Hơn 20,4 tấn ma túy bị bắt
Đó là những số liệu được công bố trong Hội nghị Báo cáo tổng kết chương trình phòng, chống ma túy đến giai đoạn 2020 và xây dựng Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 vừa được Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An tổ chức.
Theo báo cáo thường niên của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc, tình hình ma túy trên thế giới và khu vực trong những năm qua tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Thế giới đã xuất hiện nhiều loại ma túy mới, không thuộc danh mục kiểm soát của các Công ước quốc tế về ma túy.
Tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển, lạm dụng các loại, chất ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gia tăng ở hầu hết các quốc gia và xu hướng ngày càng khó kiểm soát. Châu Á là địa bàn sản xuất thuốc phiện trái phép nhiều nhất thế giới. Đặc biệt, trong những năm qua đã trở thành thị trường lớn nhất về tiêu thụ các loại ma túy tổng hợp và chất hướng thần.
Tại Việt Nam, do chịu tác động của tình trạng buôn bán ma túy trên thế giới và khu vực, đặc biệt là sản xuất thuốc phiện và ma túy tổng hợp gia tăng, phạm tội về tệ nạn ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, trở thành “điểm nóng” của khu vực Tam giác vàng. Nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường hàng không và đường biển. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động.
Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo về phòng chống ma túy. |
Tội phạm ma túy phức tạp nhất là tại địa bàn huyện Vân Hồ, Sông Mã, Mộc Châu (tỉnh Sơn La), huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) và một số thành phố lớn. Đây là những địa bàn thường xuyên có nhiều toán tội phạm ma túy có vũ khí, vận chuyển ma túy với số lượng lớn vào nội địa, mỗi chuyến tới hàng trăm bánh heroin. Các băng nhóm này rất manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy bắt sẽ gây nhiều tổn thất về người, tài sản cho lực lượng chức năng.
Tính từ năm 2017 đến tháng 6/2020, các lực lượng phòng chống ma túy trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ 81,4 nghìn vụ với 124,1 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ trên 20,4 tấn ma túy các loại, 4,2 triệu viên ma túy tổng hợp, trên 13 tấn hóa chất, tiền chất để sản xuất trái phép ma túy tổng hợp, tăng gần 11% cả về số vụ và số đối tượng bị bắt giữ và tăng gần 70% về số lượng ma túy bị thu giữ so với giai đoạn trước.
Trong số những vụ án ma túy phải kế đến chiến công của C04 phối hợp với Công an Hà Tĩnh bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Hữu Hải (37 tuổi, trú Hà Tĩnh) và Trần Long Biên (27 tuổi), thu giữ 45 kg ma túy tổng hợp dạng đá vào ngày 6/2/2020. Trước đó, vào ngày 15/4/2019, Phòng 3/C04 phối hợp với Công an Nghệ An, Hà Tĩnh bắt 5 đối tượng, thu giữ 580 kg ma túy tổng hợp dạng đá và 40 bánh heroin….
Cũng trong giai đoạn này, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 68.4 nghìn vụ với 83,2 nghìn bị can về ma túy. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 70,5 nghìn vụ với 90,1 nghìn bị cáo phạm tội về ma túy để xét xử sơ thẩm. Trong số 81,7 nghìn bị cáo được đưa ra xét xử, Tòa án đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình đối với 1,8 nghìn bị cáo…Một số tòa án địa phương có tỷ lệ vụ án ma bán túy cao trong tổng số các vụ án hình sự phải giải quyết như: Hà Nội, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An….
Tăng cường kiểm soát tiền chất, ma túy mới
Theo số liệu thống kê từ cơ quan quản lý, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tiếp tục tăng trong các năm qua.Hiện cả nước có 234,6 nghìn người nghiện ma túy có trong hồ sơ quản lý, tăng 10% so với năm 2016. Tuy nhiên, nếu thống kê cả người nghi nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy thì con số còn cao hơn nhiều. Đáng báo động, tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến.
Tội phạm về ma túy gia tăng trong thời gian qua có nhiều lý do. Đầu tiên phải kể đến nguyên nhân khách quan bao gồm yếu tố lịch sử, địa lý: Việt Nam nằm gần khu vực Tam giác vàng, có vị trí, địa lý, nhất là tuyến biên giới trải dài, địa hình phức tạp, nhiều đường mòn, lối mở, tuyến biển phạm vi rộng, lực lượng PCMT còn mỏng, nhiều khó khăn trong việc kiểm soát nên tội phạm ma túy thường lợi dụng để vận chuyển trái phép chất ma túy vào trong nước hoặc đưa sang nước khác.
Việc tồn tại các tụ điểm phức tạp, thậm chí là “điểm nóng” về ma túy là do số người nghiện ma túy ở xã hội còn nhiều. Ma túy thẩm lậu vào trong nước chưa được ngăn chặn triệt để. Sự gia tăng của tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực tác động mạnh, cùng với số lượng người nghiện cao, tạo “áp lực cầu” lên “nguồn cung” làm cho tình hình ma túy ngày càng phức tạp.
Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an. |
Sự phát triển nhanh chóng của các địa điểm vui chơi, giải trí như quán bar, vũ trường, karaoke…hay các loại hình kinh doanh có điều kiện về ANTT như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ… cũng làm gia tăng số người nghiện. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chế tài xử lý, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn nhiều sơ hở, bất cập làm phát sinh các tụ điểm phức tạp về ma túy. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, mua bán ma túy mang lạisiêu lợi nhuận, yếu tố tất yếu của quy luật cung – cầu dẫn đến sự tồn tại, gia tăng tệ nạn ma túy.
Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 của Chính phủ đã đạt được một số kết quả quan trọng, song dự báo tình hình tội phạm về tệ nạn ma túy những năm tới còn tiếp tục diễn biến theo hướng ngày càng phức tạp hơn. Việc xuất hiện, lan rộng của các loại ma túy tổng hợp, nhiều chất hướng thần mới đặt ra nhiều thách thức to lớn trong việc kiểm soát, ngăn chặn việc sản xuất ma túy tổng hợp ở trong nước và nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.
Do vậy, công tác phòng, chống ma tuý giai đoạn 2021-2025 rất cần được quan tâm, tập trung chỉ đạo, đổi mới cả về tư duy, biện pháp và cách làm. Trong đó, cần phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trong xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, không để tội phạm ma túy lợi dụng vào việc sản xuất, mua bán các chất ma túy trong nội địa.
Tập trung đánh giá, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vận chuyển, ma bán ma túy tử nước ngoài vào nội địa, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
Để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống ma túy trong thời gian tới, Ủy ban Quốc gia đưa ra một số kiến nghị đối với từng bộ, ban ngành riêng. Trong đó, đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Tư pháp theo chức năng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai…nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay.