Trên trang cá nhân “Cục Hải quan thanh lý xe trốn thuế” những phương tiện nhập lậu bị tịch thu. Theo đó một số loại xe SH 150i nhập Italy 15 triệu, đặt cọc 1,5 triệu; xe Dream Thái 5 triệu, đặt cọc 500.000 đồng; xe Wave a 5 triệu, đặt cọc 500.000 đồng;…
Giải thích rõ hơn, những người “thanh lý xe” của “Cục Hải quan” còn đăng tải: “Các đối tượng bán nhập lậu xe từ Campuchia về, các xe này đã được nhập về Việt Nam đi qua bộ phận hải quan nên bị chúng tôi thu giữ, hầu hết đều là xe mới 100% và chính hãng. Hiện tại bộ phận thanh lý xe của Cảng hải quan Campuchia đang thanh lý tất cả các xe máy xịn nhập chính hãng, số tiền thanh lý được sẽ để tặng các trẻ em nghèo vui chơi Trung thu. Bạn rảnh thì qua xem xe, còn số điện thoại của Cục Hải quan bên mình chỉ nhận những thông báo quan trọng nên không cho số được, bạn thông cảm. Bên mình nhận chuyển xe toàn quốc. Địa chỉ: Cây Me số 18 Cục Hải quan hàng hải 54 giáp biên giới Campuchia 12km”.
Để lấy được xe, khách hàng phải đặt cọc 1,5 triệu bằng cách mua thẻ cào mệnh giá 500.000 đồng. Tuy nhiên, khi tìm cách liên lạc với fanpage, người dân không nhận được bất cứ phản hồi nào, địa chỉ giáp biên giới Campuchia cũng được xem là một “địa chỉ ma” khi không có bất cứ ai bán xe ở đó.
Theo quy định, việc thanh lý xe trốn thuế (nếu có) sẽ được thực hiện bằng phương thức đấu giá, nhưng trang web này ngang nhiên đưa ra thông tin “Cục Hải quan thanh lý xe trốn thuế” nhằm lừa đảo những người ham rẻ. Với mức giá “trên trời”, thông tin trên bỗng thu hút sự chú ý của nhiều người. Tuy vậy, vì thanh toán qua thẻ cào điện thoại ai cũng cho rằng đây chắc chắn là một chiêu trò lừa đảo. Chỉ vài ngày sau đó, Tổng cục Hải quan xác nhận không có chuyện Hải quan lập fanpage để rao bán, thanh lý xe trốn thuế, cho nên những fanpage trên là hoàn toàn giả mạo.
Mặc dù đã được Tổng cục Hải quan lên tiếng cảnh báo, song fanpage này vẫn tiếp tục đăng tải thông tin gây nghi ngờ cho nhiều người. Chiều ngày 24/8, fanpage này tiếp tục rao: “1.073 xe máy thanh lý đợt 1 đã hết, thu về hơn 11 tỉ. Số tiền này đã được gửi đi các tỉnh, thành trên cả nước để ủng hộ trẻ em nghèo chơi Trung thu vui vẻ”. Sau đó, chủ fanpage lại mở đợt thanh lý thứ 2. Khác với đợt trước, lần này trang cá nhân đưa thông tin rõ ràng hơn về địa chỉ và “câu kéo” thêm hình thức lừa đảo khác.
Nội dung như sau: “Thanh lý công khai tại 732 Nguyễn Trung Trực, P. An Hòa, TP.Rạch Giá. Nguồn gốc hàng hóa : Sản phẩm tiến hành thanh lý trực thuộc Hải quan tỉnh Cà Mau. Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng được Cục Đăng kiểm tiến hành khảo sát trực tiếp. Các mặt hàng sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ được hưởng chính sách bảo hành chính hãng của các hãng xe máy có mặt tại thị trường trong nước như Honda, Sym, Suzuki, Yamaha, Vespa. Các sản phẩm nhập khẩu chúng tôi yêu cầu người mua kiểm tra rõ chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng. Khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mua nguyên lô sẽ được hưởng chính sách theo diện doanh nghiệp hóa giá”.
Để tăng thêm độ tin cậy, trang này còn biện minh: “Khi mua hàng trực tiếp tại Bãi kho I (732 Nguyễn Trung Trực, P.An Hòa, TP.Rạch Giá) sẽ được cung cấp đầy đủ hóa đơn và hồ sơ kèm theo xe trực tiếp để cá nhân mua hàng có cơ sở đăng ký xe mới theo quy định pháp luật. Toàn bộ hàng đều là xe mới 100% nguyên thùng, chưa qua sử dụng.
Khách hàng có nhu cầu đặt hàng vui lòng thanh toán theo mã đơn hàng tại ngân hàng trên toàn quốc, sản phẩm sẽ được bàn giao và hỗ trợ đăng ký trực tiếp tại nơi giao hàng. Phí phát sinh khách hàng mua hàng tự chịu”. Mặc dù thông tin được công khai ở TP.Rạch Giá, nhưng toàn bộ số xe trên ảnh lại nằm ở đường Trần Quang Khải, Hà Nội. Nhiều người còn lật tẩy, email của trang cá nhân này đưa ra hoàn toàn giả, thậm chí vài năm trước cũng có thông tin thanh lý hàng hải quan ở địa chỉ trên nhưng khi đến nơi nhiều người mới biết đó là thông tin lừa đảo.
Lộ rõ đây là một hình thức lừa đảo mới nhưng bao lâu nay cơ quan chức năng vẫn chưa bắt giữ những đối tượng này. Thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát của Bkav cho biết, nửa đầu năm 2015 trung bình mỗi ngày xuất hiện thêm 40 trang giả mạo facebook lừa lấy tiền mật khẩu dùng cho việc lừa và phát tán tin nhắn rác. Bằng việc tạo các website, fanpage, facebook… giả mạo trang nạp thẻ để tăng lòng tin từ phía người dùng, kẻ xấu đã “móc túi” nhiều nạn nhân với số tiền lên tới vài triệu đồng. Trung bình mỗi tháng có 200 website giả mạo nạp thẻ như vậy được kẻ xấu dựng lên. Các chuyên gia Bkav khuyến cáo người dùng khi nhận được các thông báo có nội dung khuyến mãi hấp dẫn, nên xác minh lại thông tin, không nên thực hiện theo hướng dẫn trên các website chưa tin cậy.
Những thông tin lừa đảo tràn ngập mạng facebook mỗi ngày phần nào khiến người dân cảnh tỉnh hơn. Trò lừa này không mới nhưng dường như các chiêu trò ngày càng tinh vi, đánh trúng tâm lý ham rẻ, tin tưởng vào các nguồn hàng “bất chính” nên những trang web vẫn lừa được những người “nhẹ dạ cả tin”./.