Cảnh giác tâm lý đầu cơ vàng

Bên hành lang Quốc hội, “cơn bão” giá vàng đã trở thành đề tài “nóng” trong cuộc trao đổi của ông Vũ Viết Ngoạn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với báo giới.


Bên hành lang Quốc hội, diễn biến giá vàng trở thành đề tài “nóng” trong cuộc trao đổi của ông Vũ Viết Ngoạn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với báo giới.

- Thưa ông, tại sao cho đến nay chúng ta vẫn bị động trước giá vàng mà chưa có một tổ chức đứng ra để nghiên cứu, dự báo về thị trường nhạy cảm này?

- Nước ngoài vẫn có dự báo. Hiện nay người ta dự báo giá vàng thế giới có thể lên tới 1.400-1.500 USD/oz, có nhà nghiên cứu đưa ra phán đoán giá vàng có thể lên tới 2.000USD/oz, thậm chí có khả năng nhu cầu về vàng sẽ gia tăng trong tương lai. Nhưng đó chỉ là dự báo thôi. Rất nhiều trường hợp dự báo không đúng. Thiên tai, dịch bệnh, hay bất ngờ phát sinh một vấn đề nào đó về kinh tế - chính trị trên thế giới, hoặc chỉ một sự thay đổi về chính sách của các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế, của Chính phủ các nước cũng có thể sẽ dẫn đến sự thay đổi về cung cầu.

- Nhưng thị trường vàng trong nước lại đang được mô tả là tăng tốc một cách quá “điên rồ” trong mối tương quan với tình hình kinh tế vĩ mô?

- Thị trường vàng trong nước đã liên thông nên giá vàng thế giới tăng sẽ tác động làm tăng giá vàng trong nước. Mấy ngày qua giá vàng trong nước tăng, nhưng tăng thái quá so với giá thế giới, hoặc khi tụt xuống cũng vậy, song thường là cao hơn thị trường vàng nước ngoài. Đây là yếu tố không bình thường.

Có thể giải thích một phần nguyên nhân là do yếu tố đầu cơ. Hiện có nhiều nhà đầu cơ mạo hiểm theo phong trào, “bầy đàn” mà thiếu thông tin, thể hiện rất rõ không chỉ ở thị trường vàng, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản. Ở thị trường Việt Nam, việc quan tâm đến vàng, tích trữ vàng đã trở thành tập quán, thành văn hoá từ lâu rồi nên số lượng vàng nằm trong dân là rất lớn. Do đó, rất dễ gây biến động lớn mỗi khi có xu hướng tăng cường đầu cơ. Chính vì vậy, nhiều khi vàng ở trong nước vượt quá mức giá tính theo quốc tế.

- Dường như các giải pháp của NHNN chưa thật hiệu quả nên giá vàng trong nước chỉ dịu xuống đôi chút?

- Chúng ta phải nhìn lại giá vàng trên thế giới trong thời gian qua - có lên, có xuống - nhưng xu hướng chung từ đầu năm đến nay là tăng và tăng rất cao. Đến thời điểm này đã trên 1.400 USD rồi (1.420 USD), do đó giá vàng trong nước cũng tăng theo.

- Hiệp hội kinh doanh vàng và các doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị bỏ giấy phép nhập khẩu vàng nhưng vẫn chậm được xem xét, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo cá nhân tôi thì không nên bỏ giấy phép này. Chúng ta  phải thừa nhận thực trạng mua bán vàng trao tay trong dân cư của Việt Nam rất phổ biến, khối lượng tích trữ rất nhiều. Do vậy, cần nhân nhắc chỗ này để có biện pháp phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế. Việc bỏ giấy phép thì chưa nên, nhưng đòi hỏi có sự nhạy bén của các cơ quan hoạch định chính sách.

- NHNN cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng trong 14 ngày, theo ông thời gian ấy có đủ để hạ nhiệt thị trường vàng hiện nay hay không?

- Biện pháp này đưa ra chỉ đủ làm cho giá vàng trong nước tăng không cao hơn giá vàng quốc tế, tính theo giá chuyển đổi. Nếu như trong thời gian tới giá vàng quốc tế tiếp tục tăng thì giá vàng trong nước cũng không thể giữ ở mức thấp được.

- Như vậy, biện pháp cho nhập khẩu vàng đã phải là giải pháp căn cơ chưa, thưa ông?

- Trước mắt nhập khẩu vàng là cần thiết. Hiện nhu cầu mua vàng của người dân là có thực, nếu chúng ta cắt đứt, chặn lại nguồn lưu thông trong nước thì thị trường tất yếu nảy sinh yếu tố đầu cơ. Cho nhập vàng sẽ phần nào hạ nhiệt cơn sốt giá vàng và có tác động hạn chế tâm lý đầu cơ.

- Giá vàng tăng kéo giá USD tăng theo. Thưa ông, cần phải có giải pháp gì để đảm bảo ổn định tỷ giá?

- Giá USD của chúng ta chịu nhiều sức ép nên tăng giá khá nhanh, mà yếu tố căn bản là nhập siêu trong nhiều năm qua đã dẫn đến cân đối ngoại tệ không đảm bảo cân bằng. Gần đây chỉ số giá tiêu dùng đang tăng cao, cho nên tỷ giá cũng phải chịu sức ép.

Bên cạnh đó, vừa qua giá vàng tăng cao dẫn đến giá USD tăng cao, kéo theo giá các mặt hàng khác cũng tăng cao, tạo thành một vòng xoáy. Ở đây tôi muốn nói rõ, ở các nước phân đoạn thị trường rõ ràng, giá vàng tăng chỉ ảnh hưởng nhỏ đến mặt bằng giá cả, nhưng ở ta giá vàng, giá USD tăng cao là lập tức giá lương thực, thực phẩm, cũng như giá các mặt hàng khác “ăn theo” ngay.

Để giải quyết vấn đề này, ngoài vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá ngoại tệ thì cũng cần công khai, giải thích để giải tỏa tâm lý cho người dân.

- Vậy ông có đề xuất nào để có thể “hút” được  vàng, USD đang tích trữ trong dân đưa vào lưu thông?

- Đây là vấn đề khó, tôi nghĩ rằng cần phải có sự nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng. Hiện giờ tôi cũng chưa đưa ra được một giải pháp cụ thể. Tôi cho rằng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm. Bên cạnh vấn đề ổn định nền kinh tế, tạo niềm tin cho người dân cần phải có biện pháp kỹ thuật để khai thác, sử dụng số vàng này.

- Trân trọng cảm ơn ông

H.Giang (ghi)

Đọc thêm