Cảnh báo về những sai lầm khi chăm sóc mắt mùa xuân - hè

(PLVN) - Thời tiết nồm ẩm mùa xuân, nóng bức mùa hè, ô nhiễm môi trường, khói bụi, chọn thuốc không an toàn hay sử dụng không đúng cách… là nguyên nhân làm gia tăng những bệnh về mắt trong mùa xuân hè. 
Bác sĩ Hoàng Cương đang thăm khám cho một bệnh nhân
Bác sĩ Hoàng Cương đang thăm khám cho một bệnh nhân

Bước vào thời tiết nóng nực, số lượng bệnh nhân phải tới khám mắt tại các bệnh viện đang tăng từng ngày. Theo Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện mắt Trung ương, hiện nay, ngày đông nhất, bệnh viện tiếp nhận tới 1.600 người đến khám. Vào thời gian cao điểm, con số này có thể lên tới gần 3.000 người/ngày. 

Đề cập tới các bệnh về mắt trong mùa hè, Bác sĩ Cương cho biết, thời gian này, phần lớn các ca bệnh là dị ứng, đau mắt đỏ, khô mắt... 

Tại buổi khám mắt vừa được tổ chức ở Hà Nội, Bác sĩ Cương đã đưa ra cảnh báo về những sai lầm khi chăm sóc, bảo vệ mắt cũng như những khuyến cáo cách phòng chống các bệnh về mắt, sử dụng các sản phẩm chăm sóc, điều trị bệnh về mắt an toàn, hiệu quả.

Theo đó, vị Bác sỹ cho biết, trong những tháng đầu năm, mọi người thường có nguy cơ cao mắc bệnh viêm kết mạc mùa xuân với các triệu chứng như bị ngứa, đỏ mắt, hay thậm chí chảy nước mắt kèm theo nhiều ghèn, thường tái phát. 

Bước vào mùa hè, mọi người lại hay mắc hội chứng khô mắt. Hội chứng này xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi với các biểu hiện như cay mắt, cảm giác buốt như kim châm, dụi mắt, chói mắt, có các vệt sáng qua mắt thất thường, trào nước mắt. Hội chứng này gây đau, xước giác mạc, chảy nước mắt, khô khốc.

Vì luôn cảm thấy khó chịu trong mắt nên người khô mắt có thể bị giảm tập trung công việc, giảm năng suất lao động. Nếu không dược điều trị, các triệu chứng trên sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, nặng hơn, làm giảm thị lực và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh. Bệnh nhân sẽ khó chịu, cảm thấy chói, cộm, sợ ánh sáng, không mở được mắt. 

Theo Bác sĩ Hoàng Cương, một số bệnh về mắt hay chấn thương mắt có thể để lại hậu quả lâu dài. Vì vậy, khi mắc bệnh, bệnh nhân cần tới khám bác sĩ chuyên khoa mắt, điều trị đúng liều lượng và dứt điểm. Đồng thời, cần áp dụng biện pháp phòng ngừa đơn giản như rửa mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày.

“Khi bị bụi hoặc nước bẩn bắn vào mắt có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, tránh day dụi mắt. Hàng ngày làm sạch mắt bằng cách 6-8 tiếng 1 lần, nhỏ nước muối sinh lý hoặc tối thiểu là 1 ngày 2 lần vào buổi sáng và tối. Biện pháp này cũng rất hiệu quả trong phòng tránh bệnh khô mắt”, Bác sỹ khuyến cáo.

Với phụ nữ hay dùng mỹ phẩm, nước muối sinh lý cũng rất cần thiết cho việc làm sạch mắt sau khi tẩy trang, giúp loại bỏ các hóa chất lọt vào mắt trong quá trình trang điểm và tẩy trang.

Song, Bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương cũng cảnh báo, hiện nay, trên thị trường còn nhiều sản phẩm nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo, thậm chí cả thuốc nhỏ mắt sản xuất thủ công, chứa chất bảo quản rẻ tiền. Việc sử dụng những sản phẩm như vậy có thể gây khô mắt, đau mắt mãn tính thậm chí dẫn tới mù lòa. 

Vì vậy, người tiêu dùng cần biết lựa chọn sản phẩm an toàn, phù hợp, cũng như cách bảo quản thuốc, chăm sóc mắt đúng cách. Trong đó, thuốc rửa hay nhỏ mắt cần do các công ty dược phẩm có uy tín lâu năm sản xuất, sử dụng công nghệ mới – công nghệ kín và tự động hoàn toàn để đảm bảo tính an toàn cho sản phẩm.

Theo bác sĩ Cương, với thuốc nhỏ mắt, công nghệ kín sẽ đảm bảo việc mặt pha liều, nồng độ được tiến hành tự động hoàn toàn, không có xác suất nhầm lẫn trong cân đong đo đếm dẫn tới không đảm bảo đúng nồng độ như công nghệ sản xuất hở kiểu cũ.

Về công nghệ làm lọ, công nghệ kín sử dụng hạt nhựa nguyên sinh sau khi đun chảy ở nhiệt độ 180°C được thổi tạo hình lọ, sau đó dịch thuốc được bơm vào trong lọ và lọ được hàn kín hoàn toàn. 

Quá trình thổi, rót, hàn được kiểm soát nghiêm ngặt về vi sinh, đảm bảo độ vô trùng của sản phẩm, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người.

Các sản phẩm thuốc nhỏ mắt, rửa mắt dùng công nghệ kín có kim tạo lỗ nhỏ giọt thay vì tạo lỗ sẵn ở công nghệ hở kiểu cũ. 

Theo bác sỹ, sản phẩm thuốc nhỏ tạo lỗ sẵn có thể chịu tác động của môi trường, ảnh hưởng quá trình vận chuyển, sử dụng hàng ngày làm hỏng hoạt chất của thuốc, nhiễm tạp chất từ bên ngoài… làm thuốc thậm chí biến đổi màu hoàn toàn, hay đóng cặn dưới đáy… Thuốc từ đó không phát huy tác dụng mong muốn ban đầu, giảm hiệu quả điều trị.