Cần sự chung tay của toàn xã hội hồi hương kiếm Vua Hàm Nghi, kim bài Vua Khải Định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 200 cổ vật, trong đó có kiếm báu Vua Hàm Nghi, kim bài của Vua Khải Định... sẽ được đấu giá tại Pháp vào cuối tháng tư năm 2024. Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Hoàng Việt Trung (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) xung quanh vấn đề này.
Ông Hoàng Việt Trung (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế); đây là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo tồn và khai thác di sản văn hóa cung đình triều Nguyễn. (Ảnh: PV)
Ông Hoàng Việt Trung (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế); đây là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo tồn và khai thác di sản văn hóa cung đình triều Nguyễn. (Ảnh: PV)

Xin ông giới thiệu khái quát những bảo vật hoàng gia triều Nguyễn sắp được đem ra đấu giá?

- Ông Hoàng Việt Trung: Theo thông tin từ trang đấu giá: https://drouot.com sẽ có 273 món đồ là bảo vật hoàng gia nhà Nguyễn như: kiếm Vua Hàm Nghi, kim bài Vua Khải Định sẽ được đem ra đấu giá… Chúng từng thuộc sở hữu của các quan lại trong triều đình hoặc được vua ban cho triều thần, khâm sứ Pháp tại Việt Nam.

Ngoài ra, trong đợt đấu giá lần này còn có hàng loạt kim bài, ngọc khánh, ngọc bội của các thành viên trong hoàng gia triều Nguyễn như: ngọc khánh của Nam Phương Hoàng hậu, kim bài của Thái tử Bảo Long (con trai Vua Bảo Đại), kim khánh của Vua Kiến Phúc ban tặng cho ông Félix Faure (sau này là Tổng thống Cộng hòa Pháp)…

Những vật dụng hoàng gia nói trên phần lớn từng thuộc quyền sở hữu của Thái tử Bảo Long. Trong thời gian sống lưu vong tại Pháp sau khi nhà Nguyễn cáo chung, để có tiền tiêu xài, Bảo Long từng bán rất nhiều bảo vật của nhà Nguyễn mà ông được kế thừa từ Vua cha Bảo Đại và mẹ là Hoàng hậu Nam Phương.

Những bảo vật trên, món nào đáng chú ý và giá khởi điểm như thế nào?

- Ông Hoàng Việt Trung: Trong số này, nổi bật có thanh kiếm được ghi thông tin là của Vua Hàm Nghi tặng cho Tướng Brière de l’Isle (Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Việt Nam, sau này là Thống đốc Senegal) vào năm 1885.

Thanh kiếm đầu hổ của Vua Hàm Nghi. (Ảnh: Drouot)

Thanh kiếm đầu hổ của Vua Hàm Nghi. (Ảnh: Drouot)

Thanh kiếm dài 97,5cm, lưỡi kiếm dài 70cm, chuôi kiếm làm bằng bạc có chạm khắc hình đầu hổ. Phần tay nắm ở chuôi kiếm làm bằng ngà voi có chạm khắc họa tiết hoa lá tinh xảo. Bao kiếm làm bằng gỗ, được khảm ốc xà cừ. Phần đuôi vỏ kiếm bịt bạc và được chạm khắc hình rồng. Thanh kiếm này được đấu giá kèm theo một tờ giấy đỏ trang trí rồng vờn mây, bỏ trong một hộp tre. Bút tích trên tờ giấy được cho là của Vua Hàm Nghi. Giá khởi điểm của thanh kiếm này là 3 nghìn đến 3 nghìn rưỡi Euro (thời điểm đấu giá vào 2h chiều ngày 26/4/2024 giờ Paris).

Cổ vật có nguồn gốc Việt Nam hồi hương

Theo Đại diện Cục Di sản Văn hóa, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam hồi hương, theo ba hình thức.

Thứ nhất, cá nhân, tổ chức vận động quyên góp mua cổ vật và hiến tặng về nước như trường hợp chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978.

Thứ hai, cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá ở nước ngoài và hiến tặng về nước như: Xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh, mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình.

Thứ ba, chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam như: 18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ (FBI Mỹ).

Ngoài thanh kiếm của Vua Hàm Nghi, còn có kim bài của Vua Khải Định cũng được nhà đấu giá đưa lên sàn lần này. Giá khởi điểm của kim bài là 80 nghìn đến 120 nghìn Euro. Chiếc kim bài được làm bằng vàng đính ngọc trai và kim cương. Bảo vật này được cho là của Vua Khải Định thường đeo trong những dịp lễ lớn của triều đình hay những chuyến công du nước ngoài.

Thưa ông, những bảo vật giá trị như vậy, liệu Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã chuẩn bị ngân sách cũng như con người để tham gia đấu giá?

- Ông Hoàng Việt Trung: Quả thật, qua thông tin từ nhà đấu giá và các chuyên gia thì có những món trên rất quý, liên quan trực tiếp đến cuộc đời của các vị vua triều Nguyễn như Hàm Nghi, Khải Định, Bảo Đại… Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì việc bố trí ngân sách để mua lại những cổ vật trên là khó khả thi.

Câu chuyện cổ vật của chúng ta, đặc biệt của triều Nguyễn bị thất thoát ra nước ngoài thì rất nhiều. Chúng ta cần xã hội hóa, huy động các tập đoàn, các tổ chức, các cá nhân yêu quý di sản và đặc biệt là có tiềm lực kinh tế nữa.

Đây là sự chung tay của toàn xã hội, không phải việc làm của riêng ai. Hi vọng, kiếm Vua Hàm Nghi, kim bài Vua Khải Định sẽ được hồi hương trong thời gian tới. Cứ đem về Việt Nam là tốt, ai giữ cũng được.

Đến nay, đã có nhiều bảo vật được hồi hương về với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chưa? Xin ông kể một vài bảo vật đáng chú ý.

- Ông Hoàng Việt Trung: Đến nay đã có hơn 20 bảo vật có giá trị lớn được đưa về Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lưu giữ và trưng bày. Hi vọng, trong thời gian tới Trung tâm sẽ được tiếp nhận nhiều cổ vật quý nhiều hơn nữa.

Kim bài đính ngọc trai của Vua Khải Định. (Ảnh: Drouot)

Kim bài đính ngọc trai của Vua Khải Định. (Ảnh: Drouot)

Những cổ vật được trưng bày ở Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phải kể đến như vào năm 2014, chiếc xe kéo của Thái hậu Từ Minh (mẹ Vua Thành Thái) được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đấu giá thành công tại Pháp. Giá khởi điểm được đưa ra là 1.000 Euro. Thời điểm đó, do không thể trực tiếp sang Pháp để tham gia phiên đấu giá, tổ đấu giá cổ vật của tỉnh Thừa Thiên Huế buộc phải đấu giá qua điện thoại với sự hỗ trợ của kiều bào ở nước ngoài.

Sau nhiều bước giá với sự cạnh tranh khá khốc liệt của nhiều tổ chức tham gia, cuối cùng, chiếc xe kéo cũng được tỉnh Thừa Thiên Huế đấu giá thành công với tổng kinh phí 55.800 Euro.

Ngoài việc sử dụng kinh phí từ ngân sách, hiện vật này còn có sự đóng góp của bà con kiều bào ở Pháp với số kinh phí 10.000 Euro, của các nhà hảo tâm trong nước với số kinh phí 3.000 Euro. Sau khi đấu giá cổ vật thành công, bằng đường hàng không, chiếc xe đã về đến Huế sau hơn 100 năm “lưu lạc” xứ người.

Hay cuối năm 2021, mũ quan triều Nguyễn được Tập đoàn Sunshine mua qua cuộc đấu giá tại Tây Ban Nha và đưa về tặng tỉnh Thừa Thiên Huế. Chiếc mũ quan này có giá khởi điểm chỉ có 600 Euro, nhưng đã được người đấu giá online với giá 600.000 Euro, gấp đúng 1 nghìn lần giá khởi điểm. Đây là mức giá chưa cộng thêm 25% thuế và các loại phí. Nếu tính tổng thì chiếc mũ quan này lên đến 750.000 Euro.

Những cổ vật hồi hương đã bổ sung vào nguồn cổ vật của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế vốn có bề dày lịch sử gần 100 năm, gắn bó mật thiết với quần thể kiến trúc cung đình Huế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp cho việc hồi hương cổ vật. Các doanh nghiệp, các cá nhân có thể tham gia, hỗ trợ cho địa phương trong việc thu thập, đấu giá các hiện vật và đưa về nước.

Đọc thêm