Cần xác định rõ hơn vai trò địa chính trị quan trọng của Thủ đô

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị, cần đánh giá thực chất hơn, xác định rõ hơn vai trò địa chính trị quan trọng của Thủ đô trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bộ trưởng Lê Thành Long kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô do Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 21/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ngay sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, TP Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô, việc quán triệt, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được tổ chức thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, đa dạng về hình thức, thu hút sự tham gia của hàng nghìn lượt người.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan, nhất là TP Hà Nội đã tích cực, chủ động, chỉ đạo quyết liệt việc soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật để trình các cấp có thẩm quyền ban hành. Các văn bản đã được ban hành có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình soạn thảo, bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Đến nay, đã có 34 văn bản được các cơ quan ban hành để quy định chi tiết 21/21 nội dung Luật giao.

Bộ Tư pháp cũng tổ chức sơ kết, đánh giá 3 năm thi hành Luật Thủ đô lần 1 và lần 2; tổ chức Đoàn công tác liên ngành khảo sát tình hình thi hành Luật Thủ đô.

Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, sau hơn 9 năm thi hành, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền các cấp và nhân dân TP về vị trí, vai trò của Thủ đô, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô. Việc thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã góp phần trực tiếp giúp TP phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, duy trì vị trí của Thủ đô là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội...

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chỉ rõ một số hạn chế trong thi hành Luật Thủ đô như một số việc được quy định bất hợp lý; một số quy định hết sức quan trọng về vị thế của một thủ đô là chưa có như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh… Riêng về tổ chức thực hiện, có những bất cập nguyên nhân xuất phát từ Luật hoặc do phối hợp giữa các bộ, ngành.

Cho rằng Hội nghị đã thống nhất sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành Luật Thủ đô (mới), ngoài 9 định hướng chính sách lớn mà TP Hà Nội đề xuất, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị, cần đánh giá thực chất hơn, xác định rõ hơn vai trò địa chính trị quan trọng của Thủ đô; đánh giá thi hành Luật Thủ đô cùng với đánh giá việc thực hiện một số Nghị quyết thí điểm mà Quốc hội đã cho phép. Đồng thời, khi bàn đến mở rộng quyền thì cũng phải gắn với trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là các cơ quan chính quyền Thủ đô trong việc thực hiện các chính sách.

Thời gian tới, theo Bộ trưởng, cần bám sát Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và tình hình thực tế của Thủ đô còn phù hợp, mang tính khả thi để hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); tiếp tục thi hành hiệu quả các quy định hiện hành Luật Thủ đô. Bộ trưởng mong muốn, UBND TP Hà Nội, các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, tiến độ, đáp ứng được yêu cầu về xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới theo mục tiêu mà Nghị quyết 15-NQ/TW đã đề ra.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cảm ơn sự phối hợp, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Luật Thủ đô của các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, UBND TP sẽ tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp bắt tay ngay việc soạn thảo Luật, trọng tâm là các điều khoản quy định về các cơ chế đặc thù cho Thủ đô, bảo đảm đó là các cơ chế thực sự cần cho sự phát triển của Thủ đô và có thể thực hiện được trên thực tế. Từ đó, tạo tiền đề đưa Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế năng động, xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, khẳng định vị thế của một đầu tàu kinh tế, tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đọc thêm