Hành hung bảo vệ và điều dưỡng
Công an TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng xảy ra tại BVĐK tỉnh Lâm Đồng vào tối 15/5.
Theo văn bản của BVĐK tỉnh Lâm Đồng gửi Công an TP Đà Lạt, khoảng 22h ngày 15/5, Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân L.T.M.H. (22 tuổi, ngụ đường Phù Đổng Viên Vương, phường 8, TP Đà Lạt) trong tình trạng không ăn uống được, đau tức ngực, tê chân tay. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân H. bị suy nhược cơ thể, theo dõi hạ đường huyết, thiếu máu cơ tim và tiến hành điều trị cho bệnh nhân.
Thời điểm này, Khoa Cấp cứu có 12 bệnh nhân đang được cấp cứu, điều trị. Trong lúc ca trực đang điều trị cho bệnh nhân H. và những bệnh nhân khác, ông Lê Văn Phúc (51 tuổi, ngụ đường Đào Duy Từ, phường 3, TP Đà Lạt, cha của bệnh nhân H.) đứng trong phòng cấp cứu gọi điện thoại nói rất lớn tiếng, gây mất trật tự.
Thấy vậy, các y, bác sĩ và bảo vệ của BV là anh Nguyễn Võ Hoàng Phong tới nhắc nhở, yêu cầu ông Phúc ra ngoài. Sau khi ra ngoài, ông Phúc và Lê Quốc Phong (24 tuổi, con trai ông Phúc và là anh của bệnh nhân H.) tiếp tục gây rối, chửi mắng các y, bác sĩ có mặt tại đây. Tiếp đó, lợi dụng lúc anh Hoàng Phong mở cửa phòng cấp cứu để tiếp nhận bệnh nhân, ông Phúc liền lao vào đấm anh, gây náo loạn khu vực này.
Một vụ côn đồ hành hung cán bộ y tế ngay tại bệnh viện (ảnh internet) |
Không những thế, Phong cũng lao vào cùng cha vây đánh anh Hoàng Phong, khiến nạn nhân ngã gục xuống nền. Trước hành vi hung hãn của người nhà bệnh nhân H., nhiều y, bác sĩ ca trực đã tới can ngăn, yêu cầu 2 cha con ông Phúc ra khỏi khu vực cấp cứu, nhưng cả 2 không chấp hành. Lúc này, điều dưỡng Bùi Thị Thùy tới căn ngăn và nói với Phong: “Đây không phải là chỗ đánh nhau, mời anh ra ngoài”.
Ngay lập tức, Phong liền giật bảng tên, rồi liên tiếp đánh, tát vào mặt chị Thùy. Nhận được tin báo, Công an phường 6 (TP Đà Lạt) lập tức có mặt để ngăn chặn. Nhờ thế, sự việc mới được vãn hồi. Toàn bộ diễn biến của sự việc cũng được camera an ninh của BV ghi lại. Theo ông Lê Văn Tiến - Giám đốc BVĐK tỉnh Lâm Đồng, mặc dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng hành vi của người nhà bệnh nhân H. đã đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của y bác sĩ; gây tâm lý hoang mang, bất an cho đội ngũ nhân viên y tế của BV.
“Hành vi của người nhà bệnh nhân H. đã làm gián đoạn hoạt động của Khoa Cấp cứu khoảng 40 phút. Họ rất hung hãn, tôi đã đề nghị công an làm rõ và xử lý các đối tượng mang tính côn đồ này”, ông Tiến cho biết.
Cũng theo ông Phúc, các thông tin, hình ảnh và clip từ camera an ninh liên quan đến vụ việc đã được BV cung cấp cho phía cơ quan chức năng. Sau khi nhận được văn bản từ BVĐK tỉnh Lâm Đồng, ngay trong ngày, Công an TP Đà Lạt đã đưa hai cha con ông Phúc đến Khoa Cấp cứu của BV để dựng lại hiện trường, điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng tại tỉnh Lâm Đồng, vào trưa 9/4 vừa qua, Nguyễn Văn Hùng (46 tuổi, ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP Đà Lạt) lái ô tô chở vợ vào cổng BV Hoàn Mỹ Đà Lạt. Lúc này, anh Nguyễn Anh Tú (bảo vệ trực cổng BV) yêu cầu 2 người đo thân nhiệt và khai báo y tế để phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Hùng không hợp tác, còn có những lời thách thức, hăm dọa. Dù anh Tú giải thích đang thực hiện quy định của Bộ Y tế và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19, mong sự hợp tác, nhưng Hùng vẫn cố tình chạy xe vào cổng, đụng cánh tay phải anh Tú, khiến gương chiếu hậu bị gập lại. Lúc này, Hùng xuống xe, đấm vào mặt anh Tú 2 - 3 cái.
Sau đó, đối tượng lên xe ô tô, rồi lái vào khu cấp cứu của BV, cùng vợ tiếp tục có những lời lẽ xúc phạm nhân viên ở đây. Trước tình hình này, BV Hoàn Mỹ Đà Lạt phải cấp báo đến Công an phường 10 (TP Đà Lạt) đến can thiệp. Thế nhưng, đến 11h30 cùng ngày, khi Hùng lái ô tô ra cổng BV, bảo vệ trực cổng yêu cầu dừng xe để làm việc thì đối tượng này lại to tiếng, đòi chém bảo vệ.
Ngày 10/4, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND TP Đà Lạt đã ký các văn bản hỏa tốc, giao công an khẩn trương điều tra, xác minh, lập hồ sơ xử lý nghiêm vụ việc. Đến ngày VKSND TP Đà Lạt đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Công an TP Đà Lạt đối với Nguyễn Văn Hùng về hành vi chống người thi hành công vụ theo theo quy định tại Khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự.
Cần chế tài mạnh để răn đe
Những năm gần đây, vấn nạn hành hung y, bác sĩ đã không còn quá xa lạ với nhiều người. Đáng quan ngại hơn khi các sự vụ hành hung y, bác sĩ diễn ra ngày càng ngang nhiên, nghiêm trọng và không ngừng gia tăng theo từng năm.
Tại hội thảo chuyên đề “Bảo vệ Blouse trắng” diễn ra vào cuối năm 2019, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, trên thế giới, nhân viên y tế bị bạo hành gấp 4 lần so với ngành nghề khác. Ở Việt Nam, bạo hành trong ngành y tế có tỷ lệ cao, chiếm 25% tổng số bạo hành tại nơi làm việc.
Chỉ từ năm 2010 đến tháng 5/2017, có 26 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự BV, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong vì bị bạo hành. Đáng nói, hầu hết nhân viên y tế bị bạo hành ở thời điểm đang phục vụ người bệnh. Tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% là điều dưỡng.
Theo ông Khoa, tại Việt Nam, việc xử lý bạo hành, gây hấn, xúc phạm nhân viên y tế còn quá nhẹ tay, chưa có chế tài xử phạt nặng nên tình trạng bạo hành xảy ra rất phổ biến. Trong khi ở các nước, hành vi này có thể sẽ bị giam giữ. Công đoàn ngành y tế cũng đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự để đảm bảo hành vi tấn công nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ, cũng phải chịu hình thức xử phạt tăng nặng và hình phạt có tính răn đe như khi tấn công các lực lượng thi hành công vụ khác…
Ngành y tế những năm qua đã có rất nhiều cuộc hội thảo, rất nhiều phân tích, nhiều chỉ đạo đã được đưa ra để nhằm hạn chế vấn đề. Cơ quan công an cũng đã vào cuộc ráo riết, những kẻ hành hung đều bị bắt và xử lý theo pháp luật.
Thế nhưng, số lượng y, bác sĩ bị hành hung không những không giảm bớt mà còn tiếp tục tăng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các vụ hành hung nhân viên y tế và gây rối BV liên tiếp diễn ra không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần cũng như động lực, sự tận tụy của các nhân viên y tế. Nhìn vào công việc hàng ngày của các y, bác sĩ mới thấy họ rất căng thẳng vì cường độ làm việc chịu nhiều áp lực cao.
Bởi vậy, họ rất cần người nhà người bệnh nhân hiểu và thông cảm với công việc của họ. Khi an ninh BV được đảm bảo, nhân viên y tế sẽ an tâm với việc cấp cứu, thăm khám cho người bệnh.