Cần thực hiện thống nhất các giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường ở nữ sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường liên tục xảy ra, có chiều hướng gia tăng và phát triển phức tạp, trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội. Bạo lực học đường trong đó có cả hình ảnh nữ sinh trong tà áo dài trắng thướt tha nhưng hành động lại cực côn đồ, hành hung bạn học.

Liên tiếp những vụ nữ sinh bị đánh

Bạo lực học đường đã không còn là hiện tượng mới, song thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục, mang tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Liên tiếp các vụ bạo lực học đường được đưa lên mạng xã hội gây hoang mang cho chính các em học sinh và phụ huynh.

Tại Việt Nam, số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Cũng theo thống kê của Bộ GDĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh (thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau… Đáng chú ý, bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở nam sinh, mà cả nữ sinh tình trạng hành hung bạn học cũng diễn ra ngày càng phức tạp. Thậm chí, tỉ lệ nữ sinh đánh bạn còn cao hơn nam sinh.

Mới đây, Công an huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) vừa tiếp nhận vụ nữ sinh đang học trên địa bàn bị hành hung dã man. Cụ thể được biết, trưa 26/11, nữ sinh L.T.M.T. (học sinh lớp 11 Trường THPT Lộc Thành, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) đang trên đường đến trường thì bị một nhóm nữ chặn lại đấm đá, kéo tóc và dùng nón bảo hiểm đập thẳng vào mặt, vào đầu. Vụ việc được một clip ghi lại và phát tán trên mạng gây phẫn nộ.

Đại diện cơ quan Công an huyện Bảo Lâm cho biết, về cơ bản, cơ quan công an đã xác minh được những người trực tiếp tham gia đánh em T. và giao đội điều tra tổng hợp phối hợp với công an xã tiếp tục xác minh, triệu tập những người liên quan để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhiều vụ việc bạo lực học đường đối với nữ sinh khiến dư luận bàng hoàng (Ảnh minh họa).

Nhiều vụ việc bạo lực học đường đối với nữ sinh khiến dư luận bàng hoàng (Ảnh minh họa).

Theo đoạn video phát tán trên mạng xã hội, nhóm nữ sinh đã dùng tay chân, mũ bảo hiểm liên tục đập và đấm, đá vào đầu em T. Thậm chí, một bạn gái còn dùng chân đạp thẳng vào đầu, khi T đã bị đánh nằm úp mặt dưới đất. Cho đến khi có những người dân xung quanh can ngăn thì nhóm trên mới rời đi.

Cách đây chưa lâu, ngày 8/11 vụ việc một nữ sinh trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức bị đánh hội đồng dẫn đến phải nhập viện, do mâu thuẫn trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận. Đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh nữ sinh được xác minh là em D.T.M.T. (18 tuổi) bị một nhóm khoảng 3 đến 4 nữ sinh khác thay nhau đánh hội đồng.

Nhóm này giật tóc, dùng tay đánh vào mặt, đầu, thậm chí dùng mũ bảo hiểm ném vào đầu nữ sinh bị hành hung. Đáng nói, dù nữ sinh bị đánh ngã xuống nhưng một số người có mặt ở đó không đứng ra can ngăn. Chỉ đến khi người đàn ông lớn tuổi xuất hiện sự việc mới dừng lại.

Đôi khi chỉ từ những lí do nhỏ nhặt, lại dẫn đến mâu thuẫn, gây sự… và sử dụng bạo lực để giải quyết. Chỉ vì vô tình dẫm vào chân bạn, em T. học sinh lớp 9C trường THCS Hương Xạ (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) đã bị các bạn nữ trong lớp đánh hội đồng ngay trong lớp học, phải nhập viện điều trị. Sự việc xảy ra vào ngày 1/9.

Hay vụ việc em N.N.B. (14 tuổi), học sinh một trường THCS trên địa bàn TP. Tuy Hòa bị đánh hội đồng chỉ vì xưng hô “mày” – “tao”. Sáng ngày 6/6, đoạn clip em B bị nhóm bạn hành hung phát tán. Đoạn clip do chính một bạn trong nhóm hành hung ghi lại, sau đó đưa lên mạng xã hội.

Ngoài ra, còn rất nhiều những vụ việc bạo lực học đường là nữ sinh liên tiếp xảy ra như: Do xích mích, một nữ sinh lớp 11 (Trường THPT Xuân Trường Nam Định) đánh một nữ sinh lớp 10 cùng trường ngay tại nhà vệ sinh trường học; Hai nữ sinh lớp 10, Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TPHCM) đánh nhau trong lớp học trước sự chứng kiến của các bạn học sinh trong lớp nhưng không ai can ngăn…

Những nghiên cứu tâm lý trong thời gian qua cho thấy ở lứa tuổi mới lên các em hay rơi vào trạng thái hoang mang, dao động, mất phương hướng, coi thường, bất chấp những quy định, bỏ qua những giá trị sống cơ bản, nông nổi, bốc đồng. Các em thích thể hiện và muốn mình là tâm điểm của mọi sự chú ý.

Đối với học sinh là nạn nhân của bảo lực học đường sẽ bị ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng đến tâm lý và tình hình học tập, thậm chí dẫn đến trầm cảm, khiến các em có cảm giác tự ti, lo lắng, e dè, thiếu hòa nhập với các bạn và hình thành tính cách bị cô lập lâu dài.

Giải pháp nào ngăn chặn bạo lực học đường?

Về cơ bản, bạo lực học đường được chia thành 4 loại: bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực xã hội và bạo lực điện tử.

Với nam sinh, khi xích mích, các em dùng bạo lực học đường là cách giải quyết mâu thuẫn nhanh gọn. Nhưng với nữ sinh lại trở nên phức tạp hơn. Ở nữ sinh khi bước vào giai đoạn thay đổi tâm sinh lý thường rất nhạy cảm, hay để ý những điều nhỏ nhen, dễ thay đổi thất thường, cảm xúc không ổn định và khó kiểm soát cả nhận thức và hành vi. Cùng với những biến đổi thất thường ở lứa tuổi vị thành niên thì ở các em hay xảy ra sự hiềm khích, ghen tị, đố kỵ giữa đám bạn nữ cùng trang lứa.

Theo khảo sát, nguyên nhân của các vụ bạo lực học đường ở nữ sinh thường xuất phát từ những lí do nhỏ nhặt, không có gì to tát, hay bắt nguồn từ các mối quan hệ không thỏa mãn được những mong muốn của bản thân. Sự ghen ghét xuất phát từ ý nghĩ muốn phủ nhận người khác, hạ thấp vị thế của người khác. Hay vì tranh giành người yêu, không cùng đẳng cấp, trêu chọc và vu khống…

Từ việc gặp nhau, trao đổi về những mâu thuẫn, rồi đến giai đoạn chỉ rõ mức độ và thỏa thuận. Nếu việc thỏa thuận dứt khoát, rõ ràng, hợp tình hợp lý thì không xảy ra xô xát (tình huống này rất hiếm, vì cái tôi của các em lứa tuổi này rất lớn). Khi không thỏa hiệp được hoặc một trong hai nhóm không kiềm chế được thì sẽ xúc phạm đối phương.

Tiến trình bạo hành cũng không diễn ra ngay mà còn có sự tính toán và chuẩn bị kỹ càng, lúc âm thầm, lúc công khai, thường diễn ra trong thời gian dài. Vì thế, nhiều vụ đánh hội đồng nữ sinh không diễn ra ở trường học mà ở một địa điểm có lợi cho bên gây sự và thường kèm theo hung khí.

Trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều hình ảnh nữ sinh trong tà áo dài trắng thướt tha lao vào đánh bạn học, cấu xé nhau, hay nhóm học sinh nữ lớp này và nhóm học sinh nữ lớp kia hành hung nhau như những tên “côn đồ” thực thụ. Sau đó, quay lại clip tung lên mạng nhằm khoe “chiến tích” và hòng làm nhục nữ sinh bị bạo hành.

Nguyên nhân của các vụ bạo lực học đường ở nữ sinh thường xuất phát từ những lí do nhỏ nhặt (Ảnh minh họa).

Nguyên nhân của các vụ bạo lực học đường ở nữ sinh thường xuất phát từ những lí do nhỏ nhặt (Ảnh minh họa).

Theo ý kiến của TS Tâm lý Lê Thị Thu Thủy: “Chắc chắn việc các em nữ sinh hành hung, đánh hội đồng bạn học sẽ làm mất đi hình ảnh nữ sinh thanh lịch. Dù là hình thức bạo lực nào cũng không được chấp nhận. Đặc biệt là với các bạn nữ, những hành động thiếu suy nghĩ sẽ làm mất đi nét dịu dàng, duyên dáng của nữ sinh. Hành động đó hoàn toàn không thể hiện được bản lĩnh hay bất cứ đăng cấp gì, thậm chí dẫn đến những hậu quả mà chính các em không thể lường trước. Sau này khi lớn hơn các em sẽ nhìn nhận được rằng, có rất nhiều cách để xử lý mâu thuẫn mà không phải dùng đến bạo lực”.

Giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường ở nữ sinh cần được thực hiện một khối thống nhất giữa các em học sinh, gia đình và nhà trường, bà Thủy cho biết: “Gia đình phải trực tiếp sát sao nhất đối với các em, nên trang bị cho con gái những kiến thức, kỹ năng trong các mối quan hệ bạn bè, rèn luyện cho các con sự bình tĩnh, nhìn nhận và đánh giá sự việc trước khi đưa ra hướng giải quyết, không nhất thiết phải hung hăng lao vào đánh nhau. Quyền lực của người phụ nữ không nằm ở thái độ ngông cuồng mà được thể hiện ở sự dịu dàng. Đặc biệt, phụ huynh tránh xung đột trước mặt con.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức các chương trình phòng ngừa, các buổi ngoại khóa nâng cao nhận thức của học sinh, xây dựng môi trường văn hóa học đường thân thiện và tìm ra các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với bạo lực học đường.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang hướng đến bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục”.

Đọc thêm