Một Thị giả khác là Thích Vĩnh Trì, đồng hương An Huy của Thích Vĩnh Tín, nói ông đã ra sức bảo vệ sư phụ trong các vụ tranh chấp giữa Thích Vĩnh Tín với dân địa phương, nhưng cuối cùng vẫn bị Thích Vĩnh Tín đuổi khỏi chùa do không đồng tình với việc giao cho Bàng Siêu thầu kinh doanh việc thắp hương trong chùa. Ông nói: “Tôi phụ trách việc thắp hương hơn 2 năm, mỗi năm thu được hơn 10 triệu tệ đều giao hết cho Thích Vĩnh Tín”.
Phía Thiếu Lâm Tự đã phản pháo lại bằng cách cung cấp cho báo chí thông tin: Thích Diên Lỗ bị nhà chùa xóa tên khỏi tăng đoàn do hoàn tục, lấy vợ và sinh con, nhưng đoàn tố cáo đã bác bỏ điều này.
Việc xuất hiện Đoàn tố cáo của Thích Diên Lỗ đã gây nên sự chú ý đặc biệt của công chúng. Phương trượng Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín có vị trí và quyền lực nhất định trong giới tôn giáo và cả chính trị, vì vậy người ta cho rằng nếu không có thế lực mạnh đứng đàng sau thì không ai dám đứng ra công khai tố cáo, vì vậy có thể coi đây là cuộc đấu quyết liệt giữa hai phe đang tranh giành quyền kiểm soát Thiếu Lâm Tự.
Quỵt tiền xây Học viện Phật giáo
Trong khi Thiếu Lâm Tự và Thích Vĩnh Tín còn đang bận rộn đối phó với những cáo giác phạm tội của chính những thành viên cũ của nhà chùa thì ngày 10/8 lại xuất hiện thêm việc 3 công ty xây dựng gửi thư đi các nơi tố cáo Phương trượng Thích Vĩnh Tín nợ tiền họ 6 năm không trả.
Ba công ty Lục Thành, An Tín và Kiến Phát ở thành phố Nam Dương cho biết, họ nhận thầu xây dựng công trình Học viện Phật giáo Đồng Bách Nam Dương Hà Nam từ đại diện bên A là Thích Vĩnh Tín. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 7 năm nay nhưng Thích Vĩnh Tín tìm đủ mọi cớ để không trả tiền cho họ.
Việc Thích Vĩnh Tín không trả tiền đã khiến họ không thể thanh toán tiền công cho hàng trăm thợ xây nông dân. Những nông dân này đã nhiều lần kéo về thành phố Nam Dương biểu tình đòi trả tiền. Lúc đầu Thích Vĩnh Tín lấy lý do tranh chấp về số liệu xây dựng từ chối trả tiền. Sau đó, khi thấy kết quả thanh tra bất lợi cho mình, Thích Vĩnh Tín không chấp nhận, cơ quan tư pháp đã vào cuộc, phán quyết phần sai thuộc về phía Thích Vĩnh Tín.
3 công ty đã khởi kiện, Tòa án Đồng Bách phán quyết phía Học viện Phật giáo trong vòng 10 ngày phải trả tiền cho các nguyên cáo, nhưng Thích Vĩnh Tín không chấp nhận và kháng án. Sau khi tòa xử chung thẩm vẫn khẳng định phần thắng thuộc về 3 công ty, Thích Vĩnh Tín đã lợi dụng thân phận đặc biệt của mình chạy vạy khắp nơi tìm mọi cách gây sức ép, can thiệp quá trình tư pháp, yêu cầu tòa xử lại…
Thư của 3 công ty yêu cầu Cục Tôn giáo và các cơ quan có liên quan triệt để làm rõ các hành vi phạm tội của Thích Vĩnh Tín, yêu cầu cơ quan tư pháp khắc phục trở ngại và vượt qua sự mua chuộc của tiền bạc, nhanh chóng có phán quyết công bằng, trả lại lẽ phải cho họ, không để pháp luật trở thành đồng lõa với Thích Vĩnh Tín, chấm dứt việc trì hoãn thi hành án để những người thợ nông dân được nhận những đồng tiền công đánh đổi bằng mồ hôi, thậm chí cả máu của họ.
Bán thuốc giả và cơm, cháo Thiền tu đắt như vàng
Trước đó, ngày 6/8/2015, báo “Thanh niên Bắc Kinh” đăng bài “Thiếu Lâm dược cục suốt 11 năm qua bán thuốc giả ra thị trường” gây xôn xao dư luận. Thiền, Y, Võ là 3 “đặc sản” nổi tiếng của Thiếu Lâm Tự. Thiếu Lâm Dược cục – niềm tự hào của y tông cửa Phật Trung Quốc, được mở từ năm 1217, từ thời Minh đã thiết lập cơ cấu điều trị và chế độ y vụ hoàn chỉnh, trải qua mấy trăm năm các thế hệ cao tăng đã nghiên cứu, bào chế ra nhiều bài thuốc bí truyền chữa bệnh cho bàn dân thiên hạ.
Sau đó do biến động lịch sử, Thiếu Lâm Dược cục bị đóng cửa, đến năm 2004 thì được mở cửa trở lại. Từ đó đến nay, hoạt động như một công ty, Thiếu Lâm Dược cục tên gọi chính thức là “Công ty hữu hạn Dược cục Thiếu Lâm Đăng Phong”, phạm vi kinh doanh gồm: sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thuốc kháng khuẩn, hương liệu.
Cao dán bị tố là hàng giả được bán tại Thiếu Lâm Dược |
Hiện trang web của Thiếu Lâm Dược cục thường xuyên rao bán 12 loại sản phẩm khác nhau, bao gồm thuốc ngâm rượu, cao dán, thuốc bôi, thuốc uống…một số thứ được quy vào nhóm “dược phẩm dùng bên ngoài”. Tuy nhiên, phóng viên báo “Thanh niên Bắc Kinh” tìm hiểu thì thấy chỉ những sản phẩm dùng để trang điểm (3 loại sản phẩm dưỡng da, bảo vệ da) là có đăng ký với Cục quản lý dược, thực phẩm tỉnh Hà Nam, còn các loại sản phẩm khác đều không hề có giấy phép sản xuất hay đăg ký chất lượng sản phẩm.
Nghiêm trọng hơn, hai sản phẩm nổi tiếng là Cao dán hoạt lạc Đạt Ma và Cao dán mạnh gân cốt Đạt Ma do Thiếu Lâm Dược cục bán nhưng nơi sản xuất và đăng ký chất lượng lại của những cơ sở trôi nổi ngoài xã hội chả ai biết đến. Ngày 3/8 vừa qua, sau khi những bê bối của Phương trượng Thích Vĩnh Tín được báo chí đăng tải, Thiếu Lâm Dược cục mới vội vã đến cơ quan có trách nhiệm là Cục quản lý giám sát thực-dược phẩm thành phố Đăng Phong làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh.
Báo “Thanh niên Bắc Kinh” khẳng định: Thiếu Lâm Dược cục không sản xuất, không đăng ký chất lượng những loại thuốc này nên có thể coi suốt 11 năm qua họ đã kinh doanh thuốc giả.
Trước đó, ngày 28/6/2015, Phương trượng Thích Vĩnh Tín của Thiếu Lâm Tự đã chủ trì lễ khai trương nhà hàng mang tên “Thiếu Lâm đô thị Thiền đường” thuộc Trung tâm giao lưu văn hóa Thiếu Lâm Hà Nam đặt tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây.
Ông Thích Vĩnh Tín nói việc mở Thiền đường là một hình thức hoằng dương Phật pháp mới, nhằm “cung cấp phương thức sinh hoạt dưỡng sinh, kiện thể và giảm áp lực, giúp nâng cao cảnh giới tư tưởng, phẩm chất sống và chỉ số hạnh phúc cho cư dân đô thị”.
Tuy nhiên, giá cả của Thiền đường đã khiến mọi người choáng váng: cơm nấu bằng “gạo Thiền tu” giá thành 520 tệ/kg (1, 8 triệu VNĐ) được bán với giá 80 tệ/bát (280 ngàn VNĐ), mỗi bát cháo bán 30 tệ (105 ngàn VNĐ). Công ty Thúy thảo Bích diệp Thiểm Tây hợp tác với Thiếu Lâm Tự giải thích: giá đắt vì sử dụng loại “gạo hữu cơ chứa nhiều loại nguyên tố vi lượng, ăn thường xuyên sẽ có tác dụng kháng suy lão, kháng oxy hóa”.
Dư luận phản ứng, cho rằng đây là thủ đoạn mượn danh Phật để kiếm tiền. Để tránh vạ lây, ngày 1/7/2015, Tỉnh hội Phật giáo Thiểm Tây đã ra tuyên bố không có liên quan gì với Thiền đường này; Thiếu Lâm Tự cũng vội vàng thông báo không có liên quan gì đến công ty gạo Thúy thảo Bích diệp dù trước đó đã mời dự lễ khai trương và quảng cáo cho họ.
Ngày 4/8, Hội Phật giáo tỉnh Thiểm Tây một lần nữa ra tuyên bố: Thiếu Lâm đô thị Thiền đường cùng giá cả của cái gọi là “Thiền tu cống phẩm” như cơm Thiền tu, cháo Thiền tu, đi ngược lại quan niệm của Phật giáo Trung Quốc. Hội tuyên bố “Tự viện là chốn thanh tịnh, chúng tôi phản đối việc mượn danh Phật để kiếm tiền”.