Giữ vai trò vedette, Thanh Hằng khiến khán giả nín thở khi bước ra với điếu thuốc điện tử trên tay. Sau ý tưởng mới mẻ và “có một không hai” này, có không ít phản đối cho rằng hành động nhả khói chuyên nghiệp của Thanh Hằng đang cổ súy cho việc hút thuốc trong giới trẻ dù chỉ sử dụng thuốc lá điện tử.
Ngay sau sự cố phì phèo thuốc lá trên sâu khấu, Thanh Hằng đã bị Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TPHCM phạt 3,5 triệu đồng, tuy nhiên tiền phạt sẽ do đơn vị tổ chức chương trình phải chịu vì đây là ý đồ dàn dựng của chương trình.
Nhằm hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, cuối năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 02/2014/TT-BVHTTDL. Theo đó, việc các tác phẩm sử dụng hình ảnh có liên quan đến thuốc lá cần hạn chế ở mức tối đa. Chỉ trong một vài trường hợp cụ thể mới được phép sử dụng các hình ảnh này, tuy nhiên không được khuyến khích.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ, không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh thuốc lá; Không sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em... Thông tư đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ lãnh đạo các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cán bộ phụ trách công tác cấp phép hoạt động biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, các Trung tâm phát hành phim của 18 tỉnh phía Bắc và 20 tỉnh phía Nam.Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch để triển khai các hoạt động tăng cường thực thi các quy định của Thông tư này.
Mới đây, sau một thời gian đi vào cuộc sống, trong hội thảo “Tăng cường thực thi quy định hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh” do Vụ Pháp chế, Bộ VHTT&DL tổ chức tại TP HCM, Thông tư 02 đã được nhìn nhận, đánh giá hiệu lực thực thi để trong năm 2018 sẽ tiếp tục đề xuất điều chỉnh Thông tư cho phù hợp hơn với thực tế. Thực tế cho thấy, sau thời gian triển khai thi hành, đối với lĩnh vực điện ảnh đã hạn chế cho diễn viên sử dụng thuốc lá trong phim.
Tuy nhiên, việc hạn chế theo quy định của Thông tư mới chỉ dừng lại ở quy định đối với phim do các cơ sở sản xuất phim trong nước. Còn phim nhập khẩu, nhất là phim châu Á, cổ trang thì hiện tượng hút thuốc lá trên phim vẫn còn.
Theo PGS.TS Trần Luân Kim – Hội Điện ảnh Việt Nam thì sau một thời gian thực hiện Thông tư hình ảnh sử dụng thuốc lá trên phim ảnh đã giảm dần. Nhưng theo PGS.TS Trần Luân Kim thì nên hiểu giữa đời sống con người và đời sống tác phẩm nghệ thuật là hai cái khác nhau. Nếu xem tác phẩm như đời sống và đối xử với nó như tác phẩm thì chúng ta đang hủy hoại tác phẩm, chúng ta không thể thực hiện một cách máy móc. Hiện nay quy định chỉ sân khấu và điện ảnh là chưa đầy đủ. Truyền hình và các hình thức biểu diễn khác phải cấm mới có hiệu quả.
Nhiều quan điểm cũng cho rằng xu hướng cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc lá trong sân khấu và điện ảnh là chung trên toàn thế giới. Nhưng nếu sử dụng thuốc lá trong trường hợp làm cho người ta ghét thuốc là thì nên sử dụng. Vì thế nhà làm luật nên cân nhắc khi ra văn bản để quy định cấm phù hợp với tính linh hoạt trong sáng tạo của người nghệ sĩ… Tiếp thu các ý kiến ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết năm 2018 sẽ tiếp tục đề xuất điều chỉnh Thông tư 02 cho phù hợp hơn với thực tế để vừa tăng cường hiệu quả thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các tác phẩm điện ảnh, sân khấu, vừa tạo thuận lợi cho nghệ sĩ có thêm không gian sáng tạo nghệ thuật.