Cần thêm nhân lực để nhanh chóng khống chế và dập dịch tại TP HCM

(PLVN) -  Khó khăn hiện nay của TP HCM là số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng gia tăng, TP HCM đang rất cần nhân lực để nhanh chóng khống chế và dập dịch.

Ảnh minh họa

Rất cần nhân lực chống dịch

Ngày 12/8, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM, có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế và Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.

Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 việc vận động, sử dụng các bệnh nhân COVID-19 đã hoàn thành điều trị để tham gia tình nguyện phục vụ phòng, chống dịch. Cụ thể như công việc tham gia, chế độ hỗ trợ...

Cũng trong ngày 12/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng vừa quyết định xuất cấp không thu tiền nhà bạt, máy phát điện từ nguồn dự trữ quốc gia, bổ sung kinh phí cho UBND TP HCM để trang cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thời gian qua, rất nhiều nguồn nhân lực y tế khác nhau đã tham gia “chia lửa” cùng TP chống dịch; điển hình là các bác sĩ hưu trí tham gia tư vấn cho F0, đặc biệt là F0 tại nhà, tư vấn kịp thời cũng như hỗ trợ sàng lọc và xe cấp cứu đưa đi cấp cứu trong trường hợp chuyển nặng.

Bên cạnh đó, lực lượng y tế tư nhân cũng đã tình nguyện tham gia với nhiều hình thức khác nhau như: các cơ sở thẩm mỹ, phòng khám tham gia về tiêm chủng; những bệnh viện tư nhân chuyên khoa như Bệnh viện Tâm Đức tham gia điều trị các ca F0 có bệnh nền về tim mạch; Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức, Nam Sài Gòn, Xuyên Á... tham gia tiếp nhận bệnh nhân F0 có triệu chứng; thậm chí có bệnh viện chuyển đổi công năng sang bệnh viện điều trị COVID-19 giúp giảm quá tải cho thành phố; Bệnh viện Quốc tế City cũng đã hưởng ứng thành lập Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM quản lý…

Sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân rất có ý nghĩa trong lúc này, đa dạng bằng nhiều hình thức. Sở Y tế rất trân trọng và mong tiếp tục nhận được sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân trong chống dịch hiện nay.

Quyết bảo vệ “vùng xanh”

Tới thời điểm này, TP HCM đã thiết lập được nhiều “vùng xanh”, do đó nhiệm vụ quan trọng lúc này là phải làm sao bảo vệ “vùng xanh” bền vững, từ đó đẩy lùi dịch bệnh trên toàn địa bàn TP.

Trong ngày 12/8, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu ký văn bản khẩn gửi các quận, huyện về thiết lập và bảo vệ "vùng xanh" trong công tác phòng chống COVID-19 ở TP HCM”.

Theo đó, các đường phụ, lối nhỏ, hẻm ra vào “vùng xanh” đều phải “phong tỏa cứng”, không cho người và xe ra vào, hạn chế bố trí lối đi những nơi giáp ranh khu phong tỏa, cách ly, khu vực ghi nhận người nhiễm.

Chính quyền TP yêu cầu mỗi “vùng xanh” phường, xã, thị trấn lập ít nhất một tổ phản ứng nhanh để kịp thời trợ giúp y tế, xử lý người chống đối, gây rối khi người dân hoặc tổ công tác ở các khu vực yêu cầu. Thành viên tổ này phải có công an, y tế và dân quân tự vệ, trật tự đô thị... Bên cạnh đó, mỗi "vùng xanh" thiết lập đường dây nóng gồm số điện thoại của thành viên tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng và thông báo rộng rãi đến người dân.

Việc kiểm soát ra vào "vùng xanh" thực hiện theo nguyên tắc "giữ chặt, kiểm soát nghiêm". Cư dân trong các khu vực thuộc "vùng xanh" phải được điểm danh hàng ngày qua các hình thức phù hợp như: phát loa gọi tên, gọi điện thoại, Zalo... Nhân viên giao hàng, thực phẩm, hàng hóa từ các đầu mối do Sở Công Thương điều phối khi vào "vùng xanh" phải mặc đồ bảo hộ y tế cấp 3.

Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, phóng viên sống ở "vùng xanh" được đi làm bình thường, khi về phải khai báo y tế và áp dụng biện pháp giám sát như trường hợp F1 cách ly tại nhà; hạn chế tiếp xúc người trong nhà và xung quanh, bố trí phòng sinh hoạt riêng…

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đã đưa vào hoạt động 30 số điện thoại di động chuyên tư vấn khám bệnh online qua điện thoại cho bệnh nhân (không phải là bệnh nhân COVID-19 ). Các số điện thoại này sẽ thường trực suốt ngày đêm để khám, tư vấn cho bệnh nhân.

Đây là các số điện thoại di động đại diện cho 30 chuyên khoa của bệnh viện như: Ung thư, Nội tiết, Tim mạch, Chấn thương chỉnh hình, Thần kinh, Hô hấp, Tiêu hóa, Tiết niệu, Thận nhân tạo, Chăm sóc giảm nhẹ… để tư vấn, khám bệnh qua điện thoại hoặc video call cho bệnh nhân khi có nhu cầu. Các “tổng đài đặc biệt” của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ bắt đầu hoạt động từ 9 giờ ngày 12/8.

Với giải pháp mang tính thực tiễn nói trên, Bệnh viện Chợ Rẫy kỳ vọng không chỉ những bệnh nhân COVID-19 mới được điều trị, mà các bệnh nhân mắc bệnh lý khác vẫn được chăm sóc sức khỏe an toàn trong mùa dịch này. Để tránh mất thời gian cho việc tư vấn, người dân có nhu cầu tư vấn, khám bệnh online (không phải bệnh COVID-19 ), cần liên hệ đúng số điện thoại “đường dây nóng” của chuyên khoa cần khám.

Đọc thêm