Giá trị tinh thần mà mạng xã hội mang lại chính là sự tự do biểu đạt trạng thái, cảm xúc, suy nghĩ, ý kiến,... của mỗi cá nhân và mối tương tác với mọi người xung quanh. Ưu thế của mạng xã hội là cập nhật thông tin rất nhanh và hết sức đa dạng. Do đó có một sự kết nối rộng rãi giữa những cá nhân với nhau, một nhóm người hay cả một cộng đồng không biên giới. Mạng xã hội không những chiếm lĩnh không gian mà cả một phần trong đời sống tinh thần và thời gian vật chất của những thành viên tham gia vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cũng chính vì tinh thần tự do biểu đạt mà không ít người đi quá xa, không giới hạn cả việc bày tỏ thái độ trước một hiện tượng xã hội hoặc trong những tình cảm riêng tư cần tôn trọng. Không ít những hình ảnh, thông tin, bình luận phản cảm, trái đạo lý, thiếu văn hóa, bóp méo sự thật, cường điệu vấn đề một cách quá đáng hoặc mập mờ lẫn lộn phải trái,... bị tung lên mạng gây khó chịu cho người đọc và những hệ lụy xấu.
Quy tắc ứng xử trên không gian mạng không phải một văn bản pháp lý mang tính bắt buộc mà là chuẩn mực ứng xử để mọi người tôn trọng và làm theo, tạo ra một cơ sở để dư luận phê phán hoặc lên án những mặt trái của mạng xã hội, chủ yếu là làm lành mạnh trên nền tảng văn hóa, văn minh, tuân thủ đạo lý và nhân cách con người với mối tương tác xã hội.
Những gì pháp luật đã quy định thì không cần đến phải thành quy tắc này. Ví dụ, mạng xã hội đưa những tin độc, xấu, sai sự thật, vi phạm đời tư, môi giới mại dâm, buôn bán tiền giả, thậm chí chào hàng ma túy,... thì cần phát hiện và xử lý bằng cơ quan có chức năng bảo vệ pháp luật. Đó chính là việc thanh lọc sự độc hại, bảo vệ pháp luật và điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thuộc về các cơ quan chức năng.
Mạng xã hội tuy là không gian ảo nhưng cũng rất thật. Và cũng như trong mọi mối quan hệ khác, giữa con người với con người, cá nhân với xã hội đều cần có sự trung thực, yếu tố trung thực là quan trọng nhất chi phối mọi quy tắc ứng xử trên mạng xã hội này.