Các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Thác Bà là hệ thống hồ chứa lớn ở khu vực phía Bắc vừa phát điện vừa tham gia cắt lũ. Tối 14/7, một cuộc “Diễn tập xả lũ khẩn cấp hồ thủy điện Hòa Bình và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du” - cũng là tình huống đang diễn ra trên thực tế - đã được tổ chức khẩn trương.
Giả định nước ở Hà Nội lên trên báo động 1
Tối muộn ngày 14/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP: Hòa Bình, Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Công ty Thủy điện Hòa Bình đã tổ chức họp trực tuyến "Diễn tập xả lũ khẩn cấp hồ thủy điện Hòa Bình và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du".
Diễn tập để biết và bổ khuyết
"Qua cuộc diễn tập này, chúng ta phải luôn luôn nâng cao ý thức chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai. Đồng thời, còn để chúng ta phát hiện ra những kỹ năng, nội dung còn chưa đáp ứng được so với nhu cầu, trên cơ sở đó để bổ khuyết. Ví dụ, qua vận hành thủy điện có thể biết các công trình từ hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình - công tác chuẩn bị ứng, phó ở đây đến đâu?”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
Tại cuộc diễn tập, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường thông báo, diễn biến thời tiết của 3 năm gần đây, đặc biệt nửa đầu năm 2018 là hết sức phức tạp, khó lường. Trận mưa lớn ngày 22-26/6/2018 ở các tỉnh miền núi phía Bắc với lượng phổ biến 400-600 mm, cho thấy mức độ cực đoan và khốc liệt của thời tiết.
Vì thế, việc điều hành xả lũ của hồ Hòa Bình, Sơn La là rất quan trọng trong mùa mưa bão. Bởi hai hồ này ngoài chức năng phát điện còn có nhiệm vụ cắt lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Theo đó, hồ Hòa Bình đã phải mở 3 cửa xả đáy trong 10 ngày qua, còn hồ Sơn La đã phải mở 1 cửa xả đáy.
Trong khi đó theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 15/7, áp thấp hình thành trên biển Đông gần vùng biển Việt Nam và dự báo xa thời tiết còn diễn biến phức tạp. Từ nay đến ngày 17/7, miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa lớn.
Với cuộc diễn tập nói trên, tình huống giả định được đặt ra là trong 24 giờ qua trên khu vực ở Bắc có mưa to đến rất to khoảng 200mm, lưu lượng nước về hồ thủy điện đang tăng nhanh, thời điểm gần nhất lưu lượng nước đạt 12 nghìn mét khối/giây, mực nước thượng lưu đạt 116,5; mực nước tại Hà Nội ở mức 10m, trên báo động 1 là 0,5m.
Ngay sau phần diễn tập cơ chế, việc diễn tập thực binh cũng đã diễn ra. Trong đêm tối, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Hòa Bình tổ chức thông báo bằng loa phát thanh về việc xả lũ hồ Hòa Bình bằng xuồng cao tốc dọc 2 bên sông Đà, tổ chức cứu hộ cứu nạn, sơ tán lồng bè và người dân tại tổ 14, phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình.
Trước đó, địa phương này đã di dời 76 nhà bè của nhân dân vạn chài cư trú tại phường Tân Thịnh và phường Thịnh Lang (thuộc TP Hòa Bình) 242 lồng cá đã được hỗ trợ di chuyển vào sát bờ, chằng chống neo đậu đảm bảo an toàn.
Cùng với tỉnh Hòa Bình, các địa phương như TP Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ cũng thực hiện diễn tập sơ tán người dân vùng ven sông, sơ tán người và các lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn, tổ chức canh gác, tuần tra những vị trí xung yếu, tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị tại các trọng điểm đê xung yếu, sẵn sàng xử lý giờ đầu các sự cố đê điều, đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của người dân…
Đảm bảo “4 tại chỗ”
Quan sát, theo dõi cách xử lý tình huống, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường biểu dương các địa phương, đơn vị đã chủ động tính toán và tham mưu kịp thời cách ứng phó với tình huống xả lũ hồ Hòa Bình cũng như việc triển khai chi tiết các kịch bản theo phương châm "4 tại chỗ" một cách đồng bộ.
Bộ trưởng Cường cũng lưu ý, các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Thác Bà là hệ thống hồ chứa lớn ở khu vực phía Bắc vừa phát điện vừa tham gia cắt lũ. Diễn tập xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình cũng là tình huống đang diễn ra trên thực tế.
"Qua cuộc diễn tập này, chúng ta phải luôn luôn nâng cao ý thức chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai. Đồng thời, để chúng ta phát hiện ra những kỹ năng, nội dung còn chưa đáp ứng được so với nhu cầu, trên cơ sở đó để bổ khuyết.
Ví dụ, qua vận hành thủy điện có thể biết các công trình từ hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình - công tác chuẩn bị ứng, phó ở đây đến đâu? Ở khu vực hạ du gồm 4 địa phương cũng vậy. Và đây cũng là dịp để nâng cao ý thức toàn dân để sẵn sàng với các tình huống bất khả kháng xảy ra…", ông Cường nhấn mạnh.
Có thể thấy, cuộc diễn tập là sự chủ động, sẵn sàng ứng phó từ TƯ tới địa phương đối với tình huống khẩn cấp khi mùa mưa bão đang cận kề.
Phải chủ động cứu hộ, cứu nạn
Tại Công điện số 10/CĐ-TW phát đi hôm qua, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp trên các phương tiện thông tin, thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra, hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm.
Đồng thời, tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để đảm bảo an toàn và người và tài sản.
Công điện cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.