Cần Thơ: “Biến” đất quốc phòng thành dân sự?!

(PLO) - Đã 33 năm nay, một số hộ dân nguyên là cán bộ, công nhân viên quốc phòng bỏ công khai hoang vùng đất sình lầy, bom đạn thành đất trồng lúa và nhiều lần xin hợp thức hóa nhưng không được vì UBND phường cho rằng đất quốc phòng. Thế nhưng mới đây, UBND phường lại lấy một phần đất “quốc phòng” này để cấp cho người khác. 
Đường vành đai phi trường Trà Nóc là khu vực đất quốc phòng.
Nguồn gốc đất ổn định
Ông Nguyễn Văn Cội (SN 1937, ngụ tổ 3, KV 3, phường Trà An, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ), nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn, kiêm Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn sân bay Trà Nóc (thuộc Sư đoàn 370 không quân) cho biết, sau giải phóng, vùng đất ngoài đường vành đai sân bay hoang hóa, lau sậy, đầm lầy và bom đạn chiến tranh còn lại rất nhiều. 
Năm 1981-1982, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần V có chủ trương kêu gọi khai phá đất hoang để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân. Có chủ trương từ lãnh đạo Tiểu đoàn, ngày ấy có 7 cán bộ, công nhân viên ở đơn vị đăng ký khai hoang phần đất nằm ngoài vành đai phi trường Trà Nóc, với tổng diện tích khai hoang được 2,3ha để sản xuất lúa. Ngoài ra còn có 8 trường hợp là các hộ dân từ phường Long Hòa, quận Bình Thủy cũng đến khai hoang đất ở khu vực này.  
Bà Nguyễn Thị Nga, nguyên công nhân viên quốc phòng, làm việc ở sân bay quân sự Trà Nóc kể: “Gia đình tôi khai hoang được 2.340 m2 đất và sản xuất cho đến nay. Những năm đầu khai phá thật gian truân, bao công sức mồ hôi, nước mắt và cả xương máu, vật nuôi bị trúng bom mìn sót lại chết. Do đất phèn nên chỉ làm mỗi năm làm được 1 vụ lúa mùa. Đến năm 1986 mới sản xuất được 3 vụ lúa”. 
Cũng theo bà Nga, nhiều người có trâu bò đưa vào cải tạo đất bị mìn nổ chết. Chồng bà cũng bị mất một chân do đạp phải mìn lúc khai phá đất. Nói chung, cán bộ, công nhân viên sau khi khai phá đất hoang, họ đã tự phân ranh, xẻ kênh, bao thửa và chia đều phần đất cho nhau để sản xuất cho đến nay hơn 33 năm. Phần đất các hộ khai phá, sản xuất ổn định từ 30 năm qua có ranh giới từ vành đai phi trường trở ra khoảng 70 - 80m (từ vành đai trở ra 50m là khu vực kỹ thuật), rồi đến kênh thủy lợi nhỏ và cuối cùng là đất của các hộ dân sự. Ông Nguyễn Văn Cội cho biết: “Đã 3 đời chủ tịch phường, chúng tôi làm đơn xin hợp thức hóa phần đất khai hoang nhưng không được. Chính quyền trả lời là đất quốc phòng. Vì vậy từ trước đến giờ chúng tôi vẫn quản lí và sản xuất nông nghiệp trên phần đất này”.
Bất ngờ ngày 14/12/2014, ông Nguyễn Văn Cội, bà Nguyễn Thị Nga và bà Trần Thị Hòa phát hiện trên phần ruộng lúa của gia đình mình bị cắm nhiều cột mốc phân ranh. Ông Cội cho biết: “Phát hiện sự việc, chúng tôi trình báo chính quyền và nhổ những trụ cột mốc nằm trong phần đất của mình. Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Nam (chồng bà Phan Thùy Trang, cùng ngụ phường Trà An) đến nhà tôi hăm dọa và nói chúng tôi không có quyền”.
Ông Nguyễn Văn Cội cho biết phần đất quốc phòng bị chính quyền hợp thức hóa cho ông Út. 
“Biến” đất quốc phòng thành đất dân sự?! 
Theo tìm hiểu, phần đất mà các hộ dân khai phá và đang trồng lúa, tính từ đường vành đai phi trường trở ra là 70 - 80m là đất kỹ thuật quân sự và tiếp giáp với phần đất này là kênh thủy lợi nhỏ sau đó mới đến đất của dân, trong đó có đất của ông Huỳnh Văn Út. Năm 2007 ông Út được UBND quận Bình Thủy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) với diện tích 1.059m2 đất lúa. 
Đến ngày 20/8/2014, bằng sự “nhiệt tình” của cán bộ khu vực, phường, quận để rồi UBND quận Bình Thủy tiếp tục cấp giấy CNQSDĐ số CH 03188, tăng diện tích lên 1598,9m2. Như vậy, chính quyền đã “biếu” thêm cho ông Út 540 m2 đất quốc phòng. Sau khi được “tặng thêm” 540 m2 đất quốc phòng vào sổ đỏ, ngày 23/8/2014 ông Út chuyển nhượng phần đất này cho bà Phan Thùy Trang và bà Trang được UBND quận Bình Thủy cấp giấy CNQSDĐ với diện tích 1589,9m2.
Các hộ ông Cội, bà Lý, bà Hòa nhiều lần xin hợp thức hóa nhưng không được vì chính quyền xác định đây là đất quốc phòng. Thế nhưng, từ hồ sơ cho thấy cán bộ khu vực, phường và quận Bình Thủy đã câu kết làm sai để chuyển đất quốc phòng thành dân sự rồi chuyển nhượng. Cụ thể, ngày 30/5/2014, ông Huỳnh Văn Út viết đơn đề gửi phường Trà An xin hợp thức hóa “thêm” đất, trong khi đất của ông đã được cấp sổ đỏ từ năm 2007. 
Không biết đơn có được gửi chưa nhưng cùng ngày 30/5/3014, lúc 14 giờ chiều, cán bộ địa chính phường Trà An là Nguyễn Ấn Định tức tốc đến khu vực Bình Yên, phường Long Hòa để tổ chức họp dân lấy ý kiến xác định nguồn gốc đất ở phường Trà An làm cơ sở để cấp đất cho ông Út, trong khi đất thì ở phường Trà An. Lạ lùng, biên bản mời họp dân ở khu vực Yên Bình, phường Long Hòa nhưng được ông Huỳnh Tấn Hải, Trưởng khu vực 3, phường Trà An ký xác nhận. Biên bản họp dân ở phường Long Hòa nhưng lại được Chủ tịch  UBND phường Trà An là Nguyễn Hoàng Phúc ký xác nhận, đóng dấu. 
Cũng trong ngày 30/5/2014, ông Huỳnh Tấn Hải, Trưởng khu vực 3, phường Trà An lại đến khu vực Bình Yên, phường Long Hòa tổ chức và chủ trì cuộc họp dân với 4 hộ dân ở khu vực Bình Yên A để lấy ý kiến xác định nguồn gốc đất của ông Út. Vậy, ông Hải làm trưởng khu vực nào?. Biên bản họp dân dối trá này cũng được Chủ tịch UBND phường Trà An là Nguyễn Hoàng Phúc ký xác nhận và đóng dấu vào ngày 18/6/2014. Ngày 30/5/2014, Chủ tịch UBND phường Trà An Nguyễn Hoàng Phúc ra danh sách, đóng mộc công khai hộ ông Huỳnh Văn Út đủ điều kiện cấp giấy CNQSDĐ. 
Ngày 16 và 18/6/2014, cán bộ địa chính và Chủ tịch UBND phường Trà An xác nhận cho ông Út đủ điều kiện hợp thức hóa thêm 540 m2 đất quốc phòng. Tiếp đó, ngày 28/6/2014, ông Huỳnh Văn Út mới có đơn đến UBND quận Bình Thủy, xin hợp thức hóa 540 m2, nhưng ngày 24/6/2014, Phòng TN&MT của quận đã cử cán bộ xuống hiện trường đo đạc đất để làm thủ tục hợp thức hóa đất cho ông Út. Ngày 25/6/2014, ở cấp phường lại tổ chức lập biên bản đo đạc, ký giáp ranh để làm cơ sở cấp đất cho ông Út. Điều đáng nói, việc hợp thức hóa đất này lại có được chữ ký của ông Đinh Văn Khước, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn kỹ thuật sân bay Cần Thơ…

Đọc thêm