Cần sự 'bảo lãnh' của chính quyền để Nhà tạm lánh thực sự là 'bến đỗ bình yên'...

(PLO) - Phụ nữ bị bạo lực đến Nhà tạm lánh sẽ an toàn hơn. Nhưng với những bất cập về quy định pháp luật hiện nay thì sự an toàn đó kéo dài không lâu...
“Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” tại cộng đồng chính thức ra mắt ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Thường thì phụ nữ khi bị bạo lực gia đình (BLGĐ) sẽ tìm đến nhà cha mẹ, họ hàng, người quen trước khi chọn phương án Nhà tạm lánh. Nhưng thực tế cho thấy, khi đến nhà cha mẹ, họ hàng, người quen trong trường hợp này họ vẫn sẽ dễ phải đối mặt tiếp với người chồng vũ phu của mình bởi tâm lý vun vào, hòa giải của mọi người.

Bến đỗ bình yên tạm thời

Thống kê từ Vụ Gia đình – Bộ VHTT&DL cho thấy, trung bình mỗi năm, cả nước diễn ra khoảng 20.000 vụ BLGĐ. Bình quân cứ 2- 3 ngày lại có một người tử vong liên quan tới vấn nạn BLGĐ; có khoảng 80% số vụ ly hôn mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ BLGĐ. BLGĐ có nguy cơ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Khoảng 58% phụ nữ trên cả nước cho biết từng phải chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực trong đời. Số liệu từ các bệnh viện, trung tâm, phòng cấp cứu lớn trên toàn quốc cũng cho thấy sự thật nhức nhối khi có tới 27% vụ cấp cứu, 10% ca điều trị y khoa nghiêm trọng có nguyên nhân từ BLGĐ. Số nạn nhân BLGĐ tìm đến các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhờ tư vấn, hỗ trợ lên đến hàng nghìn lượt người/năm. 

Ở Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khoẻ quận Long Biên nằm trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên, TP Hà Nội) có rất nhiều nỗi niềm, sự đắng cay và những giọt nước mắt của những người phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình. Có người vợ đến Trung tâm trong trạng thái tinh thần bị hoảng loạn, cứ nhìn thấy bóng dáng đàn ông là gào lên, sợ hãi, mắt thất thần. Nguyên nhân người chồng này coi vợ là vật sở hữu, muốn khi nào thì đòi quan hệ khi đó, bất kể vợ có khoẻ mạnh, có hợp tác hay không. Theo người vợ đó là hành vi hãm hiếp chứ không phải yêu thương. Trước khi hãm hiếp vợ, anh ta còn trói, hoặc xích vợ vào chân giường làm vợ bị hoảng loạn về tinh thần, âm đạo bị loét nặng. Một người vợ khác bị chồng đánh gãy chân đến 4 lần; bị chồng vớ được bất kỳ cái gì, gặp bất kỳ bộ phận nào trên người là rạch; bị chồng xích vào chân giường; bị chồng khinh khỉnh theo kiểu sống chung nhưng như người dưng, không bỏ cũng chẳng quan tâm...

Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khoẻ quận Long Biên là một trong rất nhiều Nhà tạm lánh đang tồn tại trên cả nước nhằm giúp những người phụ nữ này có được chỗ lánh nạn khi bị bạo hành, để họ có bến đỗ bình yên tạm thời. 

Khi “bến đỗ bình yên” bị đe dọa

Khi được hỏi, nhiều nạn nhân của BLGĐ cho rằng, việc ra đời các địa chỉ tin cậy, tạm lánh là cực kỳ cần thiết vì ở đó họ sẽ an toàn hơn. Đa phần phụ nữ lúc bị đánh đập thường chạy đến nhà cha mẹ đẻ hoặc nhà hàng xóm. Mà về với cha mẹ đẻ thì thường sẽ bị đưa trả về, còn trốn ở nhà hàng xóm thì khi người chồng sang dọa nạt, sợ mang tiếng lại phải về và tiếp tục chịu đánh đập. Nhưng với những bất cập về quy định pháp luật hiện nay thì sự an toàn ở Nhà tạm lánh kéo dài không lâu. 

Cụ thể, sau hơn 10 năm Luật Phòng, chống BLGĐ có hiệu lực, đáng buồn là hiện vẫn chưa có các giải pháp khả thi để nhiều quy định của Luật thật sự đi vào cuộc sống mà Nhà tạm lánh là một ví dụ. Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL quy định, các cơ sở tạm lánh giúp đỡ nạn nhân BLGĐ không quá 03 ngày. Theo một số chuyên gia phân tích, thời gian hỗ trợ như vậy là quá ít, thiếu uyển chuyển.

Tại TP HCM, để hỗ trợ những phụ nữ bị bạo hành, đã có nhiều nhà tạm lánh được mở ra để giúp các nạn nhân lánh nạn tạm thời. Đây là những cơ sở tư nhân hoạt động mang tính chất từ thiện xã hội. Mặc dù đang trở thành địa chỉ tin cậy của những phụ nữ gặp nạn nhưng các cơ sở đang gặp rất nhiều khó khăn do những quy định hiện hành. Theo quy định, nhà tạm lánh giúp đỡ nạn nhân BLGĐ không quá 03 ngày, nhiều cơ sở đã bị phạt vì cho các nạn nhân ở quá quy định.

Ở một góc độ khác, có quan điểm cho rằng Nhà tạm lánh rất cần sự “bảo lãnh” của chính quyền để tránh việc người gây ra bạo lực xông đến tận Nhà tạm lánh để tìm nạn nhân. Vì theo bà Tạ Thị Minh Lý – Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam phản ánh, hiện chưa Tòa án nào ra quyết định cấm thủ phạm tiếp xúc nạn nhân như quy định của pháp luật; chính quyền, Công an, Hội Phụ nữ tại địa phương cũng chưa vào cuộc. Trên thực tế, chính quyền địa phương thường không muốn xác nhận để đưa nạn nhân BLGĐ đến các cơ sở hỗ trợ mà chỉ yêu cầu phải có ý kiến của chồng nạn nhân – người gây bạo lực.

Mới đây, ngày 12/9/2018, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã ra mắt mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” tại cộng đồng (địa chỉ: số 360 phố Phúc Tân, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. ĐT: 0243.8252627). Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” giúp cho nạn nhân của BLGĐ, người có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới có nơi tạm lánh khẩn cấp, cách ly với người gây bạo lực; đồng thời giúp họ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tối thiểu ban đầu về y tế, phục hồi sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản và phòng tránh bạo lực tiếp tục tái diễn. 

“Đây là mô hình mới, được thí điểm đầu tiên trên địa bàn quận và cho thấy là mô hình thiết thực nhằm nâng cao chất lượng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở cộng đồng. Qua đó, xây dựng gia đình phát triển bền vững theo các tiêu chí no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”, theo ông Phong. 

Từ mô hình Nhà tạm lánh của quận Hoàn Kiến, ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTB&XH cho rằng, mỗi địa phương có tính chất đặc thù khác nhau, từ mô hình cụ thể của quận Hoàn Kiếm, cơ quan chức năng mong muốn đưa ra được mô hình chuẩn, đáp ứng được yêu cầu để trợ giúp hiệu quả cho nạn nhân bị bạo lực. Trong đó, đảm bảo về cơ sở vật chất như: Nhà tạm lánh phải đảm bảo ít nhất 6m2/người; có trang thiết bị y tế, bếp ăn, vệ sinh; đáp ứng được yêu cầu về sự an toàn cho nạn nhân; nạn nhân được tư vấn pháp lý. 

“Mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” này kế thừa hoạt động của mô hình cơ sở phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng. Dự kiến xây dựng và duy trì hoạt động tổng số 63 mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” trên cả nước. Quá trình này vừa làm vừa rút kinh nghiệm để mô hình hoạt động thực sự hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng; đồng thời có thể nhân rộng hơn nữa để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả những nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, xâm hại”, ông Tiến cho biết. 

Như vậy có thể thấy, Nhà tạm lánh nói riêng và hoạt động phòng chống BLGĐ nói chung đang rất cần sự “bảo lãnh” của chính quyền địa phương nếu không các địa chỉ tin cậy này sẽ chỉ là hình thức. 

Đọc thêm