Tiểu thương kêu trời
Theo đơn cầu cứu của chị Lê Thị Ái Thi (SN 1987) và mẹ là bà Nguyễn Thị Kho cùng ngụ ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang, năm 2011, mẹ con chị Thi có thuê 3 ki ốt ở chợ Quốc Thái để kinh doanh. Bà Kho dùng hai ki ốt để buôn bán áo quần, vải vóc, còn chị Thi mở tiệm làm tóc, trang điểm.
3 ki ốt này nằm liền kề nhau, mỗi ki ốt có diện tích 2,5m x 2,5m, mỗi ki ốt có giá 800 ngàn đồng mỗi tháng. Thời hạn thuê trong vòng 6 tháng kể từ ngày 6/10/2011 đến ngày 6/3/2012. Tiền thuê ki ốt được kế toán và quản lý chợ là ông Huỳnh Phước Đủ và Nguyễn Văn Lăng thay nhau thu.
Bà Kho cho biết, ông Đủ và ông Lăng quy định 1 ki ốt thu theo tháng và 2 ki ốt thu theo tuần. Hết 6 tháng, mẹ con chị Thi vẫn kinh doanh bình thường vì căn cứ theo hợp đồng cũ để thuê tiếp chứ không lập hợp đồng mới. Tháng 6/2012, bà Kho bị bệnh nên có nghỉ 1 tháng để chạy chữa.
“Tôi cứ nghĩ mình nghỉ một tháng không mua bán thì không đóng tiền. Nhưng ông Đủ và ông Lăng vẫn kêu tôi đóng. Tôi cũng vẫn đóng bình thường”, bà Kho tiếp lời.
Biên bản hòa giải của TAND huyện An Phú |
Vốn không có quan hệ tốt với quản lý của chợ nên bà Kho không đóng 800 ngàn đồng trực tiếp cho quản lý mà nhờ một người phụ nữ quen biết với quản lý đóng dùm. Mục đích của bà Kho là muốn có thêm người chứng kiến việc mình đóng tiền.
Thời gian tiếp theo, mẹ bà Kho, chị Linh kinh doanh bình thường. Nhưng đến tháng 9/2012, sau nhiều trận mưa thì máng xối hư hỏng, nước mưa tràn vào những ki ốt làm ướt hàng hóa.
“Mẹ con tôi yêu cầu quản lý chợ xuống sửa nhưng họ cứ kéo dài khiến tôi buôn bán rất khó khăn. Cửa hàng tôi không mở cửa hết được mà phải đóng, chỉ để hé một bên”, mẹ con chị Linh trình bày.
Để kinh doanh trở lại, mẹ con chị Linh buộc phải kêu người tới sửa lại máng xối. Trong lúc thợ bắt đầu sửa cửa thì quản lý chợ lại ngăn cản, cho rằng muốn sửa phải xin phép. Thực chất, trong hợp đồng thuê ki ốt cả hai bên đã thỏa thuận điều khoản mẹ con chị Linh phải có trách nhiệm quản lý, duy tu, sửa chữa trong thời gian hợp đồng. Không mua bán được, mẹ con bà Kho quyết định đóng cửa tiệm.
Tháng 10/2102, trong lúc 3 ki ốt của mẹ con bà Kho đang đóng cửa thì ông Đủ và ông Lăng đến mở khóa, gom đồ đạc, hàng hóa về một ki ốt rồi đóng cửa lại bằng một ổ khóa mới. “Áo quần, vải vóc của tôi bị dồn lại, chỉ mấy ngày sau là ố vàng, bám bụi, mặc còn không được chứ đừng nói đến buôn bán gì nữa. Họ phải có trách nhiệm bồi thường cho tôi”, bà Kho bức xúc.
Vụ việc có bị “chìm xuồng”?
Ông Đủ và ông Lăng cho rằng, hợp đồng thuê ki ốt với mẹ con chị Linh được ký trong 6 tháng. Trong thời gian còn hợp đồng thì mẹ con chị Linh còn nợ phía chợ là 1.220.000 đồng. Đến khi hợp đồng hết hạn, mẹ con bà Kho đóng cửa ki ốt từ tháng 3 cho đến tháng 9/2012 mà không hoạt động kinh doanh mua bán. Số tiền mà mẹ con chị Thi nợ chợ tổng cộng là 6.212.000.
Trong thời gian này, ban quản lý chợ nhiều lần yêu cầu chị Thi đến thanh toán nợ và ký hợp đồng mới nhưng chị không có mặt. Chính vì điều đó, nên đến ngày 23/9/2012 ban quản lý chợ buộc lòng phải đóng cửa ki ốt, dồn hàng hóa qua 1 ki ốt. Theo ông Lăng, buổi làm việc này có công an, xã đội và các tiểu thương trong chợ chứng kiến dù không lập biên bản.
Cuối năm 2012, UBND xã Quốc Thái có tổ chức hòa giải, cả hai bên thống nhất mẹ con chị Thi sẽ trả lại số tiền còn nợ là 4 triệu (tiền thuê ki ốt từ tháng 3 đến tháng 9/2012).
Cả hai bên thống nhất ngày 2/1/2013, Ông Đủ và ông Lăng sẽ mở cửa ki ốt để kiểm tra hàng hóa, nếu hư hại bao nhiêu sẽ đền bù cho mẹ con chị Thi. Sau khi hai mẹ con trả đủ số tiền trên, ban quản lý chợ sẽ ký hợp đồng mới và mở cửa cho hai người kinh doanh trở lại. Bà Kho cho biết, bà chấp nhận số tiền 4 triệu trên cốt chỉ để nhanh chóng trở lại mua bán chứ không nợ nần gì với quản lý chợ.
Tưởng sự việc đã được dàn xếp ổn thỏa thì bất ngờ lại xảy ra biến cố mới. Theo như bà Kho trình bày: “Tôi hẹn với bên quản lý chợ thứ 4 (tức ngày 2/1/2013- PV) mở cửa để kiểm tra hư hao hàng hóa, thì ngay từ thứ 2 tôi đã lo xa chuẩn bị mọi việc trước”.
Kios bị dồn hàng hóa của tiểu thương đóng cửa suốt 4 năm qua |
Theo đó, bà Kho lên UBND xã gặp ông phó chủ tịch xin ông nói với quản lý chợ sửa máng xối cho mấy cái ki ốt và trình bày rằng, số tiền 4 triệu bà chấp nhận trả là vì lý do này. “Tôi sợ có vấn đề không may xảy ra nên có nhờ ông phó chủ tịch xã cầm 4 triệu, nhờ đến thứ tư đưa lại cho ông Đủ, Lăng. Tôi thấy như vậy thì chắc ăn hơn nhưng ông chủ tịch xã không đồng ý”, bà Kho kể.
Ngày thứ ba, bà Kho chờ hoài không thấy, sốt ruột bà chạy đi tìm thì được biết, cả hai ông Đủ, Lăng đều đi vắng, nghe người ta nói đi chở hàng. Đến ngày thứ tư, cuối cùng rồi mấy ông ấy cũng mở cửa cho tôi. “Cửa vừa hé, tôi nhìn đống hàng hóa lộn xộn của mình mà đứt từng khúc ruột. Tối nói với ông Đủ, nhờ ổng kêu dùm mấy anh em tới phụ tôi dọn dẹp. Ông ấy đùng đùng chửi lại tôi và nói với tôi sẽ đưa vụ này ra tòa”, tiếp lời tiểu thương.
7 tháng sau, TAND huyện An Phú đưa vụ việc ra hòa giải, mẹ con bà Kho cương quyết kiện ông Đủ, ông Lăng vì đã làm thiệt hại tài sản của mình. Kết thúc, cả hai bên đều không thỏa thuận được nội dung tranh chấp. Hai tháng sau, TAND An Phú đề nghị hội đồng định giá thẩm định số hàng hóa trong ki ốt của mẹ con chị Thi.
Buổi thẩm định giá có mặt đầy đủ cả hai bên đương sự. Hàng hóa của mẹ con bà Kho gồm các nhóm: nhóm mỹ phẩm, dụng cụ làm đẹp (máy hấp tóc, ghế nằm, thiết bị làm tóc…), vải, quần áo may sẵn. Tổng cộng là 65 triệu đồng. Bà Kho sau đó còn có đơn yêu cầu ông Đủ, Lăng phải bồi thường thiệt hại thời gian mà bà và con gái không có việc làm vì bị đóng cửa ki ốt.
Từ lúc thẩm định giá trị hàng hóa tới nay, vụ việc trên bị chìm vào quên lãng. Suốt 4 năm qua, ki ốt bị dồn hàng của mẹ con bà Kho vẫn cứ khóa cửa. Số hàng hóa bên trong ngày mỗi hao hụt, giá trị sử dụng càng giảm đi. Nguồn thất thu từ ki ốt bị đóng cửa cũng khiến ban quản lý chợ thất thu.
Dù vậy, vụ việc vẫn không có dấu hiệu sẽ được xử lý sớm. Bà Kho cho biết, bà đã gửi đơn nhiều nơi nhưng không có kết quả. “Vốn liếng của tôi và con gái đều dồn vào đó, giờ bị chôn chân ở đó, tôi không biết phải làm sao nữa. Con gái tôi đòi bỏ đi làm công nhân nhưng chẳng lẽ tài sản của mẹ con tôi mất trắng như thế”, bà Kho buồn rầu nói.
Câu chuyện pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.