Sáng qua (13/9), thực hiên giám sát về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về dạy nghề” trên địa bàn TP.Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh nhiên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã đánh cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về dạy nghề của Hà Nội và cho rằng, TP cần có chủ động để tạo “đất sống” cho các cơ sở dạy nghề để nâng cao hơn chất lượng lao động của Thủ đô.
|
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, năm 2012, trên toàn địa bàn TP có 276 đơn vị trong hệ thống cơ sở dạy nghề, tuyển sinh dạy nghề cho khoảng 147.827 lượt người. Tuy nhiên, các cơ sở phân bổ không đồng đều, chủ yếu ở các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, huyện Từ Liêm, trong khi huyện Quốc Oai không có cơ sở dạy nghề. Hiện mới có 7/11 quận, thị xã và 9/18 huyện có trung tâm dạy nghề thuộc quận, huyện.
Tuy số lượng cơ sở dạy nghề tăng từng năm nhưng đa số các cơ sở dạy nghề đang thiếu “đất sống” vì việc tuyển sinh học nghề gặp nhiều khó khăn, phần lớn là do tư tưởng coi trọng bằng cấp và chưa có “đầu ra” đáp ứng đủ nhu cầu. Theo đại diện các cơ sở dạy nghề, Sở, ngành của Hà Nội, vấn đề quan trọng hiện nay là cần phải tập trung tuyên truyền, dự báo được nhu cầu của xã hội cũng như làm việc với các doanh nghiệp để xác định đầu ra cho người học nghề. Đồng phải thống nhất thành một hệ thống đào tạo nghề để không bị đầu tư dàn trải.
Phó Chủ tịch UBND TP. Trần Xuân Việt cho rằng, “doanh nghiệp rất cần lao động chất lượng cao, nên quan trọng là làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo nghề; đẩy mạnh công tác xác hội hóa hoạt động dạy nghề tạo sự công bằng giữa cơ sở công lập và dân lập, cũng không nên quá cứng nhắc khung đào tạo để công tác đào tạo nghề theo kịp đòi hỏi, nhu cầu của xã hội”.
Ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc, ông Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát nhận xét, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực và kết quả trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về dạy nghề. Tuy nhiên, với những khó khăn, vướng mắc hiện nay, TP cần chủ động có các giải pháp phù hợp hơn với thực tiễn công tác dạy nghề, góp phần nâng cao hơn chất lượng lao động của Thủ đô. Đồng thời, đoàn sẽ tập hợp các ý kiến, đề xuất của Hà Nội để kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, hoàn thiện chính sách, pháp luật về dạy nghề trong thời gian tới.
H.Giang