nóng quốc gia cho các nạn nhân bị BLGĐ giống như Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Về vấn đề này bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình cho biết, việc cần có đường dây nóng quốc gia cho nạn nhân bị BLGĐ là cần thiết, nên đề xuất này sẽ được tiếp thu để đưa vào Báo cáo sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ năm 2019, đồng thời Vụ Gia đình cũng sẽ kiến nghị để đưa ra những đề xuất, sửa đổi để thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành về phòng chống BLGĐ

58% phụ nữ Việt Nam từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo hành. Đây là kết quả nghiên cứu về bạo lực gia đình (BLGĐ) đối với phụ nữ Việt Nam do Liên hiệp quốc công bố giữa tháng 9/2019. Còn theo một báo cáo của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, từ năm 2012 đến hết 2017, cả nước xảy ra trên 139.000 vụ bạo lực gia đình.

Đọc thêm