Cần nhanh chóng làm rõ thông tin tiêm vắc-xin có chi phí 1,5 triệu/2 mũi

(PLVN) -  Trước diễn biễn phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, rất nhiều người dân có nhu cầu tiêm vắc-xin. Lợi dụng tâm lý này, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin không chính thống nên người dân cần tìm hiểu kỹ để không gặp rủi ro.
Thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội.

Cụ thể, một số người dùng lan truyền thông tin từ tài khoản zalo có tên Thanhbt đăng nội dung: “Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan ngày càng nhanh, số lượng người nhiễm bệnh ngày càng cao, thời gian chuyển tình trạng nặng ngày càng ngắn gây hoang mang cho tất cả mọi người. Nhu cầu tiêm Vác (Vắc) Xin là hoàn toàn chính đáng và CHẮC CHẮN SẼ ĐƯỢC TIÊM MIỄN PHÍ nhưng tiến hành chậm quá/không biết đến khi nào”.

Người này viết: “Đối tác của anh có ủng hộ Bộ y tế 12 tỷ đợt dịch này và xin được 11000 suất tiêm Vác Xin Pfizer hoặc Mordena. Hiện tại anh xin lại được 600 suất tiêm CÓ CHI PHÍ 1.5 TRIỆU/2 MŨI. (Chi phí này được họ trao đổi là đóng góp thêm cho quỹ Vắc Xin). Hiện tại đã đăng ký trên 9000/11000 suất rồi nên mọi người ai có nhu cầu đăng ký tiêm thì đăng ký nhanh theo mẫu file đính kèm nhé”.

Không chỉ gây bất ngờ với chi phí 1,5 triệu/2 mũi vắc-xin (tính ra 600 suất đã là 450 triệu, 11.000 suất là hơn 8 tỷ đồng). Người dùng trên còn cho biết đơn vị tiêm là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương. Đáng nói số tiền đóng góp 1,5 triệu đồng lại được chuyển vào tài khoản cá nhân của một người tên Bui Thi Thanh.

Đính kèm với nội dung trên còn có tệp danh sách tiêm và đường link website một công ty. Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã vào theo link, sau đó gọi qua đường dây nóng 0916995106, thì có giọng phụ nữ trả lời.

Trước đề nghị làm rõ thông tin để đưa tin khách quan, người phụ nữ này, sau đó đã dùng zalo tên Thanhbt của số điện thoại đường dây nóng nhắn tin lại cho PV với nội dung: “k (không) có nghĩa vụ phải tiếp và trả lời các câu hỏi”, đồng thời cho biết “thông tin là nội bộ nhân viên, chứ không có chia sẻ”.

Tiếp tục liên hệ với một người tên T, nhận là đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại KVINLAND (công ty được gắn link trong bài và sử dụng cùng số điện thoại).

“Vấn đề báo chí nêu không thuộc thẩm quyền và kiểm soát của công ty. Do vậy, tôi không có ý kiến. Công ty không hoạt động lĩnh vực y dược, thiết bị y tế, không có chủ trương trên”, anh T cho hay.

Người này cũng cho biết “đã có chỉ thị và có người liên hệ với PV sớm về vấn đề trên”. Tuy nhiên đến nay PV chưa nhận được phản hồi từ phía công ty trên. Trong trường hợp nếu có cá nhân mạo danh công ty thì cũng rất cần được làm rõ.

Trao đổi với Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương, cán bộ của đơn vị này cho biết: Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương chỉ tiêm vắc-xin cho cán bộ nhân viên trong viện và không tiêm dịch vụ như báo chí đề cập.

Trước thông tin có thể gây hoang mang dư luận nói trên, PV đã chuyển nội dung cho Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) để xác minh, làm rõ.

Người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ trước các thông tin về tiêm vắc-xin được chia sẻ trên mạng xã hội (hình minh họa).

Ngày 10/6/2021, trên Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 (https://ncov.moh.gov.vn/), Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo về lừa đảo tiêm vaccine COVID-19.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua/nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng… Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau.

Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã đưa ra 6 khuyến cáo:

1. Theo khuyến cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), để tránh nguy cơ lừa đảo: Các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.

2. Các loại vaccine phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi lô vaccine phòng COVID-19 khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế kiểm soát cấp phép lưu hành; các lô vaccine nhập khẩu trước khi đưa ra sử dụng phải được Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine theo quy định. Tất cả các vaccine đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh.

3. Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vaccine để tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vaccine được tiêm chủng miễn phí cho người dân. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khi cơ quan y tế thông báo.

4. Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép.

5. Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

6. Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.

Đọc thêm