Cảng Chân Mây – 17 năm xây dựng và phát triển

(PLVN) - Trải qua 17 năm xây dựng và phát triển, cảng Chân Mây (thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên -Huế) đang dần thay đổi và có một diện mạo mới. Trong chặn đường đó đã ghi dấu nhiều công sức của tập thể cán bộ, công nhân viên chức nơi đây; họ luôn cống hiến hết mình, đoàn kết, lao động sáng tạo để có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên  - Huế cũng như các cổ đông tin tưởng giao phó.
Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty lần thứ VI nhiệm kỳ 2020 – 2025: “Quyết tâm xây dựng cảng Chân Mây vững mạnh, phát triển và hội nhập”.
Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty lần thứ VI nhiệm kỳ 2020 – 2025: “Quyết tâm xây dựng cảng Chân Mây vững mạnh, phát triển và hội nhập”.

Cảng biển nằm ở vị trí trọng yếu

Cảng Chân Mây là cửa ngõ hướng ra Biển Đông gần nhất, thuận lợi đối với các vùng miền khu vực hành lang kinh tế Đông Tây (là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar).

Đây là cảng chính giữa con đường biển kết nối Singapore, Philippines và Hong Kong (Trung Quốc). Thêm vào đó, cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm của Việt Nam, giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế và Đà Nẵng. Chính vì nằm trong vị trí đắc địa như trên mà cảng Chân Mây có lợi thế và tiềm năng rất lớn trong việc vận tải biển, trung chuyển quốc tế.

Tuy nhiên, lúc mới hình thành đơn vị này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vào ngày 19/5/2003, cảng Chân Mây được ra đời từ một dự án đầu tư xây dựng cảng biển mới; thời gian đó đơn vị này vừa phải hoàn thành các hạng mục xây dựng, mua sắm trang thiết bị vừa phải tuyển dụng đào tạo để thành lập bộ máy vận hành cảng từ những điều cơ bản và mới mẻ nhất. Với số lượng 70 CBCNV từ ngày đầu thành lập trên các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hàng hải, đơn vị này vừa phải học tập kinh nghiệm vừa tự tìm tòi học hỏi để dần dần hoàn thiện bộ máy. 

Ông Ngô Tùng Lâm (Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy) ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên chức Cảng Chân Mây .
Ông Ngô Tùng Lâm  (Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy) ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên chức Cảng Chân Mây .

Những ngày đầu, sản lượng hàng hóa thông qua cảng vẫn còn rất chậm. Nếu năm 2004, sản lượng hàng thông qua đạt 20.000 tấn thì mãi đến 4 năm sau cũng chỉ mới đạt 645.000 tấn. Thời gian này, hoạt động kinh doanh hầu như chưa có lãi. Bên cạnh đó, đơn vị này vẫn chưa được thông qua đề án thành lập doanh nghiệp, cơ chế và phương thức như là đơn vị sự nghiệp có thu nên mọi hoạt động kinh doanh còn gò bó, thiếu tính chủ động.

Tháng 9/2007,  cảng Chân Mây có quyết định thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Việc chuyển đổi cơ chế hoạt động sang hình thức doanh nghiệp đã giúp cho cảng phát huy được nội lực, chủ động trong công tác sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị, tăng năng lực bốc xếp để thu hút nguồn hàng.

Kể từ đó, cảng Chân Mây bắt đầu có nhiều khởi sắc với những bước đi phát triển toàn diện hơn. Đến năm 2010 sản lượng hàng hóa thông qua đạt mức 1.275.000 tấn. Thu nhập người lao động được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất lẫn tình thần được nâng lên.

Trở thành cảng biển lớn tại Việt Nam

Đến thời điểm hiện tại, cảng Chân Mây đã chính thức tròn 17 năm ra đời và 5 năm được cổ phần hóa. Nếu vào thời điểm khánh thành đưa vào sử dụng năm 2003, cảng Chân Mây  chỉ có một bến với chiều dài 300m, công suất khai thác ban đầu chỉ 1,2 triệu tấn/1 năm.

Đến nay cảng đã được nâng cấp cầu bến, thiết bị cùng nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác sản xuất, năm 2019 vừa qua, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng là 2,67 triệu tấn  (đạt 220% công suất thiết kế ban đầu).

Ngoài ra, từ một cảng biển chỉ đón các chuyến tàu khách với tải trọng nhỏ, số lượt khách không vượt quá 50.000 người/năm thì những năm vừa qua cảng Chân Mây là điểm đến của những tàu khách lớn và hạng sang trên thế giới với tổng lượt khách du lịch bình quân 120.000 lượt/năm. Nếu thời điểm ban đầu lương bình quân của cán bộ, công nhân viên chức là 2,7 triệu đồng/ tháng thì đến nay đã 11 triệu đồng/tháng. 

Sau 17 năm xây dựng và phát triển, cảng Chân Mây đang có một diện mạo mới và đã trở thành cảng biển lớn tại Việt Nam.
Sau 17 năm xây dựng và phát triển, cảng Chân Mây đang có một diện mạo mới và đã trở thành cảng biển lớn tại Việt Nam. 

Hiện tại, Cảng Chân Mây được đánh giá là một trong những cảng biển lớn của Việt nam. Sự hình thành và phát triển của khu bến Chân Mây với cơ sở hạ tầng đồng bộ là điều kiện và động lực thu hút các nhà đầu tư, giải quyết nhiều công ăn việc làm và an sinh xã hội cho người dân địa phương. Chính vì vậy sự ra đời của Bến số 2 không chỉ giải quyết nhu cầu cấp bách về giảm tải cho Bến số 1 mà còn đón đầu cho nhiều cơ hội khác. 

Từ sự ra đời của các Nhà máy giấy xuất khẩu gỗ dăm, Kho xăng dầu PV Oil, Kho nhựa đường của ADCO…trong thời gian qua và các dự án lớn sắp tới như Nhà máy Billion Max với hơn 15.000 lao động, dự án Khu Liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors, cùng nhiều đối tác tiềm năng ở địa bàn lân cận và thị trường Lào…đang mở ra nhiều cơ hội đối với đơn vị này.

Cảng Chân Mây đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, trắc trở, bước qua thời kỳ non trẻ để sẵn sàng, tự tin hòa mình vào thị trường dịch vụ cảng biển. Những kết quả đạt được vừa qua đã tạo tiền đề để hướng đến thực hiện mục tiêu cho thời kỳ 2020-2025.

Tập thể cán bộ, công nhân viên chức cảng Chân Mây sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo, tận dụng thời cơ và nội lực sẵn có để hoàn thành mục tiêu đề ra. Ngoài ra đơn vị này cũng mong nhận được sự quan tâm và đầu tư cần thiết, kịp thời để xây dựng và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về xuất nhập khẩu hàng hóa, tiếp đón du khách quốc tế và đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn Thừa Thiên - Huế cũng như khu Kinh tế trọng điểm miền Trung; góp phần đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo định hướng tại Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

Đọc thêm