Cảnh giác với các loại giấy tờ bảo hiểm xe máy "giá bèo"

(PLVN) - Giấy đăng ký xe, Bằng lái xe hay bảo hiểm xe máy là những giấy tờ quan trọng không chỉ mang tính pháp lý bắt buộc với chủ xe máy mà còn bảo vệ quyền lợi cho người điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, với nhiều người đó chỉ là thứ để đối phó với Cảnh sát giao thông vì vậy họ đã bỏ qua những thủ tục thông thường mà tin vào những lời mời gọi của các dịch vụ vừa nhanh vừa rẻ.
Bảo hiểm xe giá rẻ được bày bán công khai, tấp nập trên đường 3/2.TP Hồ Chí Minh
Bảo hiểm xe giá rẻ được bày bán công khai, tấp nập trên đường 3/2.TP Hồ Chí Minh

Nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm, chủ động trong công tác bảo đảm Trật tự an toàn giao thông, góp phần giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và tham gia đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã có đợt ra quân từ ngày 15/05/2020 đến hết ngày 14/6/2020. Mặc dù có trong tay đầy đủ giấy tờ, nhưng nhiều người dân cần cảnh giác để không bị Cảnh sát giao thông xử phạt khi xuất trình không đúng.

Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe vẫn có thể bị làm giả

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội tràn lan những lời mời chào rất hấp dẫn về bằng lái xe như “có bằng ngay khi đủ hồ sơ nhanh trong ngày” hay “bằng lái xe giá rẻ” “ bao đậu 100%”. Với công việc bận bịu, nhiều người đã tìm đến các dich vụ thi bằng lái xe “bao đậu” hay làm bằng lái xe giá rẻ, chỉ từ vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng, người cần bằng lái có thể có một Giấy phép lái xe mà không còn cần phải ôn thi, không còn lo sợ việc thi không đậu hay thời gian làm thủ tục, hồ sơ tốn kém thời gian, chỉ cần đóng tiền và cung cấp thông tin, mọi thủ tục từ khám sức khỏe đến “bao đậu” bằng lái đã có dịch vụ lo, thậm chí chỉ cần ở nhà, sẽ có nhân viên của trung tâm đến tận nơi làm hồ sơ.

Vậy những loại bằng “bao đậu” liệu có đang được cấp đúng theo quy định của pháp luật về việc thi cấp Giấy phép lái xe hay không? khi mà, song song đó là hoạt động của các dịch vụ làm giấy tờ giả ngang nhiên hoạt động,vô tư “rao bán”, mời chào trên các trang mạng xã hội, hơn nữa là nhắn tin trực tiếp đến số điện thoạiđể quảng cáo dịch vụ làm giả giấy tờ. Chính vì những dịch vụ làm giả giấy tờ này mà nhiều người đã bị sập bẫybởi mua phải xecó giấy tờ giả.

Nguy cơ bị Cảnh sát giao thông xử phạt nếu mua phải giấy tờ xe làm giả, giá rẻ
Nguy cơ bị Cảnh sát giao thông xử phạt nếu mua phải giấy tờ xe làm giả, giá rẻ 

Tại điểm g, khoản 3, Điều 37 - Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định: Phạt tiền từ 03-05 triệu đồng đối với cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch mới, cấp lại Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Đối với việc sử dụng giấp phép lái xe giả, theo quy định của Điều 21, Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người điều khiển mô tô sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa, Giấy phép lái xe không hợp lệ (Giấy phép lái xe có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống quản lý Giấy phép lái xe) bị phạt tiền từ 800.000 - 1.200.000 đồng và phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng  đối với người điều khiển ô tô, đồng thời đều bị tịch thu các giấy phép sai quy định nêu trên.

Còn việc giấy đăng ký xe bị làm giả, dù là không phải do mình làm như có sử dụng cũng bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 theo Khoản 3 Điều 17Nghị định Số: 46/2016/NĐ-CP.

Vì vậy, người dân cần thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trong việc làm các giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe để tránh “tiền mất, tật mang”, có giấy tờ nhưng vẫn bị Cảnh sát giao thông xử phạt.

Nhộn nhịp bảo hiểm xe giá rẻ khắp mọi nẻo đường.

Những ngày ra quân của Cảnh sát giao thông cũng là những ngày của bảo hiểm xe tại TP HCM được rao bán nhộn nhịp, nhất là trên những tuyến đường lớn như đường 3/2, Điện Biên Phủ, Phan Văn Trị, dọc QL 1A,… với những biển quảng cáo rất to ghi rõ “ bảo hiểm xe máy 10.000 đồng/năm”.

Vậy đây là loại bảo hiểm gì? Và tại sao lại có giá rẻ đến vậy? Thực ra, bảo hiểm xe có hai loại, bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Loại bảo hiểm có giá 10.000 đồng/năm được rao bán là bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm này chỉ nhằm mục đích đề phòng trường hợp người điều khiển xe xảy ra tai nạn hay gặp rủi ro, còn khi gặp Cảnh sát giao thông thì người điều khiển xe máy vẫn có thể bị phạt khi xuất trình tờ bảo hiểm này.

Dịch vụ Giấy phép lái xe cấp tốc và Giấy phép lái xe “bao đậu” quảng cáo trên mạng xã hội.
 Dịch vụ Giấy phép lái xe cấp tốc và Giấy phép lái xe “bao đậu” quảng cáo trên mạng xã hội.

Bảo hiểm mà Cảnh sát giao thông kiểm tra là bảo hiểm bắt buộc hay còn gọi là Giấy chứng nhậnbảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự - của chủ xe mô tô, xe máy. Khác với bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm bắt buộc hướng đến việc giúp người mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba khi có rủi ro, tai nạn xảy ra trong phạm vi bảo hiểm.

Thông thường, hai loại bảo hiểm trên sẽ được bán kèm vì Giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện (bảo hiểm xe tự nguyện) chỉ có giá trị khi được bán kèm theo Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc, nếu bán riêng thì không có giá trị và không được bồi thường vì Giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện không ghi người sở hữu xe, xe mua bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, đặc biệt là không có giá trị thay thế bảo hiểm bắt buộc.

Nếu không xuất trình được bảo hiểm bắt buộc khi Cảnh sát giao thông yêu cầu thì sẽ bị phạt tiền 100.000-200.000 đồng. Mặt khác, những bảo hiểmxe được rao bán tràn lan ngoài đường với giá rẻ có nguy cơ bị làm giả rất cao do không được cơ quan chức năng kiểm định. Giấy chứng nhận bảo hiểm xe không chỉ có tác dụng bảo vệ cho bạn, tài sản xe của bạn, mà còn là bảo vệ những người xung quanh.Chính vì vậy chúng ta cũng không nên bỏ qua loại giấy tờ này và nên chọn mua ở những nơi uy tín.

Đọc thêm