Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy việc khai thác nước ngầm quá mức kết hợp với tốc độ gia tăng mực nước biển do biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo đã kéo theo tình trạng sụt lún đất, có thể khiến gần như toàn bộ vùng ĐBSCL bị chìm vào năm 2100.
Chính phủ Việt Nam gần đây đã ban hành Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các vùng chứa nước ngọt tại khu vực ĐBSCL. Các cơ quan chức năng cũng đang soạn thảo các biện pháp chính sách ứng phó với các yếu tố làm xói mòn ĐBSCL, trong đó có đê và cửa xả nước. Theo kế hoạch, cuối năm nay, Việt Nam sẽ tổ chức diễn đàn phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số Việt Nam; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, với 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng cá xuất khẩu, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của Việt Nam. Đây cũng là khu vực có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tiểu vùng sông Mekong.