Bị cáo trong vụ án này nguyên là Phó Thanh tra giao thông tỉnh Đắk Nông, trong thời gian giữ chức Đội trưởng Thanh tra giao thông của tỉnh này, bị cáo đã “bảo kê” cho hàng trăm chuyến xe tải của một doanh nghiệp vận tải đi lại trên địa bàn Đắk Nông không bị làm khó dễ bởi lực lượng thi hành pháp luật giao thông. Hành vi bảo kê đó được trả tiền đều đặn, tuân thủ nghiêm túc luật “rừng”.
Có rất nhiều điều đáng chú ý như một hiện tượng xã hội rút ra từ vụ án ít ai để ý này. Một cán bộ có hành vi “bảo kê” trong một thời gian khá dài nhưng chẳng bị ai phát hiện và hẳn là được đánh giá có thành tích, năng lực nên được bổ nhiệm lên một chức vụ cao hơn: Từ Đội trưởng được vinh thăng chức Phó Chánh Thanh tra giao thông thuộc sở. Như vậy, công tác bổ nhiệm cán bộ có vấn đề. Chức năng của Thanh tra giao thông là gìn giữ, bảo vệ pháp luật giao thông, phát hiện những vi phạm trong lĩnh vực này, thế nhưng, người Đội trưởng đã làm ngược lại, anh ta bảo vệ sự phi pháp, phá hoại trật tự giao thông. Bản chất của hành vi “bảo kê” nằm ở đây.
Trải qua 2 phiên tòa, bị cáo này đều kêu oan, không nhận tội. Kết quả, phiên phúc thẩm giữ nguyên mức án của bản án sơ thẩm đã tuyên là 7 năm tù. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp - bị cáo bị khép tội “Đưa hối lộ” thành khẩn khai báo được giảm mức án từ 3 năm 6 tháng tù xuống còn 2 năm 6 tháng. Mặc dù chứng cứ nhận hối lộ rất rõ ràng và hành vi “bảo kê” không che nổi mắt ai, có giấy chuyển tiền còn ghi rõ là “tiền làm luật” giao thông thế mà bị cáo vẫn kêu oan, khăng khăng không nhận tội. Tính cách của kẻ “bảo kê” là thế chăng hay là chỉ một mình bị tội thì oan quá(?!).
Sau vụ án đình đám, cả bộ sậu cán bộ Thanh tra giao thông ở Cần Thơ phải ra Tòa và xộ khám thì vụ án này là câu trả lời cho nghi vấn xã hội: Tại sao xe quá khổ, quá tải, tàn phá mặt đường chạy rầm rập suốt ngày đêm mà không có cơ quan chức năng nào xử lý? Câu trả lời đã rõ ràng: Vì được “bảo kê”!
Phiên tòa xét xử hành vi “bảo kê” này cũng là một điểm sáng của công lý, đối lập hoàn toàn với phiên tòa xét xử gần đây với vụ án “lô-gô xe vua” ở Đồng Nai với danh sách hơn 80 cán bộ, cảnh sát giao thông nghi vấn “nhúng chàm” song khi xét xử thì chỉ có tội Đưa hối lộ bị trừng phạt chứ không hề có ai nhận hối lộ cả. Phi lý đến thế là cùng!
Hiện tượng “bảo kê” đang xảy ra rất nhiều ở các lĩnh vực khác nhau, đó đích thực là các tội phạm tống tiền, hối lộ, rất cần đến một sự nghiêm trị đích đáng. Còn để tồn tại nghĩa là tạo môi trường cho “xã hội đen” nảy nở, gây bất ổn trật tự trị an và bất công xã hội.