Theo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm đó dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Cũng theo dự báo này, từ năm 2038, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi tới phát triển kinh tế-xã hội, nếu không có chính sách phù hợp.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm đã thảo luận về một số bài học và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, trong đó đáng lưu ý đến vấn đề pháp lý như: cần tiếp tục thực hiện, đồng thời rà soát và điều chỉnh nếu cần thiết các pháp luật, chính sách liên quan đến người cao tuổi, như Luật Người cao tuổi, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân số để bảo đảm giải quyết tốt hơn các vấn đề về người cao tuổi, cũng như có quy mô dân số hợp lý, hạn chế sự gia tăng tốc độ già hoá dân số; xóa bỏ các rào cản về tuổi tác trong các chính sách, lưu ý tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường xã hội để đảm bảo người cao tuổi có thể tham gia vào hoạt động kinh tế và xã hội...