12h trưa ngày 1/8/2017, Đồn Biên phòng (BP) cửa khẩu cảng Thuận An, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thừa Thiên - Huế nhận được tin báo của ông Ngô Đức Tâm (SN 1960, ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang), thuyền trưởng tàu cá TTH 97679TS về việc tàu của ông đã cứu vớt dưới biển 2 đối tượng có dấu hiệu nghi vấn đánh nhau trên biển và chở vào bàn giao cho đơn vị. 2 đối tượng được Trinh sát Đồn BP cửa khẩu cảng Thuận An xác định liên quan đến một vụ án mạng trên biển gồm Nguyễn Văn Long (SN 1997) và Nguyễn Ngọc Đầu (SN 1991), đều quê ở Thượng Đức, Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.
Long và Đầu khai, vào khoảng 9 giờ ngày 30/7/2017, trong khi đang nhậu với một số ngư dân trên tàu cá QB 92643TS do ông Nguyễn Văn Thân (47 tuổi, ở thôn Thượng Đức) là bố đẻ của Long và Đầu làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng đang hoạt động trên biển thì anh Phạm Văn Thiết (SN 1997) bị Nguyễn Ngọc Đầu nhắc nhở là đừng uống nữa để còn đi đánh cá. Do bất mãn nên anh Phạm Văn Thiết đã cãi nhau với Đầu, sau đó lấy dao chém Nguyễn Ngọc Đầu bị thương nhẹ ở ngón trỏ trái.
Thấy vậy, Nguyễn Văn Long (em trai của Nguyễn Ngọc Đầu) đã lấy dao ở dưới bếp của tàu dài khoảng 20cm chạy tới đâm sau lưng Phạm Văn Thiết, làm anh Thiết bị thương nặng. 14h30 cùng ngày, khi đang trên đường vào bờ, nạn nhân đã tử vong. Tàu cá QB 92643TS tiếp tục di chuyển vào bờ, đến khoảng 23 giờ cùng ngày, khi tàu còn cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 30 hải lý thì 2 đối tượng Long và Đầu vì lo sợ gia đình nạn nhân trả thù nên đã nhảy xuống biển. Khoảng 15 phút sau thì được tàu cá TTH 97679TS cứu vớt.
Đến sáng ngày 1/8, ông Tâm cùng những người trên tàu cá TTH 97679TS đã đưa 2 đối tượng về bờ và thông báo Đồn BP cửa khẩu cảng Thuận An tiếp nhận. Trước đó, ngày 31/7/2017, tàu cá QB 92643TS đã cập bờ tại Đà Nẵng để bàn giao thi thể nạn nhân và khai báo về vụ án mạng cho cơ quan chức năng.
Trước đó, ngày 31/5/2017, trên tàu cá mang biển hiệu TH 90949TS, do ông Nguyễn Văn Đài (SN 1972, ở thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) làm chủ, Nguyễn Văn Thắng (SN 1973, ngụ xã Hà Đông, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) đã chém trọng thương 3 ngư dân trên tàu, trong đó có chủ tàu Nguyễn Văn Đài. Tàu cá TH 90949TS có 5 thuyền viên đi đánh bắt cá trên vùng biển Thanh Hóa từ ngày 27/5/2017. Trong sáng ngày 31/5 thì xảy ra mâu thuẫn, ngư dân Nguyễn Văn Thắng dùng dao chém bị thương 3 thuyền viên ở tay và lưng gồm ông Nguyễn Văn Đài (chủ tàu), Nguyễn Văn Sơn (SN 1974, ở thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc) và Nguyễn Văn Quang (SN 1981, ở thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc).
Theo lời khai của các đối tượng, khi ông Đài cùng các thuyền viên đang đánh bắt hải sản thì Thắng nói bị đau lưng và xin nghỉ ngơi. Thắng vào cabin nghỉ một lúc thì giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến việc Thắng dùng dao chém 3 người. Thấy Thắng vung dao chém bị thương các thuyền viên nên 4 người trên tàu cá đã khống chế Thắng và cho tàu cá chạy về bờ. Đồng thời, báo cáo sự việc tới chính quyền địa phương và BĐBP.
Chiều 31/5, khi tàu cá cập bờ, lực lượng BĐBP 114 (thuộc BĐBP tỉnh Thanh Hóa) đã phối hợp với Công an xã Ngư Lộc tiến hành bắt giữ và di lý đối tượng Nguyễn Văn Thắng về cơ quan điều tra. 3 thuyền viên bị thương sau đó đã được người nhà đưa lên Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) chữa trị. Còn Nguyễn Văn Thắng cũng bị thương nhẹ, được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc dưới sự giám sát của BĐBP 114.
Đi lao động trên tàu cá, ngư dân trân trọng gọi là “đi bạn”. Trên con tàu lênh đênh giữa biển cả bao la, mỗi chuyến biển, các ngư dân phải lao động vất vả, thiếu thốn nhiều thứ, họ phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, cùng nhau chống chọi, vật lộn với sóng gió, bão biển, con tàu thành ngôi nhà chung của họ nên mọi người rất gắn bó với nhau. Rượu luôn là nguyên nhân dẫn tới bạo lực trên biển, biến các ngư dân hiền lành, chăm chỉ thành những kẻ sát nhân, vi phạm pháp luật.
Ngày 10/9/2015, ngư dân Huỳnh Văn Bảo Hoàng (44 tuổi, trú tại xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, An Giang) do rượu đã đâm chết anh kết nghĩa là ông Trương Xuân Thành (50 tuổi, trú tại khối 1, thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Hoàng bản tính cục mịch, lúc nào cũng kể nhà mình rất nghèo, đời chỉ biết đi biển. Con “ma men” đã nhập vào người Hoàng dẫn đến thảm kịch “huynh đệ tương tàn”.